Giới thiệu về Lâm Đồng TP. quê tôi - vùng đất Nam Tây Nguyên
Lâm Đồng, vùng đất Nam Tây Nguyên nằm ở độ cao trung bình từ 800 – 1000m so với mặt nước biển. Với diện tích tự nhiên 9.765 km2, Lâm Đồng nằm trên ba cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông suối lớn.
Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao, có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình 18-250C, thời tiết ôn hoà mát mẻ quanh năm. Lượng mưa trung bình 1750-3150 mm, độ ẩm tương đối trung bình cả năm 85-87%, số giờ nắng trung bình cả năm 1890-2500 giờ.
Gắn với khu vực kinh tế động lực phía Nam, Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính: 02 thành phố (Đà Lạt, Bảo Lộc) và 10 huyện. Thành phố Đà Lạt, trung tâm hành chính-kinh tế-xã hội của tỉnh, ở về hướng Bắc cách thủ đô Hà Nội 1.500 km, về hướng Nam cách thành phố Hồ Chí Minh 320 km và về hướng Đông cách cảng biển Nha Trang 210 km. Với tổng chiều dài 1.744 km, hiện nay hệ thống giao thông đường bộ đã đến được tất cả các xã và cụm dân cư của tỉnh Lâm Đồng. Các tuyến quốc lộ 20, 27, 28 nối liền Lâm Đồng với vùng Đông nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc vùng Tây nguyên, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, tạo cho Lâm Đồng có mối quan hệ kinh tế - xã hội bền chặt với các vùng, các tỉnh trong khu vực. Cảng hàng không quốc tế Liên Khương nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 30 km với đường băng dài 3.250 m có thể tiếp nhận các loại máy bay tầm trung như A.320, A.321 hoặc tương đương.
Dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2010 là 1204,5 nghìn người (Niên giám Thống kê năm 2011). Lâm Đồng là miền đất hội tụ nhiều dân tộc anh em trong cả nước với trên 20 dân tộc khác nhau cư trú và sinh sống, trong đó đông nhất người Kinh chiếm khoảng 77%, đến nguời K’Ho chiếm 12%, Mạ chiếm 2,5%, Nùng chiếm gần 2%, Tày chiếm 2%, Hoa chiếm 1,5%, Chu-ru 1,5% ...còn lại các dân tộc khác có tỷ lệ dưới 1% sống thưa thớt ở các vùng xa, vùng sâu trong tỉnh. Người bản địa cư trú tại lâm Đồng gồm: K’Ho, Mạ, Chu-ru, M’Nông, Rắc Lây.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 trường đại học tổng hợp, 01 trường cao đẳng sư phạm, 01 trường Cao đẳng y tế, 01 trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật, 02 trường dạy nghề, hàng năm cung cấp hàng ngàn lao động có tay nghề cho địa phương; Nhiều trung tâm nghiên cứu của Trung ương đóng trên địa bàn như: Viện nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp, Trung tâm nghiên cứu cây rau, Phân viện sinh học… góp phần đáng kể trong việc ứng dụng nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào sản xuất của tỉnh.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tăng tỉ trọng của khu vực II và khu vực III, giảm tỉ trọng của khu vực I. Mặc dù cơ cấu kinh tế Lâm Đồng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực song khu vực I vẫn chiếm tỉ trọng cao và chi phối quyết định đến tăng trưởng kinh tế tỉnh Lâm Đồng.
Nền kinh tế Lâm Đồng tiếp tục phát triển với tốc độ cao, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2006 - 2010 đạt 14%/năm, đạt mục tiêu đề ra là tăng bình quân 13 - 14%/năm, trong đó khu vực nông lâm nghiệp tăng 9,8%, công nghiệp - xây dựng tăng 20,6%; dịch vụ tăng 19,4%.
Tổng giá trị tăng thêm (GRDP) năm 2017 (theo giá so sánh 2010) ước tăng 8,16%, GRDP bình quân đầu người đạt 54,2 triệu đồng; Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 552 tiệu USD, băng 100,4% kế hoạch, tăng 22,7% so với cùng kỳ; Tổng mức đầu tư xã hội năm 2017 ước đạt 23.500 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 2,2% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 33,2% GRDP
Nguồn điện cung cấp ổn định, gồm nhà máy thuỷ điện Đa Nhim (công suất 160 MW), thủy điện Suối Vàng (công suất 3,1 MW), thuỷ điện Hàm thuận-Đạ Mi (công suất 475 MW) và thuỷ điện Đại Ninh (công suất 300 MW), các nhà máy điện diesel Bảo Lộc, Di Linh, Càn Rang với tổng công suất 4,16 MW. Hiện nay 100% số xã có điện đến trung tâm. Hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông hiện đại đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và các nhà đầu tư.
Toàn tỉnh có khoảng 255.407 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 200.000 ha đất bazan tập trung ở cao nguyên Bảo Lộc-Di Linh thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày. Diện tích trồng chè và cà phê khoảng 145.000 ha, diện tích sản xuất rau, hoa khoảng 23.783 ha tập trung tại Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà; Chè, cà phê, rau, hoa Lâm Đồng đa dạng về chủng loại, có những loại có giá trị phẩm cấp cao.
Đà Lạt là thành phố du lịch của Lâm Đồng. Đà Lạt được người Pháp phát hiện vào cuối thế kỷ XIX và hình thành bắt đầu từ đầu thế kỷ XX. Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố của mùa Xuân”. Bởi ở đây khí hậu rất mát mẻ, nhiệt độ trung bình cao nhất trong ngày 24ºC và nhiệt độ trung bình thấp nhất trong ngày 15ºC. Lượng mưa trung bình năm 1.755mm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11. Có nắng trong tất cả các mùa. Nhờ khí hậu đó, cả thành phố Đà Lạt như một vườn hoa trăm hương, ngàn sắc suốt quanh năm. Đà Lạt nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông. Những hồ đẹp ở Đà Lạt là hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Những hồ này nằm ngay trong thành phố, tên thơ mộng như cảnh hồ thơ mộng, mỗi hồ gắn với một truyền thuyết xa xưa. Đà Lạt có nhiều đặc sản về nhiều loại trái cây: hồng, mận, đào, bơ; nhiều món ăn dân tộc độc đáo và các hàng lưu niệm của riêng vùng Đà Lạt.
Vẻ đẹp của Đà Lạt còn được ngợi ca nhiều và hấp dẫn bởi hàng trăm, ngàn loại hoa, loại phong lan độc đáo, hoặc được sản sinh riêng trên mảnh đất này, hoặc lấy giống từ nhiều nơi như: Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Italy,... các loại hoa: hoa hồng, hoa bất tử, hoa đỗ quyên, hoa xác pháo, hoa tư tưởng, hoa trà mi, mi mô da, mai anh đào, thủy tiên trắng...Đến nay, Đà Lạt đã tổ chức được 07 kì Lễ hội Festival Hoa với tần suất 2 năm một lần, thu hút sự quan tâm không chỉ du khách trong nước mà cả du khách từ nhiều nước trên thế giới. Đà Lạt mang đậm trong mình bản sắc văn hóa Tây Nguyên đẹp như huyền thoại. Những người dân hiền lành sống bằng nghề trồng rau, trồng hoa, trồng cà phê, chè, chăn nuôi gia súc... Thiên nhiên tươi đẹp đã tạo nên những mẫu người Đà Lạt có phong cách đáng yêu, hiền hòa, thanh lịch và mến khách.
Về Giáo dục và Đào tạo, trong những năm gần đây, Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu nổi bật. Hơn 30 năm qua, sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo luôn ổn định, đạt được những tiến bộ mới, toàn diện. Quy mô Giáo dục – Đào tạo tiếp tục phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ngày càng có thêm điều kiện và cơ hội học tập. Chất lượng hiệu quả giáo dục ở các ngành học, cấp học có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, hàng năm ngành Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng đã tích cực tổ chức, tham gia và khẳng định thế mạnh của mình ở các Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, cấp quốc gia. Năm học đầu tiên tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật là năm học 2008 – 2009, đã có 02 đề tài tham dự Intel ISEF tại Mỹ. Kể từ đó đến nay, Lâm Đồng đã trải qua 10 lần tổ chức cuộc thi KHKT cấp tỉnh, tham gia đầy đủ các Cuộc thi KHKT cấp quốc gia; có nhiều đề tài tham dự và đạt giải tại Cuộc thi Intel ISEF tại Mỹ.
Gần đây nhất, đầu tháng 2 – 2018, hai học sinh Trường THPT chuyên Thăng Long, TP.Đà Lạt đã tham cuộc thi Olympiades de Physique de France (OPF) - Cuộc thi Olympic vật lý của Pháp lần thứ 25 và đoạt giải 3. Điều đó đã góp thêm phần làm nên niềm tự hào về thành tựu giáo dục của Lâm Đồng.