LỊCH SỬ HÌNH THÀNH TỔ CHỨC NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUA CÁC THỜI KỲ
Cùng với sự ra đời Ngành nông nghiệp của cả nước, dưới sự lãnh đạo cuả Đảng bộ, Chính quyền tỉnh, ngành nông nghiệp đã ra đời và phát triển theo các chặng đường lịch sử.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954)
Ngày 24/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh , cuộc mít tinh được tổ chức trọng thể tại sân vân động thị xã. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tại tỉnh bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập – tự do, tự mình xây dựng và bảo vệ thành quả Cách mạng đem lại sau khi giành chính quyền trên toàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập và Ban kinh tế cũng được hình thành. Một số nhiệm vụ của Ban kinh tế lúc này là: Bãi bỏ các loại sưu thuế đánh vào đồng bào dân tộc do thực dân Pháp và phát xít Nhật đặt ra trước đây; mở kho thóc, kho muối của chính quyền cũ để cứu tế cho đồng bào và xây dựng thêm ở các huyện các kho thóc và các kho muối dự trữ; khuyến khích phát triển công, thương nghiệp, cho tự do buôn bán giữa tỉnh với các tỉnh đồng bằng; biến các hợp tác xã của Pháp thành các điểm thu mua nông, lâm, thổ sản và bán muối cùng các nhu yếu phẩm khác cho nhân dân. Ở mỗi huyện tổ chức 1 trạm bán muối, gạo cho nhân dân và thu mua cà phê để bán về miền xuôi.
Đây là những biện pháp kinh tế tạm thời, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, làm cho nhân dân gắn bó với chế độ mới, giải quyết những khó khăn rất lớn về kinh tế và tài chính của chính quyền Cách mạng.
Để cổ vũ cho phòng trào lao động sản xuất, xây dựng ý thức tự hào dân tộc, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược. Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh đã tổ chức hội chợ sản phẩm lâm nghiệp và chăn nuôi từ ngày 20/10/1945 đến ngày 22/10/1945, tại thành phố Buôn Ma Thuột. Hội chợ có sự tham gia của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, vừa triển lãm, vừa trao đổi sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của từng địa phương. Thông qua hội chợ, đồng bào càng hiểu rõ chính quyền Cách mạng của nhân dân, thấy rõ khả năng tự lực, tự cường của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã động viên mọi người ra sức sản xuất, tiết kiệm và củng cố chính quyền Cách mạng, là cơ sở để huy động toàn dân vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp sau này.
Năm 1946, quân đội thực dân Pháp đánh chiếm trở lại tỉnh . Công việc đầu tiên của Ban Kinh tài là nhanh chóng ổn định tình hình và tăng thêm lực lượng, một mặt hướng dẫn nhân dân sản xuất, mặt khác vận động nhân dân góp sắt, dao, rựa cùn, tổ chức các lò rèn để rèn dao mác cho dân quân tự vệ, rèn rựa, dao để phục vụ sản xuất.
Một lực lượng khác tiếp tục bám dân, vận động nhân dân cung cấp lương thực để tiếp tế cho bộ đội ở tuyến trước.
Ban Kinh tài đã mở các cửa hàng khu căn cứ nhận cà phê đổi lại muối và nhu yếu phẩm cho nhân dân.
Trong điều kiện ngân sác nhà nước của tỉnh còn hạn hẹp, lực lượng mới lại vừa làm vừa học, không có trợ cấp, không có chế độ, nhờ dân nuôi là chính nhưng các đồng chí trong Ban kinh tài vẫn hăng say nhiệt tình công tác, do vậy bước đầu đã giảm bớt một phần khó khăn, thiếu thốn của lực lượng vũ trang và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng tự do của chính quyền Cách mạng quản lý.
Tháng 7/1945 theo Quyết định của Ủy ban kháng chiến hành chính phía Nam Trung bộ, Ủy ban kháng chiến tỉnh được thành lập và cơ quan chuyên môn của tỉnh được hình thành như Ty Kinh tế, Ty Công an, Ty Học vụ, Ty Thông tin…
Ty Kinh tế tổ chức các cửa hàng mua bán, mở các trại sản xuất, chăn nuôi, xưởng dệt…Ngoài ra còn tiếp nhận của các tỉnh đồng bằng khu V, lập các kho dự trữ để phục vụ nhân dân, lực lượng vũ trang và các đơn vị đoàn thể của tỉnh, trong suốt thời kỳ 1947 đến năm 1954.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975)
Thời kỳ 1954 – 1960:
Thực hiện Hiệp định Giơ ne – Vơ, phần lớn cán bộ các cơ quan đoàn thể của tỉnh đều tập kết ra Bắc, một số cán bộ bám lại chiến trường hoạt động, trong đó có cán bộ Ty Kinh tế. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh, Ty Kinh tế giao lại kho gạo, muối, vải cho dân để không phải bàn giao cho địch.
Các đồng chí trong Ty Kinh tế ở lại hoạt động ngoài việc xây dựng cơ sở trong nhân dân còn thực hiện một nhiệm vụ quan trọng khác là thường xuyên cung cấp, tiếp tế lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho cơ quan tỉnh ở căn cứ.
Tháng 9/1959, Ban Kinh tài (Kinh tế tài chính) của tỉnh được thành lập, gồm các tiểu ban: Tiểu ban sản xuất, Tiểu ban Tài chính, Tiểu ban Thương nghiệp, Tiểu ban Mậu dịch… Nhiệm vụ của Ban Kinh tài lúc bấy giờ là vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, đóng góp lương thực, thực phẩm cho Cách mạng, phục vụ cho cuộc đồng khởi năm 1960 của nhân dân các dân tộc ở tỉnh .
Thời kỳ 1961 – 1968:
Từ năm 1961 - 1963, Ban Kinh tài mở đường về Khánh Hòa để khai thác thêm lương thực, thực phẩm, mở cửa khẩu và chuyển đường hành lang sang đất Căm Pu Chia để mua hàng hóa
Hai năm 1964 – 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ có bước phát triển mới, vùng giải phóng ngày càng mở rộng, và địa bàn hoạt động của Ban Kinh tài cũng được phát triển thêm.
Hoạt động của lực lượng Kinh tài dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và bí mật khai thác các nguồn hàng trong lòng địch. Đặc biệt đã phối hợp với các đội vũ trang, công tác khống chế một thời gian dài các đoạn đường quốc lộ 21 và 14, đón các xe tải từ Sài gòn, Nha trang đến Buôn Ma Thuột, từ Buôn Ma Thuột đi Pleiku, gặp các cơ sở của ta đóng vai người buôn chuyến giao tiền và nhu cầu mua hàng, hẹn thời gian giao nhận hàng để chuyển vào căn cứ. Thời kỳ này được Trung ương phụ cấp tiền, Ban Kinh tài đã mua được hàng trăm tấn đầu xanh để cung cấp cho lực lượng vũ trang và các đơn vị Quân đội hành quân từ Bắc vào Nam qua các trạm giao liên trên đoạn đường tỉnh quản lý và bảo vệ.
Trong thời kỳ này, cán bộ Kinh tài còn vào các đồn điền để vận động giới chủ nộp thuế cho Cách mạng bằng hàng hóa, nhiệm vụ sản xuất cũng đạt được thành tích rất khả quan, nhờ đó năm 1965 tỉnh đã huy động được hơn nửa triệu ngày công phục vụ chiến trường, thương nghiệp đã mua được 2.275 tấn lương thực thực phẩm. Cũng trong năm này, Ban Kinh tài đã thu đảm phụ tại các đồn điền được 2,5 triệu đồng (tiền cũ). Đây là nguồn vật chất quan trọng phục vụ cho Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Mậu thân 1968 trên địa bàn tỉnh
là chiến trường xa hậu phương lớn, việc tiếp tế vào rất khó khăn. Các lực lượng chiến đấu nhận chi viện ở hậu phương chủ yếu là vũ khí còn việc nuôi quân đánh giặc là dựa vào sức dân, lấy tự lực nuôi mình là chính.
Thời kỳ 1969-1975:
Tiểu ban sản xuất tách khỏi Ban kinh tài, thành lập Ban Sản xuất (tương đương cấp Sở hiện nay) cho đên ngày giải phóng (tháng 3 năm 1975), địa điểm đóng tại buôn Cư Dram, huyên Krông Bông
Chức năng nhiệm vụ:
- Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, tiểu thủ công nghiệp cho nhân dân vùng căn cứ, vùng giải phóng và sản xuất tự túc của các cơ quan, lực lượng vũ trang.
- Theo dõi, nắm tình hình về sản xuất và đời sống của nhân dân; tham mưu, đề xuất, lập kế hoạch để báo cáo cho lãnh đạo tỉnh có chủ trương chỉ đạo lĩnh vực nông nghiệp.
- Hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào dân tộc (như làm ruộng nước, sử dụng giống mới, dùn cuốc và trâu bò cày, cấy lúa thay cho “phát đất trọc chỉa”).
- Cùng với công tác chuyên môn, còn làm nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu (chông địch càn quét) và đi phục vụ các chiến dịch ở “phía trước”. Mỗi cán bộ nhân viên là một “chiến sĩ”, được trang bị vũ khí. Phải thường xuyên sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm.
Về tổ chức bộ máy:
- Bộ phận lãnh đạo: Có Trưởng ban, các Phó ban và Ủy viên ban.
- Bộ phận tài chính – Tổng hợp – Kế hoạch.
- Bộ phận chuyên môn: Gồm có cán bô kỹ thuật (kỹ sư, trung cấp), phần lớn thời gian là đi chỉ đạo ở cơ sở (đi bộ đường rừng, từ 2 đến 5 ngày mới tới huyện).
- Bộ phận hậu cần, bảo đam chuyên lo sản xuất tự túc (làm rẫy, chăn nuôi heo gà, đánh cá ở suối); đi mua và gùi cõng các nhu yếu phẩm từ vùng địch về (như mua bột ngọt, đường sữa, vải mặc,…).
- Đội sản xuất công doanh (tính chất như một nông trường quốc doanh), số lượng 30 – 40 người, chuyên sản xuất lương thực (chủ yếu là sắn, khoai lang) và chăn nuôi heo, gà để cung cấp cho các cơ quan tinh.
- Lò rèn: Có 3 – 5 người, làm các loại nông cụ cung cấp cho các cơ quan và nhân dân vung căn cứ.
- Tổng số cán bộ, nhân viên của Ban có 69 người:
- Trưởng Ban: Đồng chí Lê Chí Quyết, sau là đồng chí Phạm Minh Chính.
- Các Phó trưởng Ban (thay đổi qua nhiều thời kỳ): Đồng chí Nguyễn Tiến, Ama A, Nguyễn Văn Bích, Phan Mạch, Ama H’lan, Bùi Văn Thuộc (Vinh), Lê Công Viên, Nguyễn An Vinh.
Thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc (1975 – 2014).
Ngay sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975 Ty Nông-Lâm nghiệp được thành lập trên cơ sở Ban kinh tài chiến khu của tỉnh. Đồng chí Nguyễn An Vinh, Kỹ sư Nông nghiệp nguyên là cán bộ chỉ đạo sản xuất nông nghiệp từ chiến khu được Đảng bộ tỉnh ban hành quyết định giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách Ty Nông – Lâm từ năm 1975. Cùng với một số cán bộ khác từ chiến khu, vùng căn cứ kháng chiến cũng được cử đến có nhiệm vụ tiếp quản cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện, tài liệu, nhân viên của Ty Điền địa, Ty Nông súc, Ty Thủy – Lâm do chế độ cũ để lại. Ngòai nhiệm vụ ổn định tình hình chính trị địa phương, Đảng bộ tỉnh và UBND cách mạng lâm thời cũng chỉ đạo ngành Nông – Lâm phải tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp mà trọng tâm là sản xuất lương thực, để phòng nạn đói xảy ra sau chiến tranh. Các phòng ban Ty Nông - Lâm nghiệp được hình thành:
Phòng lâm nghiệp: Đồng chí Y Sốt từ căn cứ ra được phân công làm trưởng phòng, cán bộ nhân viên của phòng gồm một số đồng chí từ căn cứ ra và một số nhân viên tiếp nhận từ Ty Thủy nông của chế độ cũ để lại.
Phòng nông nghiệp: Đồng chí Lê Văn Trọng, Kỹ sư nông nghiệp cũng từ căn cứ ra được phân công làm trưởng phòng và một số kỹ sư khác như kỹ sư Vũ Hồng Mỹ, kỹ sư Lê Văn Trương, kỹ sư Đinh Nhung, v.v…
Phòng thủy lợi: Đồng chí Phạm Hồng Đức do Bộ Thủy lợi điều vào được phân công làm trưởng phòng và một số cán bộ như đồng chí Phan Mưu Bính, đồng chí Đặng Hậu, v.v…
Phòng tổ chức: Đồng chí Nguyễn Kháng được phân công phụ trách phòng và một số cán bộ khác từ căn cứ chiến khu ra như đồng chí Lê Công Viên, đồng chí Hòang Bá, v.v…
Phòng hành chính-Tài vụ: Đồng chí Đào Ngày – Trung cấp kế toán từ chiến khu ra được phân công giữ chức trưởng phòng cộng với một số cán bộ nhân viên khác.
Để phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ, Ty Nông lâm đổi tên thành Ty Nông - Lâm -Thủy, ngày 20-5-1975 tỉnh điều động Đồng chí Nguyễn Đức Nhuần (tức Ama Đức) làm Trưởng ty thay cho Đồng chí Nguyễn An Vinh đi nhận công tác khác. Đồng chí Lê Thiết cán bộ mới được tăng cường vào giữ chức Phó trưởng Ty.
Để phù hợp với điều kiện chung của đất nước, Ty Nông - Lâm – Thủy được tách ra thành Ty Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi và thành lập thêm Ban định canh định cư.
1. Ban định canh định cư: Ngày 01-10-1975 Ban thường vụ tỉnh ủy ban hành Quyết định thành lập Ban định canh định cư do Đồng chí Nguyễn Đức Nhuần (Ama Đức), Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng ban.
2. Ty Nông nghiệp: Sau khi được chia tách, đồng chí Huỳnh Văn Cần, làm Trưởng ty Nông nghiệp giai đoạn 1977-1978; Đ/c Lê Thiết, Trưởng ty giai đoạn 1978-1979; Đ/c Nguyễn Mười, Trưởng ty giai đoạn 1979-1982.
Năm 1982 đổi tên Ty Nông nghiệp thành Sở Nông nghiệp, các đồng chí làm Giám đóc Sở qua các giai đoạn: đồng chí Đoàn Huy Diệu, giai đoạn 1982-1983; Đ/c Võ An Bang, giai đoạn 1983-1986.
3. Ty Lâm nghiệp: Ngày 15-10-1975 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 159/QĐ-UB tách Phòng Lâm nghiệp để thành lập Ty Lâm nghiệp, đồng chí Nguyễn Minh từ chiến khu ra được giao nhiệm vụ làm Trưởng Ty Lâm nghiệp, đồng chí Y Ly Niê Kdăm, kỹ sư lâm nghiệp làm Phó Trưởng ty, đồng chí Y Sốt làm Phó Trưởng ty phụ trách lực lượng kiểm lâm, đồng chí Lê Công Viên phụ trách công tác tổ chức.
Từ năm 1977-1986 các đồng chí được giữ chức vụ Trưởng ty Lâm nghiệp qua các giai đoạn cụ thể sau:
+ Giai đoạn 1977-1983: Đ/c Nguyễn Thông.
+ Giai đoạn 1983-1985: Đ/c Y Ly Niê Kdăm
+ Giai đoạn 1985-1986: Đ/c Nguyễn Thông.
4. Ty Thủy lợi: Đến tháng 12-1975, UBND tỉnh ban hành quyết định tách Phòng Thủy Lợi thành lập Ty Thủy lợi: Các đồng chí làm Trưởng ty qua các giai đoạn:
+ Giai đoạn 1976-1982: Đ/c Trần Nhơn
+ Giai đoạn 1982-1986: Đ/c Phạm Hồng Đức
Năm 1986, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VI xóa bỏ bao cấp, đổi mới đường lối kinh tế theo hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với chủ trương đổi mới kinh tế, các ban, ngành cũng đổi tên cho phù hợp.
- Năm 1986, Ty Lâm nghiệp đổi tên thành Sở Lâm nghiệp. Đồng chí Nguyễn Công Bá, làm Giám đốc Sở, giai đoạn 1986-1989.
- Năm 1986, Ty Thủy lợi tỉnh đổi tên thành Sở Thủy lợi, đồng chí Phan Mưu Bính làm giám đốc Sở, giai đoạn 1986-1992; Đ/c Trần Đình Đính, giai đoạn 1992-1996.
- Năm 1988, Sở Nông nghiệp đổi tên thành Sở Nông nghiệp – Lương thực, Đ/c Nguyễn Bá Anh, làm giám đốc Sở, giai đoạn 1988-1989.
- Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi và phát triển nông thôn, ngày 04/10/1989 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 799/QĐ-UB sáp nhập Sở Nông nghiệp – Lương thực với Sở Lâm nghiệp thành Sở Nông – Lâm nghiệp, Đ/c Nguyễn Bá Anh, làm giám đốc Sở, giai đoạn 1989-1993, Đ/c Nguyễn Công Bá, giai đoạn 1993-1996.
Năm 1996, trước tình hình thế giới có nhiều biến động có lợi cho nước ta, lệnh cấm vận được dỡ bỏ, quan hệ ngoại giao với các quốc gia trên thế giới được cải thiện và phát triển, Việt Nam xin gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Đứng trước xu thế hội nhập quốc tế, đất nước ta đã tổ chức, sắp xếp lại các bộ máy nhà nước từ Trung ương đến Địa phương. Ở Trung ương, Bộ Thủy lợi được sáp nhập cùng với Bộ Nông nghiệp và Bộ Lâm nghiệp để hình thành Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói chung và tỉnh Đăk Lăk nói riêng , Sở Thủy lợi được sáp nhập với Sở Nông – Lâm nghiệp để hình thành Sở Nông nghiệp và PTNT như ngày nay.
Các đồng chí giữ chức vụ Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ 1996 đến nay như sau:
- Đ/c Phan Mưu Bính: Giai đoạn 1996-2006
- Đ/c Trương Thị Xê: Giai đoạn 2006-2011
- Đ/c Trang Quang Thành: Giai đoạn 2011-2015.
- Đ/c Nguyễn Hoài Dương: Từ năm 2016 đến nay.
Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực Nông lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, nước sinh hoạt và môi trường nông thôn, chất lượng nông lâm thủy san và phát triển nông thôn.
Ngày nay, nhiệm vụ chính trị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đặt ra không chỉ là nhiệm vụ của các ngành trước đây về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ lợi một cách riêng rẽ mà còn là sự đòi hỏi cao hơn về việc phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn một cách bền vững, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đất – nước - rừng, gắn chặt hơn nữa sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ lợi với việc phát triển nông thôn.