Lợi ích rõ rệt của Chương trình Sữa học đường quốc gia
Từ năm 2000, Ngày Sữa học đường thế giới được chọn là thứ tư cuối cùng của tháng 9 (năm 2018 rơi vào ngày 26/9). Mục tiêu của ngày này là nâng cao nhận thức về lợi ích sức khỏe mà sữa mang lại cho trẻ em.
Trông người…
Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ…, Chương trình Sữa học đường được thực hiện từ rất sớm. Nhật là một trong những quốc gia coi chương trình này như một chiến lược để cải thiện thể lực giống nói. Ngay sau chiến tranh thế giới thứ II và nối tiếp những năm sau đó, bữa trưa của học sinh Nhật được cung cấp sữa. Sau 1970, bữa ăn của học sinh Nhật dần hình thành và ổn định cho tới ngày nay. Tại Mỹ, chương trình còn được thực hiện sớm hơn, từ năm 1940 bắt đầu từ Chicago, New York…Tới năm 1946 trở thành chương trình Bữa trưa quốc gia cho học sinh. Một nước Đông Nam Á là Thái Lan cũng thực hiện chương trình sữa học đường quốc gia từ năm 1985. Còn tại Trung Quốc, đất nước đông dân số 1 thế giới này cũng triển khai chương trình sữa học đường quốc gia được 18 năm, từ năm 2000. Thống kê tại Trung Quốc cho thấy, học sinh uống 2 hộp sữa/ngày tăng trưởng chiều cao rõ nét. Các em tăng 0.72cm (lứa 7 tuổi) và 0.46cm (lứa 9 tuổi) so với các nhóm khác.
Học sinh dùng bữa tại trường học Canada vào năm 1943 (ảnh trên) và học sinh dùng bữa tại trường học Nhật Bản (ảnh dưới) Ảnh: Internet |
… Ngẫm ta
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) năm 2015, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân, thiếu máu,… vẫn ở mức rất cao so với thế giới, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6%. Với tình trạng như vậy, việc mỗi ngày được bổ sung ít nhất 1 hộp sữa trong bữa ăn học đường thông qua chương trình sữa học đường là điều cần thiết và nên làm.
Chung tay xã hội hóa
Sau 2 năm thực hiện Chương trình Sữa học đường quốc gia theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước hiện có 10 tỉnh, thành phố triển khai chương trình này rất hiệu quả.
Theo Quyết định, giải pháp được đưa ra là ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường đến năm 2020. Nội dung gồm nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng quy định về định mức sữa phù hợp với lứa tuổi. Nhà nước sẽ có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình để đảm bảo nguồn lực, sự bền vững chương trình, đặc biệt tại các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia và xã hội hóa chương trình.
Công tác tuyên truyền cũng được nhấn mạnh, nhằm tạo sự chuyển biến cho chính quyền về vai trò của chương trình và thay đổi nhận thức của cha mẹ, cộng đồng về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em. Đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia chương trình cũng được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ. Trong quá trình cho trẻ uống sữa, họ có nhiệm vụ kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh.
Cũng theo Quyết định này, Chương trình Sữa học đường tại Việt Nam sẽ được tiến hành theo hình thức xã hội hóa, với sự tham gia đóng góp của 3 bên: Nhà nước, gia đình và doanh nghiệp hỗ trợ. Để chương trình có thể diễn ra, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ, đầy tâm huyết của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp và sự đóng góp của phụ huynh học sinh.
Học sinh Việt Nam hào hứng với ly sữa trên tay trong một buổi sinh hoạt tập thể |
Nêu cao tính nhân văn
Những sản phẩm được sử dụng trong Chương trình Sữa học đường đều phải là các sản phẩm được nghiên cứu lâm sàng, từ đó bổ sung các vi chất đang bị thiếu hụt của các trẻ em lứa tuổi học đường. 10 tỉnh/thành trên cả nước đã triển khai chương trình và đạt được những kết quả khả quan trọng cải thiện tình trạng thể chất của các em học sinh, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi và nhẹ cân của các địa phương.
Lợi ích mang lại rõ ràng là từ nhiều phía. Đối với các gia đình, sẽ yên tâm khi con em được uống sữa tại lớp dưới sự giám sát và hướng dẫn của giáo viên. Chi phí mua sữa bỏ ra sẽ chỉ bằng 1/2 chi phí mua sữa ở ngoài hoặc thấp hơn. Đặc biệt đối với các trường hợp gia đình chính sách, hộ nghèo sẽ được nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ 100% chi phí theo qui định của chương trình. Đối với một số địa phương ở vùng sâu vùng xa, nơi kinh tế các hộ gia đình còn nhiều khó khăn thì đây sẽ là động lực cho các em ham thích đến trường, tạo điều kiện cho các em học sinh phát triển về thể chất và trí tuệ để có thể xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp hơn.
Đối với chính quyền, chương trình giúp cải thiện được tình trạng thể chất, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi của trẻ em trong độ tuổi đến trường của các tỉnh. Hỗ trợ các tỉnh thực hiện tốt mục tiêu phổ cập giáo dục bậc tiểu học. Phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tại các tỉnh, tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ chăn nuôi bò sữa và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Ổn định nguồn thu ngân sách của các địa phương. Chuẩn bị được nguồn nhân lực cho tương lai có khả năng cạnh tranh được với thế giới về tầm vóc và trí tuệ.
Đối với doanh nghiệp sản xuất sữa, chương trình giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội cộng đồng, bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khi tham gia. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh sản xuất, đóng góp ngân sách cho nhà nước để nhà nước có thể sử dụng, đầu tư vào các mục tiêu phát triển an sinh xã hội...
Đặc biệt, tính nhân văn của chương trình thể hiện rõ ở việc tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non và tiểu học đều được uống sữa để phát triển. Như vậy tất cả trẻ em trong lớp, trường học đều được uống sữa, không có trường hợp em được uống, em không được uống.
Rộng hơn, chương trình hướng đến các mục tiêu: Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các em thông qua khẩu phần ăn hàng ngày của các em học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các trường; đáp ứng 90-95% nhu cầu năng lượng của trẻ vào năm 2020. 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn phải được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng. Ngoài ra, mục tiêu cuối cùng của chương trình sữa học đường là chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 – 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010…
PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: "Sữa là một trong tám nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6-7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9-11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày. Việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn của bữa ăn hàng ngày. Hiện chưa có bài báo quốc tế nào đăng thông tin về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm". |