A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi cách thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm. Với nền tảng của công nghệ số, kết nối thông minh cùng với những tiến bộ vượt bậc trong cả lĩnh vực vật lý, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học buộc doanh nghiệp phải có những cuộc cách mạnh mẽ trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh.


Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam sẽ phải đối đầu với những tập đoàn lớn có tiềm lực khổng lồ không chỉ tại thị trường quốc tế mà ngay trong thị trường nội địa. Thị trường với cơ chế tự sàng lọc và lựa chọn sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam (đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ) nói riêng trước nhiều thách thức nếu không có những thay đổi mạnh mẽ. Để thích ứng và xa hơn nữa là đón đầu, doanh nghiệp cần có nguồn lực tài chính, công nghệ, con người đủ mạnh. Có thể nói, đây sẽ là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp của cả nước với những hạn chế cơ bản như: (i) Hầu hết các DNVVN có quy mô từ nhỏ đến siêu nhỏ (vốn chỉ ở mức 4-7 tỷ đồng/doanh nghiệp). (ii) Đa số DNVVN Việt Nam chưa tham gia vào được chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới còn thấp. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn rất ít. Khoảng 80-90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980-1990, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao; (iii) Hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, hàng tồn kho lớn. (iv) Trình độ lao động thấp. Theo thống kê, có tới 55,63% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp. Về lực lượng lao động, có tới 75% lực lượng lao động trong các DNVVN chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Với những hạn chế lớn về vốn, trình độ công nghệ, và chất lượng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp này sẽ đứng trước những thách thức rất lớn trong các cơn lốc đổi mới của cuộc CMCN 4.0.

Năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam ở mức thấp: Năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 79,3 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.657 USD/lao động). Theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động của Việt Nam năm 2015 tăng 6,4% so với năm 2014, bình quân giai đoạn 2006-2015 tăng 3,9%/năm, trong đó giai đoạn 2006-2010 tăng 3,4%/năm; giai đoạn 2011-2015 tăng 4,3%/năm. Tuy nhiên, năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, khoảng cách tuyệt đối đang ngày càng có xu hướng tăng lên. Chênh lệch giữa năng suất lao động (tính theo PPP 2005) của Xin-ga-po và Việt Nam tăng từ 62.052 USD năm 1994 lên 92.632 USD năm 2013; tương tự, của Ma-lai-xi-a từ 21.142 USD lên 30.311 USD; Thái Lan từ 7.922 USD lên 9.314 USD; In-đô-nê-xi-a từ 4.104 USD lên 4.408 USD.



Mức năng suất lao động năm 2013 và tốc độ tăng năng suất giai đoạn 2000 – 2013 của Việt Nam và một số nước Châu Á.
(Nguồn: Báo cáo Năng suất Việt Nam 2015)

Đáng chú ý là nếu so với Trung Quốc và Ấn Độ, năng suất lao động của Việt Nam tăng chậm hơn đáng kể, dẫn tới sự gia tăng của cả khoảng cách tuyệt đối và tương đối so với hai nước trên. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất của các nước.

Cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi cách thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm. Để thích ứng và xa hơn nữa là đón đầu, doanh nghiệp cần có nguồn tài chính, công nghệ, con người đủ mạnh, tập trung theo các hướng sau đây: (i) Phát triển hạ tầng công nghệ số và công nghệ thông tin, nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ; (ii) Hỗ trợ đào tạo các kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ lãnh đạo; hỗ trợ đào tạo lại và đào tạo nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động giản đơn và lao động tay nghệ thấp, thực hiện đào tạo bổ sung các kỹ năng và kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu của các hệ thống sản xuất và công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại; (iii) Ưu đãi và tạo thuận lợi trong tiếp cận các nguồn tài chính để thực hiện đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức sản xuất; (iv) Ưu tiên và khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cơ bản của CMCN 4.0. Thay vì chỉ chú trọng đến việc hỗ trợ mua máy móc, trang thiết bị (phần cứng), cần có những hỗ trợ nhiều hơn đối với các hoạt động chuyển giao phần mềm như tri thức, kỹ năng vận hành, và năng lực cải tiến các công nghệ được chuyển giao.


Tin liên quan

Tin nổi bật