Xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ: Dự báo tiếp tục tăng
Kim ngạch xuất khẩu (XK) của ngành dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).
Ông đánh giá như thế nào về XK của dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ từ đầu năm đến nay?
8 tháng đầu năm, kim ngạch XK của ngành dệt may Việt Nam đạt gần 20 tỷ USD; trong đó, thị trường Mỹ chiếm 50% tổng kim ngạch XK. Điều này cho thấy, Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của các DN trong ngành. Việt Nam đang XK sang Mỹ các sản phẩm dệt may được sản xuất bằng nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ (lượng bông nhập khẩu từ Mỹ chiếm khoảng 58% tổng nhu cầu bông của Việt Nam).
Thưa ông, nhiều DN trong ngành lo lắng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến phía Mỹ áp thuế "chống lẩn tránh thuế" nếu XK sản phẩm vào thị trường này tăng mạnh. VITAS đã có chuẩn bị thế nào?
Chúng tôi đã lường trước và đặt ra 3 yếu tố có thể xảy ra. Thứ nhất, thông tin từ Tổng hội Dệt may Trung Quốc cho thấy, việc đánh thuế đối với mặt hàng dệt may của Trung Quốc khoảng 4 tỷ USD trong giai đoạn đầu. Đây là con số rất nhỏ. Do vậy, ngành dệt may Việt Nam không ảnh hưởng nhiều.
Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động nâng cao hơn trong việc kiểm soát chặt cửa khẩu và thị trường. Chúng tôi chỉ khuyến cáo DN phải tuân thủ quy định về pháp lý quốc tế.
Thứ ba, trường hợp lẩn tránh thuế sẽ xảy ra không lớn vì nếu gian lận thương mại, sẽ bị đánh giá là không minh bạch, gây khó khăn cho nhà XK cũng như nhập khẩu của cả hai bên.
Được biết, thời gian qua, VITAS đã hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội bông Mỹ (CCI) để thúc đẩy mối quan hệ tương hỗ giữa ngành dệt may hai nước. Ông đánh giá như thế nào về kết quả của sự hợp tác này?
Năm 2017, Việt Nam là nhà nhập khẩu bông lớn nhất của Mỹ với khoảng 1 tỷ USD giá trị. Ngành dệt may Việt Nam đã có chiến lược phối hợp với CCI, tăng cường nhập khẩu sản phẩm bông Mỹ để kéo sợi, nhuộm và XK sợi, sản phẩm dệt may vào Mỹ. Việc này không chỉ được phía CCI đánh giá cao mà còn được các DN tích cực hưởng ứng bằng cam kết bán cho chúng ta các sản phẩm bông tốt nhất. Từ sự hợp tác này đã thúc đẩy ngành dệt may của Việt Nam phát triển và ngược lại, DN, người trồng bông Mỹ cũng có thị trường tiêu thụ ổn định.
Bãi bỏ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dệt may |
Năm 2017, VITAS đã kiến nghị Mỹ mở kho ngoại quan, tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu bông của DN. Kiến nghị này đã được chấp thuận chưa, thưa ông?
Chúng tôi có đề nghị CCI tổ chức 1 tổng kho ngoại quan của bông Mỹ vào Việt Nam, cụ thể ở TP. Hồ Chí Minh và khu vực Hải Phòng. Bên cạnh đó, đề nghị phía Mỹ tạo cơ chế tài chính nhằm giúp nhà XK có nguồn tài chính dự trữ bông. Qua đó, có thể rút ngắn thời gian mua bông cho DN Việt Nam từ 1 tháng như hiện nay xuống còn 10 tháng hoặc ít hơn, tạo thuận lợi cho DN.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị phía Mỹ trao đổi thông tin chất lượng bông theo mùa vụ, cấp giấy chứng nhận cho các nhà sản xuất Việt Nam để sản phẩm của DN Việt được gắn logo có sử dụng bông chất lượng cao, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm dệt may Việt Nam vào Mỹ.
Trong các đề xuất của chúng tôi, việc cấp giấy chứng nhận đã được thực hiện, vấn đề kho ngoại quan chưa thể làm được ngay. Chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị, giúp DN hai nước thuận lợi hóa trong kinh doanh, XK.
Xin cảm ơn ông!