Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin: Thuận lợi và khó khăn
Có thể nói, khởi nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam chưa bao giờ sôi động như hiện nay. Với ưu điểm là vốn đầu tư ít, khả năng quay vòng nhanh, không khó lý giải vì sao có tới 70% cộng đồng startup tại Việt Nam chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Đại diện cho thế hệ khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực CNTT, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ và Ứng dụng Toàn cầu (Hyperlogy Corporation) đã chia sẻ về thuận lợi và khó khăn trong bước đầu khởi nghiệp.
Bước đầu khởi nghiệp…
Khởi nghiệp năm 2003 - thời điểm được các chuyên gia kinh tế nhận định là thời kỳ vàng nở rộ các startup khởi nghiệp trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là giai đoạn thị trường CNTT còn sơ khai, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực phần mềm và lĩnh vực thiết kế phần mềm chuyên sâu chưa gay gắt, Hyperlogy đã nhanh chóng có được uy tín và thành công nhất định. Bên cạnh đó, thuận lợi lớn nhất đối với startup thời điểm này đó chính là sự nhạy bén. Nếu như các công ty lâu năm thường phản ứng rất chậm chạp với xu hướng dịch vụ thì các startup lại nhanh nhạy và thậm chí còn dẫn đầu nên nhanh chóng hòa nhập với thị trường.
Thuận lợi tuy nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Áp lực về những rào cản hội nhập thị trường là khó khăn lớn nhất mà hầu hết startup đều gặp phải, vì thời điểm này nhiều hạng mục công việc về CNTT chưa được cộng đồng đón nhận. Việc xử lý giấy tờ thủ tục hành chính vẫn còn rất rườm rà, tốn kém. Thậm chí nhiều trường hợp vì hành lang pháp lý kém an toàn mà các startup rơi vào nhiều tình huống bế tắc. Một khó khăn nữa khiến các doanh nghiệp startup thường khó lớn lên vì chính họ không quản lý được mình.
Nguyên nhân này đến từ việc thiếu kinh nghiệm trong quản lý các nguồn lực của mình. Họ dành nhiều thời gian và tiền để đẩy mạnh cạnh tranh và tiếp thị sản phẩm mà quên việc sử dụng hợp lý các nguồn lực, tốn nhiều tiền vào những chi phí mà thực ra họ có thể tiết kiệm hơn. Chẳng hạn như: Chi phí văn phòng, chi phí thuê nhân viên thường trực ở văn phòng... Trong khi các startup hoàn toàn có thể tiết kiệm được nếu lựa chọn đúng mô hình doanh nghiệp và có chiến lược quản lý nội bộ tốt. Khoản tiền tiết kiệm này, có thể dành để đầu tư nhiều hơn vào việc nghiên cứu phát triển sản phẩm hay dành cho tiếp thị, truyền thông…
Một vấn đề khác liên quan mà các startup thường ít dành thời gian quan tâm, tìm hiểu đó là các quy định, quy phạm pháp luật, các chính sách bắt buộc phải tuân thủ và cả các ưu đãi cho ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động. Và kết quả là doanh nghiệp có thể bị phạt tiền, truy thu thuế hay không được hưởng các lợi thế kinh doanh từ các quy định của nhà nước.
… và đường tới thành công của Hyperlogy
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, với phương châm mang đến cho khách hàng "Giải pháp, dịch vụ trọn gói, nhanh, linh hoạt, khả thi và chi phí hợp lý" Hyperlogy đã giúp khách hàng thiết kế và xây dựng kiến trúc tổng thể mang tính xuyên suốt để thiết lập giải pháp mang tính tổng thể toàn diện từ công nghệ, giải pháp phần mềm đến hạ tầng thông tin. Trong mỗi kiến trúc, Hyperlogy sẽ cùng khách hàng xác định các yếu tố chức năng và phi chức năng để dựa vào đó quản lý sự thay đổi và mở rộng của tất cả các hoạt động trong doanh nghiệp.
Đại diện Hyperlogy trao đổi với phóng viên về mô hình SMARTFORM |
Ngoài ra, với đội ngũ chuyên sâu và chế độ hậu mãi chu đáo, Hyperlogy đã khẳng định được chỗ đứng của mình tại thị trường trong nước với nhiều hợp đồng và đơn đặt hàng đã và đang thực hiện thành công. Một trong số sản phẩm tiêu biểu của Hyperlogy là hệ thống SMARTFORM - phục vụ việc hiện đại hóa ngân hàng - đã áp dụng tại Ngân hàng TMCP Quân Đội năm 2017 và nhận được phản hồi rất tích cực về việc cải thiện thời gian giao dịch. Ngoài ra, Hyperlogy cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thiết kế các sản phẩm chạy trên nền tảng điện toán đám mây (cloud computing), các hệ thống tương tác với hạ tầng viễn thông như Hệ thống quản lý internet băng thông rộng cho các ISP.
Hiện nay, Chính phủ ngày càng quan tâm đến các công ty khởi nghiệp bằng việc thành lập một số quỹ ở cấp tỉnh/thành phố để hỗ trợ. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 và triển khai Nghị định 39/2018/NĐ-CP để hướng dẫn. Đây là chính sách đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp startup và có tiềm năng tăng trưởng cao bằng cách cung cấp các khoản vay và ưu đãi thuế đặc biệt. |