Du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL: Thiếu “nhạc trưởng”
VH- Để phát triển hiệu quả và bền vững tiềm năng, lợi thế “vàng” về du lịch nông nghiệp, các địa phương trong vùng cần tạo ra sản phẩm mới hấp dẫn cho nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, bảo tồn văn hóa và giữ gìn môi trường nông nghiệp – nông thôn.
Các địa phương trong vùng cần tránh sự trùng lặp về sản phẩm du lịch
Nhận định trên được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT) và UBND tỉnh An Giang phối hợp tổ chức.
Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng và lợi thế nổi trội hơn các vùng khác trong cả nước về khai thác và phát triển du lịch dựa trên các hoạt động của nền sản xuất nông nghiệp, mô hình được nhiều nước trên thế giới chú trọng hướng đến nhằm khai thác tiềm năng du lịch bền vững. Với điều kiện sinh thái tự nhiên, văn hóa đa dạng đất phương Nam, các địa phương trong vùng đất “9 Rồng” đang nằm trên “mỏ vàng” của loại hình du lịch nông nghiệp, nhưng giá trị mang lại của loại hình này thời gian qua chưa cao, do sản phẩm chưa hấp dẫn, đơn điệu về dịch vụ và thiếu tính chuyên nghiệp, chưa được đầu tư theo chiều sâu để có sản phẩm chuyên biệt…
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng – Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, sau 8 năm xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn, môi trường đã được cải thiện đáng kể và đủ điều kiện phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, môi trường đều được định hướng phục vụ phát triển du lịch, bên cạnh việc hình thành các nhóm sản phẩm đặc sản. Theo ông Tiến, nói đến sản xuất nông nghiệp hiện nay, không thể hướng mãi đến năng suất, sản lượng mà phải có hướng đi mới gắn với các loại hình khác. Trong đó điển hình là dịch vụ du lịch để tạo ra những giá trị mới cho sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho bà con nông dân, phát triển kinh tế gia đình, ly nông mà không ly hương, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống...
Để nâng cao giá trị của du lịch nông nghiệp, theo ông Ngô Hoài Chung, các địa phương trong vùng cần lựa chọn mô hình nông nghiệp đặc thù, khu vực sản xuất mang đặc trưng riêng của từng địa phương trên cơ sở bảo tồn được phương thức canh tác truyền thống, kết nối với doanh nghiệp lữ hành để đưa du khách đến những nông trại, vùng nông thôn có sức hút hấp dẫn. Chú trọng công tác xúc tiến quảng bá, truyền thông về điểm đến… Gắn hoạt động du lịch nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới để vừa phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, vừa góp phần bảo tồn văn hóa và giữ gìn môi trường nông thôn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, trong chiến lược phát triển sản phẩm đặc thù của tỉnh, địa phương xác định xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp đưa du khách nghỉ tại nhà dân, du lịch sinh thái nông nghiệp – nông thôn. Hiện đã triển khai một số mô hình tiêu biểu tại Cù lao ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên), Cù lao Giêng (huyện Chợ Mới)… bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân, kích thích sự đa dạng về các hoạt động kinh tế và kinh doanh ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên vẫn thiếu một “nhạc trưởng” chỉ huy khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế du lịch nông nghiệp trong vùng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành và chuyên gia nhấn mạnh, nền nông nghiệp đang chuyển mạnh sang sản xuất sạch, hữu cơ và an toàn, cùng với bản sắc văn hóa ở các vùng nông thôn dần được phục hồi đủ sức hấp dẫn thu hút sự tò mò, muốn được khám phá của du khách. Vấn đề đặt ra đối với các cơ quản lý nhà nước là kết nối các nhà khai thác, chuyên gia, giải quyết các vấn đề thiết yếu như đầu tư hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh, cải thiện môi trường nông thôn để các doanh nghiệp lữ hành yên tâm đưa khách đến.
Bên cạnh đó, để phát triển đúng hướng phải gắn kết bản sắc văn hóa trong vùng với chất lượng dịch vụ và thương hiệu sản phẩm. Chú trọng đến xây dựng hệ sinh thái du lịch đồng bằng sông Cửu Long, trong đó lấy du lịch nông nghiệp làm hạt nhân để tạo ra điểm nhấn để giữ chân du khách chi tiêu nhiều hơn. Tạo sự khác biệt trong sản phẩm, tránh kiểu đến đâu cũng miệt vườn. Đẩy mạnh liên kết đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện chính sách về thuế, tạo môi trường pháp lý và đầu tư thuận lợi để không chỉ thu hút doanh nghiệp mà cả người dân trong vùng cùng làm du lịch nông nghiệp.
Các ý kiến cũng cho rằng, phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn phải hướng đến sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, sản phẩm và nhân lực tại chỗ. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, trong đó có lợi ích của người dân trực tiếp tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp.
HOÀNG HẢI