Thực hiện chương trình khuyến công tại Đồng Tháp: Đi vào chiều sâu
Bằng nguồn vốn từ Chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp đã triển khai nhiều đề án có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực.
Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ hiệu quả cơ sở sản xuất nhỏ và vừa |
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, những năm gần đây, hoạt động khuyến công của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho cơ sở, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Đến nay, chương trình khuyến công được triển khai khắp các huyện, thị xã, thành phố. Số lượng đề án tăng với nhiều nội dung phong phú, phù hợp với nhu cầu và khả năng của đơn vị thụ hưởng, đạt các mục tiêu đề ra và hoàn thành đúng tiến độ.
Hoạt động khuyến công luôn ưu tiên hỗ trợ dự án có tiềm năng phát triển trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tiêu biểu là sản xuất cơ khí, công nghiệp chế biến. Kết quả, 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh được Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.
Chọn trái mãng cầu xiêm - đặc sản của địa phương để khởi nghiệp, Công ty CP Đầu tư và Phát triển thực phẩm Thuận Thiên Thành (huyện Lai Vung) đã được trung tâm hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, 70% dòng sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Mỹ. Mới đây, nước cốt mãng cầu xiêm của công ty cũng được công nhận là 1 trong 15 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.
Nguồn kinh phí khuyến công cũng hỗ trợ DN mạnh dạn đầu tư sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm uy tín, thương hiệu trên thị trường như: Bánh phồng chay cao cấp hạt sen của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nguyên Hậu; xoài sấy dẻo của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức… Trong sản xuất cơ khí, trung tâm hỗ trợ đầu tư dàn xới đất cải tiến rung động LJ2090 của hộ kinh doanh sửa chữa cơ khí Tấn Đạt (xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng), hệ thống thổi nguyên liệu và cân định lượng của Công ty TNHH MTV Sản xuất máy cơ khí nông nghiệp Tây Đô (thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng)...
Ngoài những kết quả đạt được, đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hoạt động khuyến công vẫn gặp một số khó khăn như: Đề án khuyến công thường được ưu tiên cho cơ sở, DN nhỏ và siêu nhỏ, DN khởi nghiệp nhưng phần lớn còn hạn chế về công tác quản trị, lựa chọn công nghệ.
Để hoạt động khuyến công đem lại hiệu quả thiết thực, Sở Công Thương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các hoạt động hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa; triển khai cơ chế, chính sách về khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực, hiệu quả cao, có tính mới, tiêu biểu về công nghệ, sản phẩm, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường tuyên truyền các chính sách khuyến công...
Hoạt động khuyến công của tỉnh Đồng Tháp có đóng góp nhất định vào phát triển công nghiệp nông thôn, trực tiếp tạo động lực để các cơ sở mạnh dạn đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập người lao động. |