A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà máy thép Dana- Ý và Dana- Úc tại Đà Nẵng: Đi không được, ở lại không yên

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến số phận hai nhà máy thép Dana- Ý và Dana- Úc (đóng tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) bởi di dời cũng không được, mà ở lại cũng không yên…

da nang nha may thep dana y va dana uc muon di khong duoc o lai khong yen
Chưa biết số phận nhà máy thép Dana - Ý sẽ đi về đâu?

Nỗi niềm hai nhà máy thép

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Tân- Tổng giám đốc Công ty CP Thép Dana-Ý cho rằng: “Hiện hơn 1.000 lao động của nhà máy đang thấp thỏm chờ đợi quyết định từ chính quyền Đà Nẵng. Nếu di dời nhà máy hay ở lại thì thành phố cần có quyết định sớm chứ cứ để thế này thì khó khăn cho công ty không biết xử lý thế nào”.

Theo ông Tân, Nhà máy thép Dana - Ý có 10 cổ đông nước ngoài đến từ các nước như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Việc ngừng hoạt động sản xuất thời gian vừa qua đã gây thiệt hại cho công ty hơn 100 tỷ đồng. Trong hơn 10 năm xây dựng và phát triển, thép Dana- Ý đã trở thành doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng lớn nhất miền Trung và Tây Nguyên, thương hiệu thép này được đối tác trong và ngoài nước biết đến. Hàng năm, công ty nộp ngân sách thành phố hàng chục tỷ đồng tiền thuế mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, hiện nay công ty phải đứng trước bờ vực chấm dứt hoạt động và hàng ngàn lao động có nguy cơ mất việc làm…

“Từ khi hoạt động tới nay, hàng năm đều có đầy đủ các ngành chức năng kiểm tra, đánh giá tác động môi trường và chưa lần nào kết luận nhà máy “ô nhiễm môi trường”, mọi chỉ số đo đạc đều nằm trong giới hạn cho phép. Với hệ thống xử lý khí thải và chất thải được công ty đầu tư kỹ lưỡng và hiện đại với kinh phí gần 200 tỷ đồng, hiện tại nhà máy sản xuất hầu như không có khí thải và nước thải ô nhiễm. Đến nay, vẫn không có bất kỳ kết luận nào của cơ quan có thẩm quyền xác định nhà máy Dana- Ý hoạt động gây ô nhiễm môi trường và thuộc trường hợp phải dừng hoạt động do vi phạm pháp luật về môi trường”- ông Tân lý giải.

da nang nha may thep dana y va dana uc muon di khong duoc o lai khong yen
Ông Huỳnh Văn Tân - Tổng giám đốc Dana-Ý - rất mong thành phố có quyết định sớm, hợp tình hợp lý

Vì đâu nên nỗi?

Theo ông Tân, công ty không có lỗi trong vụ việc này, mà lỗi do chính quyền Đà Nẵng đã thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh không nhất quán, không phù hợp tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp. Ngay từ ban đầu, nhà máy thép và lĩnh vực hoạt động của công ty đã phù hợp với chủ trương quy hoạch và lĩnh vực khuyến khích đầu tư của thành phố tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh. Là khu vực sản xuất công nghiệp nặng nhưng Cụm công nghiệp Thanh Vinh không có vành đai phân cách với khu dân cư, việc để người dân sinh sống sát cụm công nghiệp dẫn đến những tác động không thể tránh khỏi cho cuộc sống người dân trong quá trình các doanh nghiệp hoạt động sản xuất.

Được biết, từ năm 2006, thành phố đã có chủ trương di dời các hộ dân sát cạnh nhà máy để tạo vành đai phân cách cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp. Tuy vậy, các thủ tục giải tỏa, đền bù, tái định cư cho các hộ dân vẫn không thông suốt, chậm tiến độ nhiều năm dẫn đến bức xúc và phản ứng gay gắt của người dân…

“Di dời nhà máy và thực hiện hỗ trợ, đền bù theo quy định pháp luật để phát triển khu dân cư; hoặc là di dời các hộ dân cạnh Cụm công nghiệp Thanh Vinh đến nơi khác phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp để nhà máy tiếp tục hoạt động”, ông Tân đề xuất.

Với Công ty CP thép Dana- Úc cũng tương tự. Dana- Úc ra đời sau Dana - Ý 2 năm và cũng thực hiện chủ trương đầu tư của thành phố.

“Chúng tôi đặt nhà máy ở đó có đầy đủ cơ sở pháp lý và mong muốn thành phố quan tâm vì cả hai doanh nghiệp đã đầu tư chi phí vào hai nhà máy rất lớn. Nếu tình hình này còn kéo dài thêm khoảng 2 tháng nữa, có lẽ doanh nghiệp chúng tôi sẽ công bố phá sản vì không đủ tiền trả nợ ngân hàng và mất uy tín với các đối tác trong và ngoài nước. Thành phố nên có hướng giải quyết sớm, chứ cứ để kéo dài thì cả công ty và người dân đều khổ”, ông Nguyễn An- Phó Tổng giám đốc kiến nghị.

da nang nha may thep dana y va dana uc muon di khong duoc o lai khong yen
Cả người dân và bản thân Nhà máy thép Dana - Úc cũng mong muốn giải quyết sớm

Bao giờ thực thi?

Tại cuộc họp báo quý III do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức vào chiều ngày 28/9, trả lời câu hỏi của báo chí về số phận 2 nhà máy thép này, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho rằng, hiện sở đã tham mưu UBND TP. Đà Nẵng tiến hành thuê đơn vị quan trắc độc lập về môi trường đối với tất cả các yếu tố như: không khí, đất, nguồn nước ngầm… để có phương án xử lý tiếp theo đối với hai nhà máy thép này.

Theo ông Nam, cần phải dựa trên kết quả quan trắc và đánh giá tác động môi trường. Dự kiến ngày 3/10, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo kết quả quan trắc với UBND TP. Đà Nẵng để có phương án xử lý…

Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị liên quan, trên cơ sở kết quả đo đạc và phân tích mẫu môi trường của đơn vị quan trắc môi trường cung cấp, tổ chức công bố kết quả quan trắc môi trường khu vực thuộc hai nhà máy thép và khu vực xung quanh tại xã Hòa Liên theo quy định pháp luật. Cùng với đó, tiến hành thủ tục xử lý vi phạm về môi trường đối với tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có).

Ngoài ra, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Thanh tra thành phố khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, và thanh tra toàn diện công tác quản lý nhà nước về quá trình thành lập, hoạt động, quản lý đất đai ở khu vực lân cận và xử lý về môi trường của Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý và Công ty Cổ phần Thép Dana - Úc, báo cáo UBND thành phố để có hướng xử lý thích hợp.

Thời gian qua, UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp các bên liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân 2 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 và huyện Hòa Vang hiểu và ủng hộ chủ trương của thành phố trong việc xử lý hoạt động sản xuất thép trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Với mong muốn chính đáng của hai nhà máy thép, TP. Đà Nẵng cần có quyết sách đúng đắn, khẩn trương để tránh những thiệt hại kép nảy sinh về sau.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...