Dự án Vnsat tổ chức tập huấn về giám sát và quản lý sâu bệnh hại trên cây cà phê

Trong 2 ngày 29 và 30/5/2018, Ban quản lý Dự án VnSAT đã tổ chức khóa Tập huấn về giám sát và quản lý sâu bệnh hại trên cây cà phê tại Khách sạn Công Đoàn Ban Mê – số 09 Nguyễn Chí Thanh, Tp. Buôn Ma Thuột.

Đối tượng tham dự khóa tập huấn là đại diện các Tổ chức nông dân trong vùng dự án, đại diện Tổ công tác Dự án VnSAT các huyện/thị xã và đại diện một số cơ quan liên quan. Khóa tập huấn được tổ chức trong 2 ngày với 3 chuyên đề:

Chuyên đề 1: Một số bệnh hại chính trên cây cà phê và cách phòng trừ;

Chuyên đề 2: Các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây cà phê;

Chuyên đề 3: Vấn đề giám sát và quản lý sâu bệnh hại trên cây cà phê.

Giảng viên khóa tập huấn được mời từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh : Bà Vũ Thị Thanh Bình – Phó cục trưởng và Ông Nguyễn Hữu Hưng – Trưởng phòng Bảo vệ thực vật – Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh .

Ông Đào Đình Phượng - cán bộ kỹ thuật DA VnSAT - giới thiệu và khai mạc khóa tập huấn

Khóa tập huấn đã đem lại nhận thức mới mẻ và nhiều thông tin hữu ích cho các học viên. Mặc dù hầu hết các học viên đều cho rằng kỹ thuật canh tác luôn có vai trò quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhưng vẫn chưa áp dụng đồng bộ qui trình kỹ thuật vào sản xuất. Lâu nay, có không ít người có quan niệm, cà phê càng bón nhiều phân thì năng suất càng cao. Tuy nhiên, qua thực tế, nếu cách thức bón phân, sử dụng loại phân, số lượng phân không hợp lý sẽ dẫn đến cây cà phê bị bệnh cho những năm về sau.

Còn đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), qua điều tra của ngành Nông nghiệp, hàng năm, 100% số hộ trồng cà phê có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ các loài sâu, bệnh hại chính như rệp sáp, mọt đục cành, bệnh gỉ sắt… Nhưng điều đáng nói là việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân còn tùy tiện về liều lượng, tâm lý phun đậm đặc để sâu bệnh chết nhanh còn nhiều. Khóa tập huấn đã hướng dẫn cho các học viên sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng:

-    Đúng thuốc: dùng đúng loại thuốc có hiệu quả cao với loại dịch hại cần trừ.

-    Đúng lúc: dùng thuốc khi dịch hại dễ phòng trừ và có hiệu quả cao,thường là khi mới phát sinh hoặc gần tới ngưỡng gây hại.

-    Đùng liều lượng và nồng độ: theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc hay tài liệu kỹ thuật. Trong phạm vi liều lượng hay nồng độ hướng dẫn, có thể dùng mức cao hay thấp tùy theo số lượng dịch hại nhiều hay ít, còn non hay đã già.

-    Đúng cách: tập trung những chỗ sâu bệnh nhiều.

Đồng thời, các giảng viên cũng giới thiệu các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây cà phê trên cơ sở nông nghiệp bền vững, hiệu quả kinh tế, phối hợp nhiều biện pháp và an toàn cho con người và môi trường.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh 

Từ khóa tập huấn về giám sát và quản lý sâu bệnh hại trên cây cà phê của những năm trước do dự án VnSAT tổ chức, nhiều người áp dụng đúng kỹ thuật vào sản xuất và đã mang lại những kết quả tích cực như: Năng suất cà phê tăng trong khi số lần phun thuốc hóa học giảm, thiên địch được bảo vệ, dịch hại trong vườn cây được quản lý. Đồng thời, nhiều nông dân đã trở thành "chuyên gia" trên chính nương, rẫy của mình. Họ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhiều nông dân khác thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để đạt được những kết quả tích cực trong canh tác cà phê bền vững.