A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cần lực đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Hà Nội

Sáng nay (26/9), Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội (HANSIBA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ và triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành CNHT thủ đô Hà Nội giai đoạn 2017-2019 định hướng 2025.

Toàn cảnh hội nghị

Chỉ có 0,3% DN tham gia gia sản xuất CNHT

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HANSIBA - cho biết: Theo số liệu ước tính, tình hình sản xuất các sản phẩm CNHT của các DN Việt Nam thuộc các ngành như sau: Ngành chế tạo ô tô tỉ lệ nội địa hóa khoảng 5-20%; ngành điện tử nội địa hóa khoảng 5-10%; da giày nội địa hóa khoảng 30%; dệt may nội địa hóa đạt khoảng 30%; CNHT cho công nghệ cao khoảng 1-2%; cơ khí chế tạo khác nội địa hóa khoảng 15-20%. Từ hạn chế về việc nội địa hóa các sản phẩm CNHT dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu vào khoảng hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 30 tỷ USD).

Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số gần 500 nghìn DN Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng DN CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.

Tại hội nghị, các chuyên gia và DN ngành CNHT đã chia sẻ những khó khăn, thách thức, đồng thời đưa ra các kiến nghị để phát triển ngành CNHT của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Ông Nguyễn Đức Cường – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất HIKARI P&T Việt Nam - chia sẻ, rất mong nhà nước và thành phố xem xét có thêm các chương trình xúc tiến cũng như kết nối giao thương bằng các chương trình cụ thể thông qua sở, ban, ngành hoặc hiệp hội. Trong đó các cơ quan thuộc chính quyền sẽ vừa là cầu nối vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện kết nối này. Đưa mối quan hệ hợp tác thành mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa thành phố chứ không đơn thuần là mối quan hệ cá nhân hay mối quan hệ giữa công ty với công ty như hiện tại. Mục đích để tăng tính quy mô định hướng dài hạn cũng như việc bảo trợ.

Ông Nguyễn Hoàng nhận định, việc chủ trương tập trung phát triển mạnh ngành CNHT Việt Nam là định hướng vô cùng chính xác của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên thực tế còn gặp một số trở ngại do nguồn lực của các DN còn hạn chế, cơ chế chính sách để đi vào cuộc sống của DN chưa kịp thời… Toàn cầu hóa sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với DN Việt Nam.

Hà Nội sẽ luôn đồng hành cùng DN

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: CNHT luôn được coi là bộ phận công nghiệp rất quan trọng, đóng vai trò to lớn trong thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, gia tăng xuất khẩu, nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất của ngành công nghiệp. Năm 2007, TP. Hà Nội đã xác định phát triển CNHT là một trong các mục tiêu phát triển kinh tế của thành phố. Thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để xúc tiến đầu tư thương mại, khuyến khích phát triển CNHT, thành lập khu CNHT…

Đến nay, trên địa bàn thủ đô đã hình thành được hệ thống DN chuyên sâu về CNHT với đông đảo DN tham gia. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu về CNHT như Bắc Thăng Long - Nội Bài, Quang Minh, các khu công nghiệp này được điều phối, dẫn dắt bởi các tập đoàn quốc gia, đa quốc gia và tập trung nhiều tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài, có trình độ chuyên môn hóa cao, tạo hiệu quả lớn trong sản xuất.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cũng thẳng thắn cho rằng, bên cạnh những thành quả trong phát triển CNHT, Hà Nội vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: tỷ lệ nội địa hóa, năng suất, chất lượng thấp so với nhiều nước trong khu vực; ngành CNHT mới dừng lại ở chế tạo, gia công các sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng thấp; năng lực cạnh tranh của DN còn thấp dẫn đến nhiều DN phải đóng cửa hoặc phá sản.

Giai đoạn 2017-2020, TP. Hà Nội đã ban hành Đề án tiếp tục phát triển CNHT và mục tiêu đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 900 DN chuyên sâu về CNHT, trong đó có 40% DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Để đề án đi vào cuộc sống, hàng năm thành phố sẽ tiếp tục ban hành, triển khai các chương trình phát triển cụ thể. Tập trung hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN, kết nối các DN Việt Nam với các DN nước ngoài. Thu hút, kêu gọi các DN đầu tư vào CNHT. Hỗ trợ DN Việt Nam trong việc quản lý, quản trị quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các DN CNHT.

Thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trung ương để triển khai các chính sách về phát triển CNHT do Chính phủ ban hành, đồng thời kiến nghị để có những chính sách đặc thù phù hợp và tận dụng tiềm năng phát triển của thủ đô.  

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ trao Hợp đồng và Thỏa thuận hợp tác phát triển ngành CNHT giữa HANSIBA cùng các đối tác trong nước và quốc tế và ra mắt Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp DN CNHT thuộc HANSIBA


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
 

Trang tin điện tử tổng hợp về 

Tin tức Tài chính trong nước và quốc tế

Chịu trách nhiệm nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp: 

Giám đốc - Nguyễn Văn A

ĐT: 0900 000 000