Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến tranh thương mại: Mũi tên trúng nhiều đích

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Sức nóng của nó thể hiện ở giá trị khổng lồ của các gói trừng phạt đang được các bên “ăn miếng trả miếng”, ở những tuyên bố quyết liệt, cứng rắn của lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ phát động đang diễn ra trên nhiều mặt trận, với những diễn biễn phức tạp, kịch tính mà chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chỉ là một trong số đó. Những chính sách thương mại của chính quyền Trump không chỉ nhắm tới Trung Quốc mà mang tính toàn cầu, theo đuổi những mục tiêu cả thương mại và chính trị.

chien tranh thuong mai mui ten trung nhieu dich
Cần theo dõi chặt diễn biến luồng hàng hóa xuất nhập khẩu để kịp thời phát hiện các diễn biến bất thường

Tăng thuế với thép và nhôm nhập khẩu

Ngày 8/3/2018, Tổng thống Donald Trump phê chuẩn đề suất của Bộ Thương mại Mỹ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia thành viên WTO. Quyết định này dựa trên Điều 232 của Luật Phát triển thương mại 1962 nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trước nhập khẩu gia tăng các sản phẩm này. Mức thuế có hiệu lực từ ngày 28/3/2018. EU, Canada và Mexico được gia hạn tới 1/6/2018 để các quốc gia này có cơ hội xem xét các yêu cầu của Mỹ. Sau khi các quốc gia này không chấp nhận nhượng bộ, mức thuế này đã có hiệu lực. Để đáp trả, Trung Quốc, EU, Canada, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức tăng thuế với một số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Canada áp thuế trả đũa 10 - 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 12,7 tỷ USD. Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế bổ sung 4 - 70% đối với hàng hóa trị giá 1,8 tỷ USD.

Một số sản phẩm thép từ Việt Nam cũng 2000 phải chịu thuế do bị coi là hàng Trung Quốc chuyển sang để lẩn tránh. Hàn Quốc, Argentina, Australia và Brazil tránh sa lầy vào cuộc chiến bằng giải pháp đàm phán với Mỹ về mức hạn ngạch xuất khẩu.

Đàm phán lại các FTA quan trọng

Trong số 14 FTA của Mỹ với 20 đối tác đang có hiệu lực, các hiệp định FTA giữa Hàn Quốc và Mỹ (KORUS), giữa Canada - Mỹ - Mexico (NAFTA) là những hiệp định có ý nghĩa quan trọng bởi quy mô thương mại và nội dung toàn diện, cấp tiến. Đồng thời với việc rút khỏi TPP, Mỹ đã yêu cầu đàm phán lại hai hiệp định này.

Quá trình đàm phán KORUS được triển khai từ tháng 7/2017. Hiện hai bên đã đạt được thỏa thuận và đang tiến hành tham vấn trong nước. Mỹ đã đạt được những nhượng bộ quan trọng từ phía Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô. Hàn Quốc chấp nhận mở cửa hơn nữa thị trường nước này cho ôtô Mỹ với việc tăng gấp đôi hạn ngạch mỗi năm cho mỗi nhà sản xuất lên 50 ngàn chiếc. Không những thế, Mỹ còn được kéo dài thời hạn loại bỏ thuế nhập khẩu 25% đối với xe tải tới 2041 thay cho thời hạn theo hiệp định trước đây là năm 2021.

Đối với NAFTA, tháng 8/2017, Mỹ, Canada và Mexico bắt đầu xem xét lại hiệp định. Nội dung trao đổi được giữ bí mật trong suốt quá trình đàm phán theo thỏa thuận được ký giữa các bên. Đúng một năm sau, ngày 27/8/2018, Mỹ đã đạt được thỏa thuận về một “hiệp định thương mại tiên tiến với các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới” với Mexico. Thỏa thuận cơ bản của hiệp định buộc các nhà sản xuất ôtô sử dụng nhiều hơn linh kiện từ Bắc Mỹ. Tổng thống Trump đặt hạn chót để Canada kết thúc đàm phán là ngày 31/9/2018. Chỉ vài giờ trước hạn chót, hai bên đã đạt được thỏa thuận sau khi Canada chấp nhận mở cửa hơn thị trường sữa để đổi lấy việc Mỹ đảm bảo quyền lợi của ngành ôtô nước này trong trường hợp Mỹ áp thuế toàn cầu 25% với ôtô. Phiên bản NAFTA 2.0 sẽ được ký với tên gọi mới Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada.

Chiến tranh thương mại với Trung Quốc

Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc xâm hại quyền lợi nước này vì các chính sách trợ cấp của chính phủ làm méo mó môi trường cạnh tranh, yêu cầu bắt buộc chuyển giao công nghệ, xâm phạm sở hữu trí tuệ… Tháng 10/2017 Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) tiến hành xem xét các báo cáo điều tra được thực hiện dựa trên Điều 301 Luật Thương mại 1974. Điều luật này cho phép USTR được quyền thực thi một loạt các biện pháp nhằm đáp trả các hành vi cạnh tranh được cho là không lành mạnh bao gồm áp thuế hoặc các hạn chế đối với hàng hóa, dịch vụ. Các kết quả điều tra đi đến kết luận: Trung Quốc sử dụng các quy định đầu tư nước ngoài không công bằng để bắt buộc các doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ; Trung Quốc không cho các doanh nghiệp Mỹ cơ hội thỏa thuận các vấn đề liên quan chuyển giao công nghệ theo cơ chế thị trường; Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn việc đầu tư một cách có hệ thống vào các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ với quy mô lớn…

Ngày 15/6 USTR công bố danh mục 1.102 dòng thuế trị giá nhập khẩu 50 tỷ USD từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế bổ sung. Quá trình thực thi chia làm 2 đợt: Đợt 1 áp dụng với gói trị giá 34 tỷ USD từ ngày 6/7/2018 và đợt 2 với gói trị giá 16 tỷ USD áp dụng vào thời điểm công bố sau. Đồng thời Mỹ cũng cảnh báo sẽ gia tăng các biện pháp nếu Trung Quốc trả đũa. Ngay lập tức, ngày 16/6 Trung Quốc công bố danh mục 659 mặt hàng Mỹ trị giá xấp xỉ 50 tỷ USD bị áp thuế bổ sung 25%. Trong đó, thuế áp với 34 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp, ôtô và hàng thủy sản Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7, các mặt hàng trong diện bị áp thuế còn lại sẽ được thông báo sau. Ngày 18/6 Tổng thống Trump yêu cầu xem xét gói trừng phạt trị giá 200 tỷ USD đối với Trung Quốc. Ngày 7/8, Mỹ thông báo từ ngày 23/8 sẽ đánh thuế nhập khẩu 25% với gói hai trị giá16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngay hôm sau, Trung Quốc đã quyết định tăng thuế thêm 25% với 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các mặt hàng năng lượng, thép, xe hơi và máy móc y tế. Các mức thuế mới sẽ được kích hoạt cùng ngày Mỹ áp thuế bổ sung với 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngày 18/9, Mỹ công bố danh mục 5.745 mặt hàng của Trung Quốc với trị giá khoảng 200 tỷ USD sẽ bị áp thuế bổ sung 10% từ ngày 24/9/2018. Mức thuế này sẽ tăng lên 25% từ ngày 1/1/2019. Đồng thời Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ tiếp tục xem xét tăng thuế với 257 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu Trung Quốc đáp trả. Nếu điều này xảy ra, có nghĩa gần như mọi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đều bị áp thuế bổ sung.

Trung Quốc ngay lập tức cũng công bố danh mục 5.027 mặt hàng của Mỹ sẽ bị tăng thuế nhập khẩu 5 hoặc 10% nhưng để ngỏ thời gian áp dụng.

Việt Nam là một trong số các quốc gia có thể chịu tác động nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, đây là những tác động mang tính gián tiếp và chúng ta phải chuẩn bị các giải pháp để chủ động đối phó trước những diễn biến phức tạp và khó đoán trước của nền kinh tế khu vực cũng như thế giới trong giai đoạn mới.

Theo số liệu thống kê của Mỹ, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu trên 46 tỷ USD và nhập khẩu 8 tỷ USD hàng hóa từ thị trường này. Việt Nam là thị trường nhập khẩu lớn thứ 12 và đứng thứ 5 về mức xuất siêu vào Mỹ. Mức thâm hụt thương mại 38 tỷ USD của Mỹ với Việt Nam không phải quá lớn so với con số nhập siêu khoảng 800 tỷ USD mỗi năm của nền kinh tế này. Mặc dù vậy, Mỹ đã một số lần đề cập tới vấn đề này tại thảo luận ở các cấp khác nhau. Bởi vậy, cần hết sức phòng tránh những nguy cơ trở thành đối tượng điều tra, đặc biệt trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế sẽ tìm đường xuất khẩu qua các nước láng giềng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...