Lữ hành

Đến Cà phê Vợt, nhớ Sài Gòn xưa

Hiếm có nơi đâu như Sài Gòn, khi cà phê gần như đã thành một “lối sống đô thị” với vô số quán xá lớn nhỏ, nơi tới lui của đủ mọi giai tầng xã hội, già có trẻ có, ăm ắp hoài niệm hay đột phá nét đương đại. Giữa bức tranh phố thị náo nhiệt đó, ta ngỡ ngàng bắt gặp một chốn quen kết nối khoảng trời ký ức của một Sài Gòn xưa cũ nơi con hẻm nhỏ, giữa những con người xa lạ gặp nhau bên ly cà phê lại nom thân quen đến lạ lùng.

Vị cà phê tuy quen mà lạ
Sài Gòn ngày cũ, trước khi cà phê phin trở nên thông dụng, người ta chỉ nhớ đến một hương vị cà phê pha bằng vợt mang đậm dấu ấn người Hoa ở khu vực quận 5. Đến nay, chỉ còn lại ít ỏi một, hai nơi còn gìn giữ cách pha chế độc đáo này. Cà phê pha bằng vợt thiếc, đun trong siêu nước sôi sùng sục khiến người ta quyến luyến bởi mùi thơm, vị ngon đặc trưng khó lòng tìm thấy ở các hình thức pha khác. Từ sự quyến luyến phút ban đầu ấy, nhiều người Sài Gòn trót “phải lòng” và yêu luôn vị cà phê này ngót gần cả đời người.

Quán Cà phê Vợt nơi con hẻm 330 Phan Đình Phùng, Q. Phú Nhuận là một nơi đặc biệt như thế. Bất kể ngày hay đêm, dù trời nắng hay mưa, bếp than hồng nơi không gian nhỏ xíu tầm 10 mét vuông vẫn luôn đỏ lửa phục vụ món uống bình dân về hình thức nhưng lại tỉ mẩn ở khâu pha chế và chưa bao giờ thôi làm thực khách thất vọng.

Bất kể ngày hay đêm, dù trời nắng hay mưa, bếp than hồng nơi không gian nhỏ xíu tầm 10 mét vuông vẫn luôn đỏ lửa phục vụ món uống bình dân về hình thức nhưng lại tỉ mẩn ở khâu pha chế và chưa bao giờ thôi làm thực khách thất vọng.


Được truyền dạy cách pha chế từ cha mẹ ruột của mình, bà Phạm Ngọc Tuyết (73 tuổi) cùng chồng là ông Đặng Ngọc Côn (80 tuổi) đã lưu giữ nghề truyền thống gia đình từ những năm 50 của thế kỷ trước đến nay. Đến lượt mình, ông bà tiếp tục truyền nghề cho thế hệ con cháu trong gia đình cũng chính tại con hẻm này suốt chiều dài gần 70 năm lịch sử của quán.

Bí quyết được bật mí
Để làm nên “thương hiệu” món cà phê vợt Phan Đình Phùng, người bán dùng nước sôi để trụng sạch chiếc vợt có độ dài tầm 20-25 cm rồi cho vào một lượng cà phê xay nhuyễn nhất định. Sau đó, đổ nước sôi qua vợt vốn được đựng trong những ấm sắt tây, nhúng đi nhúng lại nhiều lần rồi mới rót ra ly để tạo nên hương vị cà phê thơm ngon độc đáo. Bà Tuyết chia sẻ, để có cà phê ngon, bà sẽ phải kết hợp cả bốn loại hạt cà phê, gồm Culi, Moka, Arabica và Robusta do gia đình tự rang bằng bơ ngon Hà Lan. Cà phê Moka hạt lớn nên ưu tiên rang trước rồi tuần tự đưa ba loại hạt kích thước nhỏ còn lại vào rang cùng ở độ lửa vừa phải. Đối với cà phê sữa đá, bà sử dụng sữa Ông Thọ nhưng các thùng sữa phải được trữ từ 5 đến 6 tháng trước khi sử dụng nhằm đạt được kết cấu đặc sánh cần thiết của sữa cho vị cà phê thơm ngon.
Chiếc vợt vốn làm nên linh hồn của món cà phê này theo thời gian cũng đã được cải tiến ít nhiều. Từ loại vải tám dày dặn thời xưa nay không còn sản xuất, người bán chuyển sang sử dụng các loại vợt hiện hành trên thị trường nhưng phải chặp đôi hai chiếc vợt vào nhau để tạo màng lọc tốt nhất cho độ trong của cà phê. Lửa nấu nước sôi cũng phải điều tiết sao cho lửa nóng giòn đều từ bếp than, luôn được duy trì ở một độ lửa nhất định, không để yếu hoặc quá to.
Có lẽ nhờ bí quyết làm nên hương vị đặc trưng nên Cà phê Vợt Phan Đình Phùng của bà Tuyết – ông Côn quán lúc nào cũng tấp nập với đủ mọi thành phần khách, từ người chạy xe ôm công nghệ đến cán bộ về hưu, nhân viên văn phòng và đặc biệt là giới sinh viên. Khách chỉ cần trả một mức giá rất bình dân từ 10.000 –15.000 đồng cho đủ loại thức uống như cà phê đen nóng, đen đá, sữa đá, bạc xỉu…

Văn hóa Cà phê Vợt
Trong lúc ngơi tay được một chút, giao việc cho người con dâu, bà Tuyết vừa tưởng thưởng cho mình một cốc đen đá, vừa nhoẻn môi cười chia sẻ với chúng tôi về tình cảm bao năm với Cà phê Vợt. Với cánh sinh viên ít tiền, bà dành rất nhiều thương mến. “Dù các em có hai, ba ngàn đồng hay tìm đến quán khi không đủ tiền, tôi vẫn sẵn sàng phục vụ. Bởi đó là niềm vui được san sẻ. Tôi cũng luôn dạy con cháu mình phải luôn giữ tinh thần này mãi về sau.”
Bà chủ quán cà phê Vợt bất giác làm tôi nghĩ đến cái tình người Sài Gòn, vốn hào sảng, nồng hậu và nhiệt tình đến vậy. Chạy bàn phụ giúp cha mẹ từ lúc lên 7, lên 8, bà Tuyết cũng chưa bao giờ nghĩ đời mình sẽ gắn bó với nghiệp cà phê qua ngần ấy thập kỷ. Sài Gòn qua bao đổi thay, Cà phê Vợt vẫn đấy. Khách hàng đến và ở lại cùng quán cà phê này suốt cả ba thế hệ, từ cha đến con rồi lại cháu. “Mọi người mến mộ cà phê mình làm, dành tình cảm cho mình. Đó thật sự là niềm hạnh phúc nhất đời tôi”, bà Tuyết tâm sự.

Sài Gòn qua bao đổi thay, Cà phê Vợt vẫn đấy. Khách hàng đến và ở lại cùng quán cà phê này suốt cả ba thế hệ, từ cha đến con rồi lại cháu. 


Sài Gòn vẫn luôn đầy những bất ngờ thú vị, những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống hối hả thường ngày. Nơi hẻm nhỏ này, Cà phê Vợt không wifi, không máy lạnh, đơn sơ những chiếc ghế nhựa con con và tí tách bếp lửa khói bảng lảng nhưng ấm áp những câu chuyện mình, chuyện đời bất tận bên ly cà phê hương thơm nồng nàn. Nơi đó như lưu giữ chút hoài niệm, chút bình yên qua từng bước chậm thời gian.


Sự kiện khác

noData
Không có dữ liệu