Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường chứng khoán cần cải thiện chất lượng và rộng cửa đón vốn mới

Để TTCK Việt Nam phát triển theo chiều sâu, các đại biểu Ban Kinh tế Trung ương và nhà quản lý cho rằng, cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán. Cùng với đó là nâng cao chất lượng quản trị công ty và rộng cửa đón dòng vốn lớn. Chung một tầm nhìn, nhưng giải pháp nào, thời điểm nào tạo nên sự chuyển biến thực sự thì chưa rõ khi tất cả mới dừng ở… kiến nghị.

thi truong chung khoan can cai thien chat luong va rong cua don von moi

Tái cấu trúc mới chuyển biến về lượng

Tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong 4 chuyên đề được các chuyên gia tập trung thảo luận, phân tích đa chiều trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018.

Diễn đàn do Bộ Tài chính tổ chức cuối tuần qua, với sự tham gia của 300 đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp…

Ghi nhận quá trình tái cấu trúc TTCK đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng ý kiến từ các chuyên gia đã thẳng thẳn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế.

Theo chuyên gia Trần Kim Anh, Ban Kinh tế Trung ương, thị trường vốn còn nhỏ, chậm phát triển với quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu và trái phiếu, nhất là trái phiếu doanh nghiệp, đều thấp hơn so với hầu hết các nước trong khu vực và các nước cùng mức thu nhập.

Mức độ phát triển của thị trường vốn Việt Nam chưa cao khiến doanh nghiệp khó chủ động trong tiếp cận vốn từ các nhà đầu tư. Sự mất cân đối giữa thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển, là điểm bất lợi lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân…

Ở góc nhìn của cơ quan triển khai các hoạt động tái cấu trúc 2000 TTCK, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhìn nhận, trên TTCK hiện nay tổ chức đầu tư còn ít, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số và tâm lý dễ bị tác động bởi tin đồn.

Cấu trúc thị trường chưa hoàn chỉnh do quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ, chưa hỗ trợ tối đa, hiệu quả huy động vốn cho doanh nghiệp.

Chất lượng quản trị công ty còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Báo cáo tài chính ở nhiều doanh nghiệp chất lượng còn hạn chế. Việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty đại chúng gặp nhiều khó khăn, do vướng mắc từ pháp luật chuyên ngành và đầu tư…

“Thị trường vốn đang dần gia tăng mức đóng góp vào cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhưng vẫn chưa thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả.

Hiện giá trị vốn hóa TTCK đạt mức trên 80% GDP, nhưng nguồn vốn đi vào khu vực kinh tế thực thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chưa lớn, mà chủ yếu tập trung phát sinh từ hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, cũng như việc đại chúng hóa các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân…”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội nhìn nhận.

Cũng theo ông Long, tuy khả năng thu hút dòng vốn ngoại ngày càng tích cực, song TTCK Việt Nam ít nhận được vốn từ các quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu do chưa đáp ứng các tiêu chí xếp hạng TTCK mới nổi của MSCI, mức độ đa dạng hóa sản phẩm chưa cao. So với các nước trong khu vực, quy mô khu vực tài chính Việt Nam vẫn ở mức độ khiêm tốn.

Độ sâu tài chính của khu vực tài chính Việt Nam-một số chỉ số đo lường khả năng cung ứng vốn của khu vực tài chính đối với nền kinh tế- chỉ ở mức 1,8 lần GDP, trong khi ở Singapore: 4 lần, Malaysia: 3,7 lần, Thái Lan và Trung Quốc: 3,3 lần…

Cần cải thiện chất lượng và rộng cửa đón vốn mới

Nhìn nhận những kết quả tái cấu trúc TTCK rõ nét, bền vững hơn sẽ có đóng góp quan trọng vào tái cấu trúc thị trường tài chính, cũng như nền kinh tế, các chuyên gia khuyến nghị nhiều giải pháp cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

“Cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán. Cùng với đó, cần tiếp tục cơ cấu lại hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán, cần nâng cao chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro tại các tổ chức phát hành.

Tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức theo hướng hoàn thiện chính sách để triển khai quỹ hưu trí tự nguyện.

Điều chỉnh quy định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam theo hướng mở rộng đối với các lĩnh vực không cần kiểm soát trên cơ sở cam kết WTO, khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín tham gia…”, chuyên gia Trần Kim Anh đề xuất.

Cho rằng cần thúc đẩy tái cấu trúc TTCK theo hướng tiếp tục mở rộng và phát triển thị trường vốn theo chiều sâu, ông Nguyễn Thành Long nêu quan điểm, điều quan trọng là cần xác định lại vị thế của TTCK trong khu vực tài chính, trong đó xác lập quy mô mục tiêu, độ sâu và độ rộng của thị trường để từ đó có các giải pháp thực hiện, đặc biệt là giải pháp hoàn thiện khung pháp lý.

Dự thảo Luật Chứng khoán đang soạn cần hướng tới các mục tiêu dài hạn là tự do hóa hoạt động thị trường theo hướng loại bỏ các rào cản và cho phép các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường hơn.

Giải pháp cho mục tiêu này là áp dụng cơ chế đăng ký phát hành dựa trên chế độ công bố thông tin đầy đủ theo thông lệ quốc tế.

Bản chất của cơ chế này là bỏ bớt các điều kiện định lượng và các thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp phải đáp ứng thì mới được phát phát hành cổ phiếu, huy động vốn trên TTCK.

Chẳng hạn, bãi bỏ các quy định về thời gian hoạt động doanh nghiệp, quy định về mức độ lợi nhuận của doanh nghiệp...

“Cần mở rộng thị trường dưới hình thức áp dụng cơ chế đại chúng hóa, phát hành ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch (IPO).

Đây là thông lệ tốt quốc tế mà hiện nay chúng ta cũng vẫn chưa làm được đối với các doanh nghiệp tư nhân khi thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng theo pháp luật chứng khoán. Tập trung phát triển cơ sở nhà đầu tư có tổ chức, tiếp tục thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài…”, ông Long đề xuất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...