Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn
Cần đẩy mạnh tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động TTKDTM hiện nay trong nền kinh tế để khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng hình thức, từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp nhất với mình.
Thay đổi dần trong nhận thức
Đánh giá thực trạng, khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng, dịch vụ thanh toán cũng như hạn chế, vướng mắc trong triển khai, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tế Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở khu vực nông thôn là những nội dung được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn” vừa được tổ chức cuối tuần qua.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong thời gian qua, NHNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chỉ đạo triển khai phát triển TTKDTM. Cùng với sự nỗ lực của các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hoạt động TTKDTM tại Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, hiện đại hoá hệ thống thanh toán, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải tiến phương thức và quy trình kỹ thuật thanh toán, phong cách phục vụ. Đặc biệt có sự đột phá trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặc dù vậy, song Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng thừa nhận để phát triển TTKDTM ở khu vực này vẫn còn nhiều việc phải làm.
Đồng tình như vậy, ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, muốn phát triển thanh toán KDTM trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động TTKDTM hiện nay trong nền kinh tế để khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng hình thức, từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp nhất với mình. Có như vậy, những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân và mới khiến cho khách hàng xóa đi thói quen và tập quán thanh toán chi tiêu bằng tiền mặt.
Cho rằng, hiện nhiều bạn trẻ học xong về chọn việc làm nông để lập nghiệp, khởi nghiệp. Các đối tượng này thường trang bị cho mình đầy đủ phương tiện để có thể thực hiện TTKDTM như máy tính, laptop, điện thoại thông minh và có kết nối internet. Đây là phương tiện hiện đại, dễ dàng sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn nhằm thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn.
Vì thế, theo ông Lưu Quang Định – Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày này, nếu phối hợp được với họ, đẩy mạnh tuyên truyền thì hiệu quả truyền thông sẽ tăng lên. “Họ chính là những người sẽ làm việc trực tiếp với nông dân. Khi họ tin tưởng và thấy được sự tiện ích, an toàn của TTKDTM, họ sẽ là những tuyên truyền viên cho hình thức TTKDTM đối với nông dân”, ông Định cho biết.
Tích cực ứng dụng công nghệ
Thúc đẩy TTKDTM chắc chắn cũng phải nói tới các giải pháp ứng dụng công nghệ. Đề xuất chính sách của NHNN, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho rằng, cần chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý về an ninh, an toàn, bảo mật, bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, thanh toán di động. Bên cạnh đó hoàn thiện quy trình xử lý giao dịch của ngân hàng theo hướng số hoá, tự động hoá, an toàn và thuận tiện.
Cũng theo ông Sơn, một trong những việc cần quan tâm là xây dựng và triển khai Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp. Nhất là đối với DNNVV, DN siêu nhỏ, dân cư vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp…
Dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Việt Hải - Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ (Agribank) cho rằng, ngân hàng cần đa dạng hóa các kênh thanh toán, kênh phân phối, giúp khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi. Mở rộng chi nhánh/phòng giao dịch trải rộng từ địa bàn đô thị, thành phố lớn đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và được đầu tư lớn về cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thiết bị kỹ thuật và phần mềm ứng dụng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thanh toán của khách hàng.
Là một DN viễn thông phối hợp khá chặt chẽ với các ngân hàng trong việc triển khai TTKDTM, ông Trần Duy Diễn - Đại diện Công ty Công nghệ viễn thông Viettel chia sẻ, với mục tiêu là phổ cập dịch vụ tài chính cá nhân cho mọi người dân như đã từng làm với viễn thông di động, Viettel đã và đang phát triển mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán. Theo đó, mục tiêu triển khai 300.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.
Đại diện Viettel cũng nêu lên giải pháp trong hợp tác với Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương triển khai dịch vụ cho vay, thu hộ, gửi tiết kiệm dựa trên tài khoản (thuê bao di động của người dân) cho khoảng 3 triệu hộ nghèo và cận nghèo trên cả nước. Kết hợp với khoảng 200 nghìn lực lượng tổ trưởng tổ thu tại địa bàn để giúp người dân tiếp cận các phương thức thanh toán, giao dịch, gửi tiền, chuyển tiền, cho vay, tiết kiệm…
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh Phương thức thanh toán hiện đại, nhưng dễ sử dụng CMCN 4.0 đã tạo ra nhiều cơ hội để phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, dễ sử dụng với chi phí thấp, phù hợp với địa bàn nông thôn. NHNN đang phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các chính sách phát triển ngành ngân hàng thích ứng với CMCN 4.0. Đồng thời, NHNN cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan, với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, tập trung nghiên cứu xây dựng Chiến lược Tài chính Toàn diện quốc gia tại Việt Nam nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; trong đó lĩnh vực TTKDTM ở khu vực nông thôn đóng vai trò trọng yếu... |
Minh Khuê