Các loại rượu dởm sẽ “hết đường” tồn tại
Cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh tiêu hủy rượu sản xuất thủ công trái phép |
Trên thị trường Việt Nam, mặt hàng rượu có hai nguồn là hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu, trên thị trường đang lưu thông rượu sản xuất hợp pháp và bất hợp pháp. Các loại rượu dởm gồm rượu giả, rượu nhập lậu, sản xuất không phép, rượu chất lượng kém, thậm chí chứa độc và bất cứ ai cũng có thể mua được.
Mặc dù luật pháp hiện hành quy định rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và được kiểm soát nghiêm ngặt, tuy nhiên do cách quản lý hiện nay của các cơ quan chức năng không chặt, từ đó dẫn tới mất kiểm soát đối với mặt hàng này.
Sau khi xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu dởm dẫn đến chết người, các cơ quan chức năng đồng loạt tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu trên cả nước và phát hiện số lượng lớn rượu dởm đang lưu thông trên thị trường. Đơn cử, chỉ trong tháng 3/2017 (tháng đầu tiên thực hiện kiểm soát mặt hàng rượu), lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước kiểm tra 966 vụ, phát hiện 491 vụ sản xuất và kinh doanh rượu dởm, tịch thu 40.176 lít rượu, 1.431 chai rượu các loại và nhiều phương tiện để sản xuất rượu trái phép.
Ở các tỉnh phía Nam hiện nay, lực lượng QLTT cứ kiểm tra là phát hiện sản xuất, kinh doanh rượu dởm. Tại TP. Hồ Chí Minh, khi lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra mặt hàng rượu, rượu dởm lại bị phát hiện với số lượng lớn. Trong một tuần (từ ngày 13-20/9), Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh xử lý 18 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, thu giữ 240kg đường cát, 1.720 đơn vị sản phẩm sữa nước, bia và 150 lít rượu kém chất lượng. Ông Nguyễn Văn Bách – Phó Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh – cho biết, rượu dởm bị thu giữ trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây chủ yếu là sản xuất không phép, rượu thủ công không qua chưng cất mà chỉ pha cồn công nghiệp, nước lã trộn với hương liệu và sản xuất, buôn bán rượu giả.
Do đâu rượu dởm tràn ngập thị trường và khó quản? Theo ông Phan Lợi- Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang, Nghị định số 94 của Chính phủ nhằm quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, hạn chế rượu không đảm bảo chất lượng, sau 4 năm thực hiện vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Ngay như địa bàn tỉnh An Giang, hầu hết các cơ sở nấu rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có quy mô nhỏ, sản lượng ít, sản xuất chủ yếu là để lấy hèm chăn nuôi nên không thực hiện việc cấp phép. Một số cơ sở muốn thực hiện cấp phép nhưng không đáp ứng được các điều kiện theo quy định như không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, quy định rượu là sản phẩm phải được công bố hợp quy nhưng hiện nay chưa có đủ các quy chuẩn kỹ thuật cho tất cả các loại rượu trên thị trường nên gây khó cho việc cấp phép.
“Các thương nhân bán lẻ thường là các hộ kinh doanh nhỏ, bán rượu kèm với các loại tạp hóa khác nên không đăng ký kinh doanh hoặc có đăng ký kinh doanh nhưng không đăng ký cấp giấy phép bán lẻ rượu. Các hộ này thường có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, vốn ít, nằm rải rác ở các khu dân cư, ý thức chấp hành pháp luật không cao nên khó buộc họ làm đủ các thủ tục để xin giấy phép sản xuất, kinh doanh bán lẻ rượu” – ông Lợi cho biết.
Rượu trắng, rượu ngâm thuốc kém chất lượng, sản xuất trái phép bị Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh thu giữ |
Theo Nghị định 105, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công với mục đích kinh doanh phải có giấy phép; tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp (DN) có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã. Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định; muốn sản xuất rượu công nghiệp phải là DN được thành lập theo quy định của pháp luật; có dây chuyền máy móc, thiết bị đúng theo quy mô; đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm; muốn sản xuất rượu thủ công phải là DN, hợp tác xã thành lập theo quy định pháp luật; đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa theo quy định.
Nghị định 105 còn quy định các hành vi trái quy định của pháp luật về kinh doanh rượu bao gồm: kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, mượn giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua bán các loại rượu không có tem, nhãn đúng theo quy định; rượu không đảm bảo tiêu chuẩn, không có nguồn gốc; bán rượu cho người dưới 18 tuổi; bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet; bán rượu bằng máy tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định 105 quy định mức chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu cũng cao hơn so với Nghị định 94 đang được áp dụng. Với những quy định cụ thể và rõ ràng của Nghị định 105, các cơ quan chức năng sẽ có điều kiện để kiểm soát thị trường và các loại rượu dởm chắc chắn sẽ không còn điều kiện để tồn tại trên thị trường.
Trần Thế – Theo Báo Công Thương Điện Tử