Bán hàng toàn cầu qua thương mại điện tử: Đừng lạc nhịp với xu thế
Chỉ với một chiếc laptop hoặc điện thoại di động, dù ở bất cứ đâu cũng có thể bán hàng xuyên biên giới với lợi nhuận siêu khủng - đó là mô hình đang rất được quan tâm. Tuy nhiên, để làm được điều này, doanh nghiệp (DN) cần nắm bắt được xu hướng tiêu dùng cũng như có sự đầu tư kỹ lưỡng cho sản phẩm khi đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Thời của công nghệ hiện đại
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, nhất là đối với giới trẻ sống ở các thành thị, ngày càng tăng cao. Kênh bán hàng này đang trở nên sôi động, khiến các cửa hàng truyền thống tập trung tìm kiếm các kênh bán hàng online nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Trong đó, các sàn giao dịch hướng DN hoặc hộ kinh doanh tiếp cận đến gần các trung tâm mua sắm quốc tế đang trở nên hấp dẫn, mang lại hiệu quả cao.
Doanh nghiệp Việt có thể bán hàng xuyên biên giới nếu biết tận dụng TMĐT |
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh - Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số) - để kinh doanh hiệu quả trên môi trường trực tuyến, có 2 xu thế đang phát triển trên thế giới mà DN cần bắt kịp. Thứ nhất, "voice" và "photo" - người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm muốn mua trên sàn giao dịch bằng giọng nói hoặc hình ảnh thay vì cách truyền thống trước đây là gõ sản phẩm muốn tìm trên internet. Dự báo, đến năm 2020, sẽ có tới 50% người tiêu dùng tìm kiếm theo cách này. Thứ hai, "platform" - hệ thống nền tảng công nghệ khác nhau, giúp kinh doanh tốt hơn...
Cần nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo thống kê, TMĐT xuyên biên giới là xu hướng toàn cầu với sự tăng trưởng từ 20 - 30%/năm và doanh số đạt hàng nghìn tỷ USD. Đây được xác định là "sân chơi" với nhiều cơ hội và cả thách thức.
Vậy làm sao để bán hàng trực tiếp tới khách hàng trên toàn thế giới ngay tại Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, ông Park Joonmo - phụ trách Amazon Global Selling Đông Nam Á và Hàn Quốc - cho biết: DN Việt có thể tiếp cận kênh bán hàng của Amazon bởi đây là sàn TMĐT toàn cầu với hơn 300 triệu khách hàng trên toàn thế giới, trong đó, có hơn 100 triệu khách hàng Prime (khách hàng tiềm năng, mua sắm thường xuyên). Thông qua Amazon, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam như phin pha cà phê, dầu sao vàng, cà phê Trung Nguyên... đã được người tiêu dùng thế giới biết đến. Để bán hàng trên Amazon, DN Việt chỉ cần tập trung vào chất lượng và tiếp thị để người tiêu dùng tin tưởng, những việc còn lại như đóng gói, vận chuyển… Amazon sẽ thực hiện.
Bán hàng qua Amazon đã và đang mang lại hiệu quả lớn. Hân Nguyễn - Co-founder và CEO của Andre Gift Shop - chia sẻ, chúng tôi đã cung cấp hàng trăm sản phẩm độc đáo đến tay hàng nghìn khách hàng trên Amazon. Từ một căn xưởng nhỏ trên gác mái với vỏn vẹn 4 nhân viên, giờ đây chúng tôi đã vươn lên thành xưởng sản xuất rộng 300m2 với 35 nhân viên. Hiện tại, doanh số từ Amazon đóng góp 50% vào doanh số bán hàng trực tuyến của chúng tôi, hy vọng con số này sẽ tăng lên 70% vào năm sau.
Ông Trịnh Hoàng Linh Admind Group Amazon Vietnam: Đưa sản phẩm lên Amazon không khó, làm sao đưa lên top tìm kiếm và bán chạy mới khó. Các DN vừa và nhỏ hãy xem Amazon như một kênh tiếp thị tốt hơn là bán hàng, bởi chỉ cần 1 tháng, một thương hiệu có thể bao phủ toàn bộ thế giới. |