Công nghệ thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo nghiên cứu Sự chuyển đổi của doanh nghiệp vừa và nhỏ khối ASEAN, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Việt Nam lựa chọn công nghệ là mảng ưu tiên đầu tư số một nhằm đảm bảo sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), Công ty Kiểm toán EY và Tập đoàn phân tích dữ liệu thương mại Dun & Bradstreet.
Theo nghiên cứu, cứ 3 trên 5 DNVVN tại Việt Nam (58%) chú trọng đầu tư vào công nghệ thay vì các lĩnh vực đầu tư truyền thống như nhà xưởng, máy móc, nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong nền kinh tế số. Trong các DNVVN trên, có đến 71% doanh nghiệp dự kiến sẽ đầu tư vào phần mềm như ứng dụng di dộng hoặc tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) vì họ cho rằng nền tảng công nghệ sẽ giúp tạo ra những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và nâng cao lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu. Bên cạnh đó, đầu tư mảng phần cứng và cơ sở hạ tầng đứng vị trí thứ hai, với 64%.
Công nghệ là mảng ưu tiên đầu tư số một nhằm đảm bảo sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp |
Nghiên cứu cũng nêu ra những điểm tương đồng trong xu hướng đầu tư của DNVVN Việt Nam với các nước trong khối ASEAN. Cụ thể, Thái Lan dẫn đầu khu vực với 73% doanh nghiệp tập trung đầu tư vào công nghệ, tiếp theo sau là Malaysia (65%), Singapore (63%) và Philippines (56%). Indonesia là thị trường duy nhất mà nhu cầu đầu tư vào công nghệ đứng thứ ba (48%), sau bất động sản (54%) và máy móc, thiết bị (52%).
Ông Harry Loh, Tổng giám đốc UOB Việt Nam, cho biết: Qua nghiên cứu, các DNVVN tại Việt Nam nhận thức được vai trò quan trọng của công nghệ đối với việc xây dựng một doanh nghiệp bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh. Đây là tín hiệu khả quan khi các doanh nghiệp nhận ra sự cấp thiết của việc đầu tư vào công nghệ thay vì vào những bất động sản truyền thống như trước đây. Tuy nhiên, các DNVVN cũng cần đảm bảo rằng họ nắm bắt hoàn toàn và am hiểu sâu sát các lựa chọn giải pháp kỹ thuật số trên thị trường để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.
Ứng dụng công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả công việc
Có đến 86% trong số các DNVVN Việt Nam được khảo sát xem công nghệ là phương cách cải thiện việc quản lý chi phí hiệu quả, so với các cách làm khác như cắt giảm chi phí chung (81%), hoặc tìm các đối tác cung ứng rẻ hơn (78%).
Các DNVVN tại Việt Nam cũng tìm kiếm giải pháp công nghệ để đơn giản hóa việc thực hiện giao dịch ngân hàng. Gần 4 trên 5 DNVVN (78%) ưu tiên lựa chọn phương thức trực tuyến để sử dụng các sản phẩm hay dịch vụ tài chính như đăng ký vay vốn. Đây là lĩnh vực các ngân hàng đã và đang hỗ trợ các DNVVN bằng cách giúp doanh nghiệp mở tài khoản và đăng ký khoản vay thông qua hình thức trực tuyến.
Chẳng hạn tại UOB, DNVVN có thể dễ dàng hoàn tất thủ tục mở tài khoản doanh nghiệp trên trang web của UOB Việt Nam hoặc ứng dụng di động UOB Business mà không cần phải đến chi nhánh ngân hàng. Hồ sơ sẽ được phê duyệt sơ bộ chỉ trong vòng một ngày làm việc và DNVVN có thể bắt đầu sử dụng tài khoản để giao dịch.
“DNVVN không có nhiều nguồn lực nên họ có nhu cầu thực hiện giao dịch ngân hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện. Bằng việc số hóa những giải pháp ngân hàng như thủ tục đăng ký mở tài khoản, chúng tôi giúp chủ DNVVN có thể tiết kiệm được thời gian dành cho việc thực hiện các thủ tục để tập trung vào những hoạt động giúp tạo ra doanh thu”, ông Harry Loh cho biết.
Nghiên cứu cũng cho thấy, các DNVVN Việt Nam tự tin với mức tăng trưởng doanh thu mặc dù phải đối mặt với những căng thẳng kinh tế toàn cầu và những thách thức như thiếu hụt nhân tài hay chi phí nhân sự. Hai trên 3 doanh nghiệp (67%) dự kiến có doanh thu tiếp tục tăng trong năm nay, trong đó 1/3 doanh nghiệp (34%) dự đoán đạt mức tăng trưởng hai chữ số.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Crif D&B Việt Nam - cho biết: “Quan điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đồng thuận với thực tế tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm 2018 cũng như dữ liệu đưa ra bởi Tổng cục Thống kê Việt Nam đối với kỳ vọng về các doanh nghiệp Việt Nam. Nền kinh tế cũng đạt được tăng trưởng 6,98% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước - tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 đến nay. Vào quý cuối năm nay, các DNVVN Việt Nam được mong đợi sẽ duy trì mức tăng trưởng khả quan, với hơn một nửa (52,5%) các doanh nghiệp trong ngành chế xuất và sản xuất kỳ vọng tình hình kinh doanh của mình sẽ tiến triển thuận lợi”.
Nghiên cứu Sự chuyển đổi của SME khối ASEAN được thực hiện với sự tham gia của 1.235 DNVVN ở 6 quốc gia ASEAN - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - nhằm tìm hiểu những cách thức mà các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho sự phát triển kinh doanh cũng như thích ứng với những thay đổi và thử thách trong tương lai. |