A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cải thiện chính sách miễn thị thực: Tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành du lịch

Chính sách visa thuận lợi sẽ mở rộng nhiều cơ hội cho du lịch Việt Nam tăng trưởng Trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập hiện nay thì vi[...]

Chính sách visa thuận lợi sẽ mở rộng nhiều cơ hội cho du lịch Việt Nam tăng trưởng

Trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập hiện nay thì việc nới lỏng visa sẽ mang lại những lợi ích như thế nào cho du lịch cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế, thưa ông?

Theo nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý) đã làm tăng thêm 10,1% số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, cao hơn cả mức tăng chung ở các nước ASEAN khác khi áp dụng miễn thị thực.  Năm 2016 tổng lượng khách từ năm quốc gia Tây Âu đạt gần 781.000 khách, tăng khoảng 124.000 khách, tương ứng tăng 19% so với năm trước đó. Mỗi khách chi tiêu ở Việt Nam trên 1.300 USD thì tổng số tiền thu được từ 124.000 khách tăng thêm trên 160 triệu USD. Trong khi số tiền giảm thu từ phí visa của 781.000 khách này là chưa đến 20 triệu USD. Điều này có nghĩa nguồn thu tăng thêm từ việc miễn thị thực cao hơn so với việc giảm thu phí visa 25 USD/khách.

Như ở trên tôi đề cập, việc miễn thị thực đã thúc đẩy tăng trưởng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, làm tăng giá trị xuất khẩu qua du lịch. Hiệu ứng lan tỏa từ du lịch tới dịch vụ đã đóng góp 3,2% trong tăng trưởng GDP 6,7%. Tổ chức Du lịch Thế giới (WTTC) còn đánh giá miễn thị thực tại các nước ASEAN đã làm tăng thêm 1,6% – 3,1% số việc làm trực tiếp cho ngành du lịch và các ngành khác đều hưởng lợi. Tại Việt Nam nếu tăng thêm 5 khách du lịch quốc tế sẽ tác động lan tỏa, tăng thêm 25-30 khách du lịch nội địa, tạo ra thêm một việc làm trực tiếp. Không chỉ vậy, việc miễn thị thực cho các quốc gia phát triển sẽ khiến các doanh nhân từ những nước này có thể tiếp cận được thị trường Việt Nam thông qua con đường du lịch, qua đó làm tăng cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Với tác động tích cực như vậy, tại sao đến thời điểm này chính sách visa vẫn là một điểm nghẽn đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam?

Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng ban Thư ký TAB

Theo chúng tôi được biết thì Bộ Ngoại giao chưa tán thành việc miễn thị thực đơn phương, mà muốn thực hiện chính sách miễn thị thực song phương dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra họ cũng cho rằng việc đơn phương miễn thị thực còn làm giảm nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước. Chúng ta có thể thấy rõ rằng chương trình miễn thị thực du lịch không phải là có đi có lại. Điều này đặc biệt đúng ở khu vực Đông Nam Á. Thái Lan miễn thị thực cho 57 nước, nhưng công dân Thái Lan chỉ được miễn thị thực đến 46 nước; Indonesia miễn thị thực cho 168 nước, nhưng công dân Indonesia chỉ được miễn thị thực đến 40 nước; Philippines miễn thị thực cho 159 nước, nhưng công dân Philippines chỉ được miễn thị thực đến 41 nước. Tuy nhiên, các quốc gia này đều nhận ra lợi ích đáng kể của việc tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực trong một thị trường có nhiều cạnh tranh.

Vậy để tăng lợi thế cho ngành công nghiệp xanh Việt Nam, chúng ta cần một cơ chế chính sách visa như thế nào, theo ông?

Trước mắt Chính phủ cần sớm có quyết định gia hạn miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu sẽ hết hạn ngày 30/6/2018, thực hiện trong 5 năm thay vì gia hạn từng năm, thời gian lưu trú 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay. Xem xét bổ sung thêm một số nước được miễn thị thực gồm 6 quốc gia là: Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ vì đây là những quốc gia có nhiều du khách đến Việt Nam, có thời gian lưu trú bình quân trên 15 ngày, mức chi tiêu bình quân trên 1.200 USD  và có ít có nguy cơ về an ninh. Đến năm 2020 Việt Nam cần mở rộng diện miễn thị thực du lịch tối thiểu cho 60 quốc gia, tập trung vào các nước và vùng lãnh thổ là thị trường nguồn tiềm năng.

Ngoài ra, cần tăng số ngày miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày cho công dân các nước có số lượng khách du lịch lớn đến Việt Nam gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan; bãi bỏ quy định cho du khách được miễn thị thực “Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày” tránh làm ảnh hưởng khách quay trở lại; chính sách thị thực quá cảnh (Transit Visa) tối đa là 72 giờ để khuyến khích khách dừng nghỉ tại TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội.

Cơ sở của việc đề xuất trên, theo tôi khi tất cả các quốc gia trong khu vực ASEAN đều mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các quốc gia có nhu cầu du lịch lớn, có mức chi tiêu cao đến du lịch thì cánh cửa thị thực càng đóng hoặc chưa đủ rộng thì ảnh hưởng trực tiếp đến sức hấp dẫn. Mặt khác, hộ chiếu của các quốc gia được đề xuất miễn thị thực đều có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng toàn cầu. Đồng thời, thông thường một tour du lịch để khám phá Việt Nam thường kéo dài trên 15 ngày cho đến 18 ngày là phổ biến. Vì vậy, tăng thêm thời gian miễn thị thực sẽ giúp các doanh nghiệp lữ hành có thể xây dựng những sản phẩm tour du lịch cũng như tăng mức chi tiêu bình quân của khách du lịch tại Việt Nam.

Nhằm “tạo thuận lợi tối đa và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam” như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã ban hành, chúng tôi tin chắc rằng cần cải thiện chính sách miễn thị thực cùng với thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu, thị thực quá cảnh và không thay thế chính sách miễn thị thực với các hình thức khác.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Từ khóa:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết