Để đề án Tuyến phố đi bộ “sống” cùng đất Cố đô
Góc đường Phạm Ngũ Lão Để đề án “sống” cùng đất Cố đô, ngay từ lúc này rất cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng và đặc [...]
Góc đường Phạm Ngũ Lão |
Để đề án “sống” cùng đất Cố đô, ngay từ lúc này rất cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng và đặc biệt là người dân sở tại.
Ông Nguyễn Đăng Thạnh- Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế- cho biết, Sau thời gian đầu tư nâng cấp hạ tầng, đến nay TP. Huế đã hoàn tất công tác chuẩn bị như chỉnh trang lại tuyến phố, tuyên truyền tới người dân… sẵn sàng để phố đi bộ tại các đường Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu đi vào hoạt động.
Hiện theo ghi nhận của phóng viên, những loại hình dịch vụ tại các tuyến phố đi bộ đã và đang thu dọn tương đối ngăn nắp, phong quang, sạch đẹp. Du khách Minh Nhật đến từ Hải Dương cho biết, ngoài những trầm mặc và mang chút gì đó khá buồn khi tới Huế, phố “Tây” được quy hoạch hoàn chỉnh sẽ rất nhộn nhịp. Anh Nicolas Andrew đến từ Liên bang Nga chia sẻ, phần lớn các phố tập trung người nước ngoài đều khá náo nhiệt, ồn ào với đủ loại âm thanh, tiếng cười nói,… thì ở Huế lại giữ được nguyên những nét trầm mặc, đặc trưng của đất cố đô, nhưng tôi vẫn sợ giao thông và đôi chút phiền về những người bán hàng lưu động tại đây.
Cũng cần nói thêm rằng, TP. Huế trước đó đã có đường đi bộ Trịnh Công Sơn kinh doanh khá thuận lợi, lượng khách đông, nhất là những đêm hè. Ông Lê Tâm Huế – người dân Cố đô cho biết, Trịnh Công Sơn là con đường rất thơ mộng dọc bờ Bắc sông Hương, trước mặt là cồn Hến Vĩ Dạ đã tạo nét riêng cho du khách mỗi lần tới Huế.
Tại Đề án tổ chức phố đi bộ tỉnh Thừa Thiên Huế được phê duyệt, các hộ dân được thuê, sử dụng toàn bộ phần vỉa hè trước mặt để kinh doanh, đa số người dân đồng tình, song mong muốn được miễn phí trong thời gian đầu. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Trị – Trưởng phòng Kinh tế, UBND TP. Huế cho rằng, địa phương cũng lường trước được việc này và chỉ đạo sắp xếp việc kinh doanh tại tuyến phố sao cho phù hợp.
Khách du lịch thăm quan cửa hàng trên đường Chu Văn An |
Bên cạnh đó, đề án cũng chỉ rõ yêu cầu giữ nguyên, phát triển các cơ sở kinh doanh loại hình thương mại dịch vụ hiện có, không tổ chức kinh doanh các mặt hàng gây mất vệ sinh, che chắn trên vỉa hè. Chỉ sử dụng lòng đường cho khách đi bộ kết hợp hoạt động nghệ thuật đường phố. Vận động, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh không phù hợp không gian tuyến phố (sửa xe, quay thịt…) chuyển đổi, thêm các dịch vụ du lịch mới lạ, homestay thu hút du khách.
Về phía những nhà làm du lịch, ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Hue Tourist phấn khởi: Đề án sẽ là cú hích thu hút số đông du khách đến Huế, các tuyên phố đi bộ về đêm sẽ khiến những doanh nghiệp lữ hành có thêm nhiều lựa chọn và quan trọng là khách có thời gian lưu trú tại Huế lâu hơn… Cũng theo ông Hào, thời gian cuối năm, Huế sẽ vào mùa mưa, mùa cao điểm khách nước ngoài đến Huế, tuyến phố cần có sự khác biệt với những tuyến phố đi bộ khác trên cả nước, để du khách cảm nhận được nét đặc trưng của Huế.
Với mục tiêu tập trung phát triển mạnh “ngành công nghiệp không khói”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Huế, đa dạng hoá các loại hình du lịch, tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương, phát triển kinh tế cộng đồng, vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Văn bản số 5858/UBND-DL về việc thống nhất Đề án tổ chức phố đi bộ tại các đường Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An – Võ Thị Sáu. |
Hoàng Dương – Theo Báo Công Thương Điện Tử