A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa xuất khẩu sản phẩm ôtô và linh kiện phụ tùng

Trong bối cảnh thuế suất nhập khẩu ôtô khu vực ASEAN đã về 0% đang gây sức ép đối với các nhà sản xuất trong nước, việc tăng năng lực sản xuất, đặc biệt là tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40% để được hưởng thuế suất 0%, gia tăng xuất khẩu là con đường tất yếu để các doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh.

Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa

Việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp cũng như tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu đang là mối quan tâm hàng đầu của các DN Việt Nam hiện nay.

nang cao ty le noi dia hoa xuat khau san pham oto va linh kien phu tung
Robot hàn ống xả ô tô - sản phẩm xuất khẩu của Tổ hợp cơ khí Thaco

Trong lĩnh vực ôtô, nội địa hóa được hiểu là hoạt động nhằm gia tăng tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước cho ôtô, các loại linh kiện phụ tùng để thay thế phần giá trị nhập khẩu, đây là một trong những bài toán khó trong quá trình phát triển bền vững của ngành mà hầu hết các DN sản xuất trong nước đều gặp phải.

Chiến lược nội địa hóa được các DN trong nước thực hiện theo lộ trình: Ưu tiên các sản phẩm có sản lượng lớn, cồng kềnh (chi phí vận chuyển cao), có sẵn nguồn nguyên vật liệu trong nước, các nhóm sản phẩm cùng công nghệ và được Chính phủ ưu tiên phát triển. Đối với các dòng xe tải, bus, sẽ đẩy mạnh nội địa hóa các linh kiện có giá trị và yêu cầu công nghệ cao như khung chassis, mâm xe, thùng nhiên liệu, hệ thống khí nén (gồm bình khí nén và hệ thống đường ống), két nước làm mát, cửa, capo…).

Là nhà sản xuất ôtô hàng đầu Việt Nam, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) là một trong những DN đã chủ động xây dựng chiến lược một cách bài bản để tiếp tục phát triển bền vững. Nâng cấp công nghệ, đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đẩy mạnh kinh doanh linh kiện phụ tùng, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là những bước đi của Thaco trong bối cảnh hội nhập.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Tài- Tổng giám đốc Thaco- cho hay, nội địa hóa là bài toán khó đối với DN ôtô, bởi nội địa hóa cần bí quyết công nghệ và sản lượng lớn, trong khi dung lượng thị trường Việt Nam còn tương đối nhỏ. Chỉ khi gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mới đảm bảo cho DN làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành ôtô, Thaco đã đặt mục tiêu nội địa hóa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu từ rất sớm. Bên cạnh các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, từ nhiều năm trước, Thaco đã đầu tư xây dựng cụm nhà máy công nghiệp hỗ trợ tại Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai- Trường Hải với nhiệm vụ chính là sản xuất các linh kiện- phụ tùng phục vụ cho sản xuất ô tô, cung cấp cho các đối tác, đồng thời xuất khẩu sang thị trường thế giới.

nang cao ty le noi dia hoa xuat khau san pham oto va linh kien phu tung
Dây chuyền thiết bị hiện đại lắp ráp ôtô Thaco được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc

Hiện nay, tại Khu phức hợp Thaco có 5 nhà máy lắp ráp ôtô và 15 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô, linh kiện cơ khí, máy nông nghiệp… với các dây chuyền thiết bị hiện đại được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các sản phẩm ôtô do Thaco sản xuất đã đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 15-25% đối với xe con, 35-45% đối với xe tải và 60% đối với xe bus. Đặc biệt, xe bus Thaco được định vị là sản phẩm thương hiệu Việt đã được Thaco xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines và tiếp đến sẽ là thị trường Campuchia, Singapore và Đài Loan. Đối với xe du lịch, doanh nghiệp đang thực hiện kế hoạch xuất khẩu xe du lịch Kia Sedona sang thị trường Thái Lan và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm xe du lịch Mazda và Peugeot để xuất khẩu sang các nước ASEAN vào năm 2020.

Sản phẩm máy nông nghiệp đã được Thaco sản xuất từ năm 2017, trong đó sẽ nội địa hóa dòng máy kéo KAM50, bước đầu sẽ tự sản xuất nội địa tại Chu Lai gần 200 chi tiết linh kiện bao gồm linh kiện nhựa, linh kiện cơ khí, ghế ngồi, dây diện, đèn xe… với tỷ lệ nội địa hóa 50%. Trong sản xuất linh kiện phụ tùng, Thaco đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất các linh kiện như kính, ghế, nhíp, dây điện, linh kiện cơ khí (thùng xe, ống xả, ty ben, khung xương xe bus, các linh kiện đột dập…), linh kiện nhựa, hệ thống máy lạnh, linh kiện composite...

nang cao ty le noi dia hoa xuat khau san pham oto va linh kien phu tung
Robot sơn linh kiện nhựa - sản phẩm xuất khẩu của Thaco

Không chỉ Thaco, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cũng là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Toyota Việt Nam, đến nay, Toyota đã trở thành DN ôtô FDI có tỷ lệ nội địa hóa cao. Cụ thể, đối với từng sản phẩm, như mẫu xe Vios, mẫu xe CKD chiến lược của Toyota, số lượng phụ tùng trong nước đã tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 phụ tùng lên 151 phụ tùng. Về số lượng nhà cung cấp, tăng lên 33 nhà cung cấp với trên 400 sản phẩm, trong đó có 5 nhà cung cấp Việt Nam.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong những năm qua. Năm 2016, sản lượng đạt trên 2 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…

Hiện nay, các sản phẩm ôtô do Thaco sản xuất đã đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 15-25% đối với xe con, 35-45% đối với xe tải và 60% đối với xe bus. Đặc biệt, xe bus Thaco được định vị là sản phẩm thương hiệu Việt đã được Thaco xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines và tiếp đến sẽ là thị trường Campuchia, Singapore và Đài Loan. Đối với xe du lịch, doanh nghiệp đang thực hiện kế hoạch xuất khẩu xe du lịch Kia Sedona sang thị trường Thái Lan và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm xe du lịch Mazda và Peugeot để xuất khẩu sang các nước ASEAN vào năm 2020.

Để đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt với quy mô lớn, đồng thời vẫn đáp ứng yêu cầu riêng lẻ của từng khách hàng, Thaco đầu tư xây dựng Trung tâm R&D nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm ôtô, linh kiện phụ tùng, đồng thời mở rộng nghiên cứu phát triển các thiết bị cơ giới nông nghiệp, thiết bị cơ khí xây dựng và thiết bị công nghiệp khác.

nang cao ty le noi dia hoa xuat khau san pham oto va linh kien phu tung
Cảng Chu Lai - nơi xuất khẩu sản phẩm Thaco sang thị trường nước ngoài

Bên cạnh đó, đối với mảng công nghiệp hỗ trợ, Thaco tiếp tục thực hiện đầu tư chiến lược để gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước bằng các dự án phát triển nhà máy công nghiệp hỗ trợ mới như: nhà máy linh kiện nhựa; Nhà máy sản xuất khung gầm xe bus; Nhà máy sản xuất ống xả ô tô; Nhà máy sản xuất xy lanh thủy lực; Nhà máy sản xuất mâm ô tô…

Là nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, từ năm 2017, Hyundai Thành Công đã chuyển hẳn sang sản xuất lắp ráp sản phẩm trong nước với tỉ lệ nội địa hóa hiện đạt trung bình 12-14%. Mục tiêu của nhà sản xuất này đến năm 2019 đạt tỉ lệ 40% và trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm ôtô Hyundai trong khu vực.

Theo lãnh đạo Hyundai Thành Công, công ty đang có những bước đi nỗ lực trong việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất ôtô tại Việt Nam. Nếu như năm 2016, tỉ lệ nhập khẩu sản phẩm ô tô của Hyundai Thành Công là 82%, sản xuất chỉ chiếm 18% thì sang năm 2017, tỉ lệ nhập khẩu là 35% và sản xuất chiếm 65%. Năm 2018, DN gần như chuyển hoàn toàn sang sản xuất lắp ráp trong nước với tỷ lệ trên 98%.

Nội địa hóa chính là chìa khóa giúp các DN, đặc biệt là DN trong ngành ôtô có thể làm chủ công nghệ, quản trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, DN cũng sẽ chủ động được nguồn cung ứng vật tư, linh kiện phụ tùng phục vụ sản xuất và gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...