Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; đặc biệt là những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D trong chế tạo sản phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot, v.v… đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Việc nắm bắt kịp thời các thành quả của cuộc CMCN 4.0 có thể coi là chìa khóa, cơ hội để tạo bước phát triển mang tính đột phá cho nền kinh tế nước ta trong thời gian tới nhằm thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên cũng tồn tại nhiều thách thức trong ngắn và trung hạn. Lợi thế về lao động, đặc biệt là lao động chi phí thấp, lợi thế về tài nguyên sẽ giảm đáng kể; các ngành sản xuất thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên sẽ mất lợi thế và dần bị thu hẹp.
Hiện nay, Việt Nam đang duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, tiến hành CNH – HĐH dựa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và xuất khẩu trong những ngành thâm dụng lao động có kỹ năng thấp. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng này sẽ đứng trước thách thức lớn trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 khi robots, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế sức lao động của con người, hoạt động sản xuất-chế tạo trong tương lai sẽ quay trở lại các nước công nghiệp phát triển. Trong CMCN 4.0, chi phí nhân công và các công đoạn gia công, lắp ráp ngày càng ít quan trọng, chúng dần dần có thể được thay thế hoàn toàn bởi người máy khi sự đột phá về công nghệ cho phép ứng dụng rộng rãi người máy thông minh hơn với chi phí thấp hơn. Các dây chuyền sản xuất đang và sẽ chuyển dần về các nước công nghiệp phát triển (re-shoring), không phải vì giá nhân công tăng lên, mà vì các tập đoàn đa quốc gia muốn đưa sản xuất về gần với khách hàng để có thể phản ứng nhanh hơn với thay đổi nhu cầu.
Trong thời gian qua, chính sách thu hút đầu tư FDI đã khiến cho khu vực đầu tư nước ngoài có những bước phát triển hết sức nhanh chóng và sôi động, đóng góp một phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 năm 2011-2015 đạt trên 59,5 tỷ USD, tăng 33,4% so với 5 năm 2006-2010.
Tại thời điểm cuối năm 2016 con số này đã gần đạt ngưỡng 200 tỉ USD với quy mô khối doanh nghiệp FDI tăng rất nhanh, chiếm khoảng 70% tỉ trọng xuất khẩu cả nước. Bằng tốc độ tăng luôn cao hơn mức tăng trung bình, khối FDI đã đóng vai trò quyết định duy trì đà tăng trưởng cao XK của cả nước.Tuy nhiên, năng lực nội tại của các ngành sản xuất công nghiệp nước ta còn yếu do khả năng hấp thụ công nghệ không đáng kể. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và gia tăng khoảng cách về công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, tăng trưởng ở khu vực FDI tiếp tục tập trung ở các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều lao động, hạn chế trong chuyển giao công nghệ. FDI đầu tư vào các ngành chế tạo sử dụng công nghệ thấp, nhân công rẻ có thể tạo ra việc làm, nhưng điều này sẽ là bất lợi cho Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0. Hơn nữa, cơ cấu FDI hiện tại không có nhiều tác động tích cực lên cán cân thương mại Việt Nam với hầu hết các doanh nghiệp FDI đều hoạt động sản xuất phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Ngoài ra, CMCN 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cơ cấu của các ngành công nghiệp cũng như đóng góp của mỗi ngành trong tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế của nước ta thời gian tới. Trong cơ cấu sản xuất công nghiệp hiện nay, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn là các ngành chế biến thực phẩm (luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, mặc dù có xu hướng giảm nhẹ ở mức trên 17%), tiếp theo ngành sản xuất điện tử, máy vi tính và thiết bị viễn thông (trên 12%). Ngoài ra, phải kể đến các ngành như dệt may (8,12%), thiết bị giao thông (4,85%), máy tính và điện tử (3,54%), v.v… Các ngành công nghiệp công nghệ thấp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, chiếm khoảng 65% tổng sản phẩm chế biến, chế tạo ở Việt Nam, trong khi con số này của toàn cầu chỉ là 18%. Những ngành công nghiệp này đều sử dụng nhiều lao động hoặc sản xuất sản phẩm cuối cùng có giá trị gia tăng thấp, dẫn đến sự tăng trưởng chậm về giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp Việt Nam. Đây là một trong những cản trở lớn đối với phát triển công nghiệp khi Việt Nam cần từng bước chuyển dịch sang các ngành công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Với xu hướng siêu tự động hóa và sự tham gia của các robot thông minh, thế hệ mới, có khả năng tùy chỉnh cao, CMCN 4.0 sẽ có những tác động lớn trong việc thay đổi mô hình tổ chức sản xuất của các ngành công nghiệp chính của Việt Nam trong thời gian tới. Do vậy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hạn chế về năng lực đầu tư, đổi mới hoạt động sản xuất và khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường sẽ có thể dẫn tới xu hướng suy giảm đáng kể.
CMCN 4.0 sẽ góp phần chuyển dịch sản xuất công nghiệp quốc gia theo hướng từ nền kinh tế năng suất thấp (với ít cơ hội cho cải tiếng công nghệ và đạt được giá trị gia tăng cao trong sản xuất) sang nền kinh tế năng suất cao (với nhiều cơ hội hơn cho các sáng kiến và giá trị gia tăng cao hơn). CMCN 4.0 sẽ có tác động cụ thể lên ba nhóm ngành công nghiệp chính, như sau:
- Các ngành công nghiệp công nghệ thấp (hàng hóa tiêu dùng cuối cùng hoặc nguyên liệu đầu vào): các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày…: lao động có tác động lớn hơn công nghệ, hiện nay vẫn là ưu thế của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh CMCN 4.0, đây sẽ là một trong những thách thức lớn, khi lao động được dần thay thế bằng robot và các nhà máy thông minh. Do đó, yếu tố quan trọng trong thời gian tới là tập trung dần vào cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng lao động.
- Các ngành công nghiệp trung bình (hàng hóa trung gian): Ngành sắt thép, xi măng, cao su, bao bì và các ngành công nghiệp khoáng sản phi kim loại. Đối với các ngành này, các quốc gia công nghiệp tập trung vào công nghệ trong khi các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn dựa vào tài nguyên, năng lượng nhưng chủ yếu là xuất khẩu tài nguyên thô (ở Việt Nam là xuất khẩu khoáng sản thô). Công nghệ, lao động và tài nguyên là các yếu tố cần tác động, đây là các ngành có thị trường phát triển mạnh và nhu cầu cao từ các nước phát triển. Dưới tác động của CMCN 4.0, yếu tố cần tập trung cải tiến đó là chất lượng lao động và cải tiến công nghệ cao.
- Nhóm các ngành công nghệ cao: Các quốc gia công nghiệp có lợi thế cao, với các quốc gia đang phát triển, bên cạnh công nghệ, yếu tố vốn và năng lượng cũng đóng vai trò quan trọng. Do đó, dưới tác động của CMCN 4.0, cần tập trung đầu tư phát triển KHCN, đổi mới và ứng dụng công nghệ tiến tiến; dịch chuyển mạnh sang những ngành công nghiệp công nghệ cao; lựa chọn và tập trung xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, Việt Nam có lợi thế; giảm nhanh xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô.
Trong bối cảnh của CMCN 4.0 với nền sản xuất công nghiệp trong tương lai dự kiến sẽ có nhiều thay đổi, đòi hỏi quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp cần có những bước đi thận trọng.