A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tài năng trẻ âm nhạc cổ điển VN: Gian nan “giữ lửa”

Nhìn từ cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ tư năm 2018 vừa kết thúc cho thấy số lượng thí sinh Việt Nam đoạt giải cao tại các bảng năm nay ít hơn so với mọi năm, chủ yếu ở bảng B và C. Không chỉ vậy, những năm gần đây, tại những đấu trường quốc tế, các tài năng trẻ âm nhạc VN đã gặt hái được rất nhiều thành công nhưng những chiến thắng đó vẫn thuộc về lứa tuổi còn rất trẻ.

 Trần Băng Tâm đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi tài năng American Protege do Carnegie tổ chức tại New York (Mỹ) Ảnh: Intretnet

 Nhiều tài năng âm nhạc cổ điển VN toả sáng tại đấu trường quốc tế

Cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ IV - năm 2018 diễn ra từ ngày 8 đến 15.9 quy tụ 82 thí sinh đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 37 thí sinh nước ngoài và 45 thí sinh Việt Nam. Các tài năng trẻ này đều được tuyển chọn kỹ lưỡng bởi các chuyên gia uy tín, trong đó có nhiều thí sinh từng đoạt giải thưởng quốc tế lớn. Các thí sinh dự thi theo 3 bảng: Bảng A (từ 10 - 13 tuổi); Bảng B (từ 14 - 17 tuổi) và Bảng C (từ 18 - 25 tuổi). Kết quả, chỉ có hai thí sinh VN giành giải nhất tại bảng A, đó là Hồ Lê Đăng Khôi và Trần Gia Quang ở độ tuổi trẻ nhất.

Trước đó, rất nhiều tài năng trẻ VN được tỏa sáng tại đấu trường quốc tế. Cụ thể, đầu tháng 7.2018, cô bé 7 tuổi Trần Băng Tâm đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi tài năng American Protege do Carnegie tổ chức tại New York (Mỹ). Cuộc thi thu hút một số lượng thí sinh kỷ lục từ khắp nơi trên thế giới như: Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản... Băng Tâm theo học piano từ năm lên 4 và từng giành nhiều giải thưởng cao như: giải Nhất cuộc thi âm nhạc Grand Virtuso Prize tại Rome, Italia, năm 2017; giải Ba cuộc thi piano Rising Star 2018 tại Berlin, Đức; giải Nhất cuộc thi âm nhạc Grand Virtuso Prize 2018 tại Vienna, Áo; và giải Nhất cuộc thi âm nhạc Golden Classical Music tại New York năm 2018.

Hay tại Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức cuối tháng 7.2018 tại Singapore, 2 đại diện Việt Nam là Đặng Khánh Linh với giải Vàng và Phạm Yến Nhi nhận giải Bạc. Cả hai đang theo học trung cấp 2 Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cũng tại Liên hoan nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương, ở bảng thi dành cho những thí sinh không chuyên từ 14 tuổi trở xuống, cô bé Đào Diễm Quỳnh (14 tuổi) cũng đã giành được giải Vàng.

Có thể thấy, cho đến thời điểm hiện tại, chiến thắng tại các liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế đều thuộc về những tài năng rất trẻ. Các em không chỉ mang vinh quang cho cá nhân, gia đình hay nhà trường, mà còn là niềm tự hào thắp lên hy vọng về thế hệ tương lai của nền âm nhạc cổ điển Việt Nam.

“Khát” tài năng đỉnh cao

Vì thế, để “giữ lửa” cho những tài năng âm nhạc cổ điển không phải đơn giản nhưng rất cần thiết. Với câu hỏi tại sao rất ít thí sinh VN giành giải thưởng lớn ở các bảng B và C ở độ tuổi lớn hơn? Theo GS.TS.NGND Trần Thu Hà, đây vừa là thực trạng, vừa có rất nhiều vấn đề cả trước mắt, cả lâu dài sâu xa nữa. Nếu theo con số cơ học, nhìn vào bức tranh đào tạo, chắc hẳn chúng ta có thể thấy khoa piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia VN có khoảng 250-270 học viên, trong đó có cả trung cấp và đại học. Nhưng trong số đó hệ đại học chỉ có trên 20 em, còn lại là sơ trung. Bảng C là độ tuổi đúng trong năm tháng học đại học và cao học. “Đây cũng nói lên một thực trạng nữa là con đường nghệ thuật rất gian nan. Đó là một chặng đường dài, có sự sàng lọc và đòi hỏi cao. Em nào vượt lên được là cả một chặng đường dài quyết tâm phấn đấu. Việt Nam tham gia chủ yếu ở bảng A, bảng B là con số thực tế cho thấy con đường nghệ thuật không đơn giản”, GS.TS.NGND Trần Thu Hà chia sẻ

Một lý do nữa, theo nghệ sĩ Bùi Công Duy, quá trình ở độ tuổi phát triển từ 10 - 13 tuổi nhiều hơn vì trong đào tạo chuyên nghiệp, đây là độ tuổi thu nạp tốt nhất. Độ tuổi này ở các nước trên thế giới cũng tham gia rất nhiều. Còn khi lớn lên, các cuộc thi đòi hỏi cao hơn, các thí sinh cần có thời gian nhiều hơn để chuẩn bị. Để tham dự vào bảng C của một cuộc thi phụ thuộc rất nhiều yếu tố, sự chuẩn bị, thầy cô, yếu tố tâm lý, bài vở… không đơn giản. Cho nên, việc tiếp cận ở tuổi cao khó khăn hơn, sự chọn lọc cũng khắt khe hơn. Không chỉ vậy, trong mỗi ngành nghề đều có những đặc thù khác nhau. Vậy nên, đào tạo nghệ thuật đỉnh cao, cái hay cái giỏi không thể nhiều được, đó cũng là sự sàng lọc để tạo ra giá trị.

Nhìn vào thực tế, khoảng cách trình độ thí sinh VN với thí sinh quốc tế đang thu hẹp dần. Việc phát hiện và phát triển tài năng ở lứa tuổi nhỏ ở VN đã có chất lượng cao hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, để những tài năng nhỏ tuổi tiếp tục phát triển vẫn là con đường phải phấn đấu, phải làm lâu dài và tốn kém.

 ​Đào tạo tài năng âm nhạc đỉnh cao đòi hỏi quy luật rất khắt khe và tính đào thải. Đầu vào chúng ta tuyển nhiều nhưng càng lên cao thì sự khổ luyện càng gian khổ. Những người trụ lại được với nghề và sống được với nghề là cả một sự phấn đấu, khổ luyện không ngừng.

(PGS-TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia)

 

 THANH NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...