A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 115 CỦA CHÍNH PHỦ: Thức ăn đường phố sẽ an toàn hơn?

Nghị định 115/2018/NĐ-CP (Nghị định 115) của Chính phủ sẽ có hiệu lực vào ngày 20.10, theo đó quy định mức phạt tiền tối đa áp dụng với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) có thể lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên cho tới nay, nhiều chủ hàng quán đường phố vẫn chưa chú trọng các điều kiện quy định về ATTP.

Ảnh chụp sáng qua 2.10 tại một chợ phía Nam Hà Nội

 Có mặt tại khu chợ đầu mối phía Nam Hà Nội, chiều qua 2.10, chúng tôi nhận thấy những quán bán đồ ăn sẵn vẫn không có nhiều chuyển biến về đảm bảo ATTP.

Vô tư vi phạm

Những quầy hàng bán thức ăn chín phổ biến trong chợ là bún, bánh cuốn, bánh rán, bánh chưng, bánh giày, bánh tẻ... Trừ một vài hàng bán bánh bao thì bánh được cất trong tủ hoặc nồi hấp, còn hầu hết những quầy hàng thức ăn chín đều không có bất cứ thứ gì đậy điệm, trong môi trường cực kì nhiều bụi của một khu chợ đầu mối. Ngoài lượng người đi bộ mua thức ăn mỗi buổi sáng, có rất nhiều khách hàng được phép đi xe vào chợ tạo thành những đám bụi bẩn bám vào thức ăn. Tại quầy bán bún và bánh cuốn, chị H cho biết chỉ che kỹ các rổ bún khi vận chuyển từ nhà đến chợ, còn tại chợ chỉ che các rổ bún và bánh sơ sài bằng vài miếng vải màn.

Tại các khu chợ cóc Mai Động và khu chợ nhà cao tầng đường Nguyễn Tam Trinh, các quầy hàng bán đồ ăn chín đều để lộ trần để khách hàng nhận biết, một số hàng bán bánh rán, bánh lá nằm ở gần các quầy thức ăn sống như thịt lợn, thịt gà. Cá biệt, ở chợ cóc Mai Động, một hàng bún bán ngay cạnh một hàng thịt gà sống. Tất cả các chủ quầy khi được hỏi đều cho biết họ có được phổ biến về vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, hầu như không ai biết về Nghị định 115 sẽ có hiệu lực vào ngày 20.10 tới. Một người bán bánh rán chia sẻ: “Tôi chỉ tranh thủ bán vài chục cái bánh rán vào buổi sáng thôi, chẳng lẽ lại đóng cả cái tủ kính mang ra đây, mà cũng không có chỗ, nay bán chỗ này, mai bán chỗ khác, chỉ làm một cái rổ cho tiện”.

Tại khu vực cổng các trường học, nhiều hàng quán bán đồ ăn chín như bánh mì pa tê, trà sữa, đồ nướng, xúc xích mà có khá nhiều đồ ăn là hàng tự sản xuất và không rõ nguồn gốc. Một chủ hàng bán thịt xiên nướng ở đầu đường ven hồ Tam Trinh, gần trường THCS Tân Mai cho biết, thỉnh thoảng chị chỉ bị công an sở tại xử lý vi phạm trật tự đô thị chứ chưa bao giờ bị kiểm tra hay xử phạt về ATTP (!?)... Đó là còn chưa kể đến buổi tối, tại nhiều đường phố của Hà Nội, nhan nhản các quán lẩu, nướng, chè, phở, bún thuộc dạng lưu động với hàng ngàn khách ăn mà chẳng ai biết đồ ăn mà họ ăn có đảm bảo vệ sinh ATTP hay không...

Tăng nặng mức xử phạt

Rõ ràng thức ăn đường phố của Hà Nội có rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4.2018 cả nước có 20 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 3 người tử vong. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 522 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 6 người tử vong. Riêng tháng 3 có 12 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 216 người phải nhập viện, 3 người tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm được xác định chủ yếu do độc tố tự nhiên, vi sinh vật, hóa chất và một số vụ chưa xác định được nguyên nhân. Trong bối cảnh đó, Nghị định 115 của Chính phủ được xem như một giải pháp mạnh đối với những vi phạm về vệ sinh ATTP.

Được biết, ngoài các mức phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm, vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm sản xuất, Nghị định cũng quy định mức phạt tiền cụ thể áp dụng đối với cá nhân vi phạm các quy định về ATTP. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (quy định hiện hành là 300.000 - 500.000 đồng) đối với một trong các hành vi kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP đối với hành vi không có bàn, tủ, thiết bị, dụng cụ,… đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn, thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Đồng thời phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng trực tiếp thực phẩm không bảo đảm an toàn, người đang mắc bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn, sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống…

Đây được xem là quy định cần thiết để siết chặt hơn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm chịu điều chỉnh.

VŨ PHƯỢNG

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...