A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cao Bằng: Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Cao Bằng (Trung tâm), tính đến hết tháng 9/2018, Trung tâm đã triển khai 6 đề án với kinh phí thực hiện 872 triệu đồng, đạt 79% kế hoạch.

cao bang khuyen khich phat trien cong nghiep nong thon
Cơ sở CNNT góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo thu nhập ổn định

Thực hiện Kế hoạch khuyến công năm 2018, Trung tâm được các cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ triển khai các đề án khuyến công với tổng kinh phí 1.100 triệu đồng, trong đó: Nguồn kinh phí khuyến công địa phương 300 triệu đồng, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 800 triệu đồng.

Để thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ hoạt động khuyến công, Trung tâm đã phối hợp với các huyện, thành phố, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đóng trên địa bàn triển khai nhiều chương trình, hoạt động theo từng nội dung, bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương. Đối với nguồn khuyến công quốc gia, Trung tâm đã triển khai 2 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, trong đó có 1 đề án đã nghiệm thu.

Đối với nguồn khuyến công địa phương, Trung tâm đã triển khai 4 đề án, gồm 1 đề án bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, 2 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất và 1 đề án bồi dưỡng kiến thức sửa chữa máy nông cụ cho 35 lao động tại xã Vân Trình (huyện Thạch An). Đồng thời, Trung tâm còn hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia Hội chợ khu vực phía Bắc tại tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh những thành tích đạt được, theo đại diện Sở Công Thương Cao Bằng, việc phát triển CNNT còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chính là do nguồn kinh phí khuyến công của địa phương còn hạn chế; các cơ sở CNNT quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cầm chừng, không tập trung do thiếu vốn, nguyên liệu, thị trường đầu ra. Một số cơ sở kinh doanh chưa mở rộng ngành nghề và hầu hết còn mang tính hộ gia đình nên sản phẩm chưa có sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp.

Hiểu rõ thực trạng trên, Trung tâm đã khảo sát các cơ sở CNNT; tư vấn phát triển công nghiệp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nội địa và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa của Cao Bằng, đặc biệt là các sản phẩm từ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp giai đoạn 2017- 2020. Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai xây dựng dự thảo quy chế quản lý và mức hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động khuyến công tỉnh Cao Bằng; xây dựng quy chế quản lý vận hành và sử dụng cổng thông tin giao dịch thương mại điện tử tỉnh Cao Bằng…

9 tháng qua, kết quả, sản xuất CNNT có bước phát triển khá nhanh, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất, các cơ sở CNNT ngày càng tăng cả về số lượng và quy mô sản xuất, sản phẩm phong phú, đa dạng, mẫu mã được cải tiến… góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo thu nhập ổn định.

Từ nay đến cuối năm, Trung tâm tiếp tục triển khai các đề án Bồi dưỡng kiến thức sửa chữa máy nông cụ cho 30 lao động nông thôn tại huyện Quảng Uyên thuộc nguồn kinh phí khuyến công địa phương; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất gia công cửa nhôm, cửa nhựa cao cấp cho HTX Phú Thịnh (phường Sông Hiến) từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...