Thúc đẩy thanh toán phi tiếp xúc
Theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, đến thời điểm này hầu như tất cả các TCTD ứng dụng các hình thức thanh toán phi tiếp xúc đều triển khai trên cơ sở hợp tác với các hãng thẻ nước ngoài và thanh toán dựa trên thẻ quốc tế của khách hàng.
Khối ngoại nhanh chân
Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM mới đây đã hợp tác với tổ chức thẻ quốc tế Visa nhằm tiến tới triển khai thí điểm công nghệ thanh toán không tiếp xúc qua thẻ chíp EMV® áp dụng đối với 60 tuyến xe buýt công cộng và các tuyến đường sắt cao tốc trên cao (metro) đã và đang xây dựng. Việc hợp tác này cho thấy, cuộc đua cung ứng công nghệ thanh toán phi tiếp xúc đang tăng tốc tại Việt Nam.
Hầu hết các ví điện tử đã chủ động ứng dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc |
Theo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, việc đặt vấn đề hợp tác với Visa để thí điểm hình thức thanh toán phi tiếp xúc đối với các tuyến xe buýt và metro mới chỉ là ý tưởng mà TP.HCM mong muốn thực hiện. Để triển khai thực tế, mô hình này cần phải có thêm thời gian để hoàn thiện đề án thay thế vé giấy bằng các hình thức vé điện tử. Tuy nhiên, sự nhanh nhạy của Visa trong việc giới thiệu các mô hình thanh toán phi tiếp xúc cho thấy tổ chức thẻ quốc tế này rất chủ động chiếm lĩnh thị phần thanh toán phi tiếp xúc ở lĩnh vực dịch vụ công tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), hiện nay các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, MasterCard, UnionPay, JCB… đều đã và đang cung cấp dịch vụ thanh toán cho các NHTM trong nước. Ở góc độ cạnh tranh, ông Long cho rằng các đơn vị này đang có lợi thế hơn so với Napas vì họ được tự do chuyển mạch mà không phải làm thủ tục xin cấp phép, chưa chịu sự quản lý, giám sát bởi các cơ quan quản lý cũng như không phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với các khoản thu có được từ hoạt động chuyển mạch thẻ tại thị trường Việt Nam.
Thực tế hiện nay trên thị trường, ở mảng thanh toán phi tiếp xúc đã có khá nhiều NHTM hợp tác với các hãng thẻ quốc tế để cung cấp các dịch vụ thanh toán bằng mã phản hồi nhanh (QRcode) hoặc bằng các hình thức không tiếp xúc khác. Chẳng hạn, từ năm 2016 VietinBank đã phối hợp với Visa triển khai ứng dụng triển khai công nghệ thanh toán phi tiếp xúc Tap to Pay. Các ngân hàng khác như TPBank, Sacombank, SCB cũng đã phối hợp với Visa và MasterCard triển khai các ứng dụng Visa payWave, Sacombank Contactless và SCB QR Easy.
Theo thống kê của NHNN đến thời điểm hiện nay, chuẩn mã QR đã được tổ chức thẻ EMVCo công nhận tại Việt Nam và đã có 17 NHTM trong nước áp dụng để triển khai các dịch vụ thanh toán không tiếp xúc với khoảng 8 triệu người dùng. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức trung gian thanh toán phi ngân hàng cũng đã phối hợp với các hãng thẻ lớn như Visa và MasterCard để triển khai dịch vụ thanh toán phi tiếp xúc tại các đơn vị bán lẻ và bắt đầu triển khai tại một số mảng thanh toán dịch vụ công như thanh toán tiền điện, nước, viện phí, học phí.
Tiềm năng chờ liên thông hệ thống
Thống kê của Visa cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 7/2017 - 5/2018, tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam đạt 44% mỗi tháng, tốc độ giao dịch qua thẻ Visa không tiếp xúc tăng đều 43% mỗi tháng so với cùng kỳ. Khảo sát của tổ chức này cũng cho biết, hiện có khoảng hơn một nửa người Việt đã biết đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc, 30% trong số họ từng sử dụng và hơn 2/3 sẵn sàng thử hình thức này thay thế tiền mặt trong tương lai.
Theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, đến thời điểm này hầu như tất cả các TCTD ứng dụng các hình thức thanh toán phi tiếp xúc đều triển khai trên cơ sở hợp tác với các hãng thẻ nước ngoài và thanh toán dựa trên thẻ quốc tế của khách hàng.
Một số đơn vị chẳng hạn như TPBank mới đây phối hợp với Công ty cổ phần giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay) đã bắt đầu áp dụng thanh toán phi tiếp xúc trên thẻ nội địa với ứng dụng QuickPay. Hay Napas thời gian qua cũng đã hợp tác với Vietcombank và ví điện tử Momo triển khai thanh toán không tiếp xúc bằng mã QR tại VietnamAirlines. Tuy nhiên, số lượng khách hàng dùng thẻ nội địa của các NHTM để kết nối các ứng dụng thanh toán không tiếp xúc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với thẻ quốc tế.
Ông Trần Trí Mạnh - Chủ tịch HĐQT VNPay cho rằng, đến chỉ tính riêng đơn vị này đã xây dựng được khoảng 20.000 điểm bán hàng chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng mã QR. Trong năm nay số lượng các điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR sẽ tăng lên 50.000 điểm. Vì vậy việc triển khai nhân rộng mô hình thanh toán phi tiếp xúc bằng mã QR đối với hệ thống thẻ nội địa của các NHTM là rất có tiềm năng.
Đồng tình quan điểm trên, tuy nhiên ông Nguyễn Quang Minh - Phó tổng giám đốc phụ trách nghiên cứu - phát triển của Napas cho rằng, để đẩy mạnh phát triển các hình thức thanh toán qua mã QR trước hết pháp lý chung cho hoạt động thanh toán công nghệ số này cần được thống nhất và cụ thể hóa.
Theo đó, bộ tiêu chuẩn chung chuẩn hóa về luồng xử lý thanh toán và kết nối liên thông giữa các đơn vị cần được hoàn thiện và thống nhất. Bởi đến thời điểm hiện tại, mặc dù NHNN đã đưa ra tiêu chuẩn chung về thanh toán QRcode. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này mới chỉ chuẩn hóa về tiêu chuẩn của bản thân mã vạch QRcode, còn toàn bộ luồng xử lý phía sau chưa được chuẩn hóa và chưa có sự liên thông giữa các đơn vị liên quan.
Bên cạnh đó, bộ tiêu chuẩn thanh toán QRcode của NHNN cũng mới chỉ dừng lại ở mức đáp ứng cho mô hình Merchant Presented (tức mô hình thanh toán QR mà mã QR được bên bán hàng tạo ra và bên mua quét mã bằng thẻ của mình - PV) mà chưa quy định về mô hình Customer Presented (tức mô hình bên mua tự tạo mã QR cho bên bán quét thanh toán - PV). Trong khi đó, trên thực tế mô hình Customer Presented cũng đang khá phát triển và đã được một số đơn vị fintech trong nước ứng dụng để thanh toán cho khách du lịch nước ngoài.
Ông Minh cũng cho biết, hiện nay phía Napas đã được NHNN chỉ đạo để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định nghiệp vụ nhằm liên thông các hệ thống thanh toán QRcode. Trong thời gian tới, sau khi hoàn thiện bộ tiêu chuẩn này thì sẽ trình NHNN ban hành để thống nhất triển khai hệ sinh thái thanh toán QRcode tại hệ thống NHTM và các tổ chức trung gian thanh toán khác.
Thạch Bình