Thanh toán điện tử mang đến lợi ích ròng cho nền kinh tế
Visa vừa chính thức công bố kết quả từ cuộc nghiên cứu độc lập của Roubini ThoughtLab do Visa ủy thác thực hiện nhằm kiểm chứng những tác động kinh tế của việc gia tăng sử dụng phương thức thanh toán điện tử tại các thành phố lớn trên thế giới.
Nghiên cứu ước tính việc tăng cường ứng dụng thanh toán điện tử, như thanh toán qua thẻ và thanh toán di động, có thể mang lại lợi ích ròng lên đến 470 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho 100 thành phố thuộc diện khảo sát – tương đương với 3% GDP bình quân của các thành phố này.
Thanh toán điện tử đang ngày càng phổ biến và có thể dần thay thế cho tiền mặt ở Việt Nam
Theo kế quả công bố, Hà Nội, một trong những thành phố thuộc đối tượng nghiên cứu, đã chứng kiến những bước tiến đầy tiềm năng khi giảm dần lượng tiền mặt sử dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy thành phố có thể thu được thêm 600 triệu đô-la mỗi năm nếu đa số giao dịch được điện tử hóa, thay thế cho tiền mặt. Cùng với đó, số lượng việc làm có thể gia tăng 3.5%, GDP của thành phố dự kiến tăng 36.4 điểm cơ bản.
“Thành phố không tiền mặt: Nhìn nhận lợi ích của Thanh toán điện tử” là một nghiên cứu độc đáo nhằm định lượng lợi ích ròng tiềm tàng khi một thành phố đạt được mức độ “không tiền mặt khả thi”. Đây là trạng thái toàn bộ cư dân thành phố chuyển sang sử dụng phương thức thanh toán kĩ thuật số với mức độ tương đương top 10% người dùng của thành phố đó ở thời điểm hiện tại. Nghiên cứu không nhằm mục đích loại bỏ tiền mặt mà được thực hiện để định lượng những lợi ích và chi phí tiềm năng khi thanh toán điện tử tăng trưởng đáng kể.
Bằng việc giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt, nghiên cứu ước tính lợi ích trong dài hạn và trung hạn cho ba nhóm chính là người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Theo nghiên cứu, việc thúc đẩy thanh toán điện tử có thể đóng góp thêm gần 470 tỷ Đô la Mỹ vào lợi ích ròng trực tiếp của 100 thành phố được phân tích. Cụ thể:
Thứ nhất, người tiêu dùng tại 100 thành phố có thể thu được lợi ích trực tiếp ước tính giá trị gần 28 tỷ đô la mỗi năm, nhờ tiết kiệm được 3,2 tỷ giờ thực hiện giao dịch tại ngân hàng, điểm bán lẻ và chuyển tiền; đồng thời giảm hành vi phạm tội liên quan đến tiền mặt.
Về phía doanh nghiệp tại 100 thành phố, họ có thể thu được lợi ích trực tiếp ước tính giá trị hơn 312 tỷ đô la mỗi năm, nhờ tiết kiệm hơn 3.1 tỷ giờ trong khâu xử lý các khoản chi và thu, cộng thêm doanh thu tăng từ việc mở rộng danh mục khách hàng online và tại cửa hàng. Nghiên cứu cũng cho thấy khi dùng tiền mặt và séc, doanh nghiệp phải tốn đến 7.1 cent cho mỗi đô la thu được, trong khi sử dụng phương thức kỹ thuật số chỉ mất 5 cent.
Thứ hai, nghiên cứu chỉ ra Chính phủ của 100 thành phố có thể thu được lợi ích trực tiếp ước tính gần 130 tỷ đô la mỗi năm, nhờ tăng doanh thu từ thuế, tặng trưởng kinh tế, và tiết kiệm chi phí từ hiệu quả hành chính và chi phí tố tụng hình sự do các hành vi phạm pháp liên quan đến tiền mặt giảm.
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc rủi ro của Visa – Bà Ellen Richey nhận xét: “Nghiên cứu này chứng tỏ rằng khi thành phố áp dụng thanh toán điện tử ngày càng rộng rãi, cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ đều được lợi. Thay thế tiền mặt bằng thanh toán điện tử, xã hội sẽ đạt nhiều lợi ích như tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, giảm tỉ lệ tội phạm, tăng việc làm, tiền lương và tăng năng suất lao động.”
“Tuy xã hội Việt Nam vẫn còn sử dụng tiền mặt là chủ yếu, chúng tôi nhận thấy tất cả các đối tượng của nền kinh tế, từ người tiêu dùng, nhà bán lẻ đến chính phủ đều có thái độ tích cực đối với thanh toán điện tử hơn bao giờ hết”. Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết. “Visa luôn tích cực hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt nam trong lộ trình hướng tới thanh toán không tiền mặt trước năm 2020. Chúng tôi cam kết thúc đẩy ứng dụng thanh toán điện tử và mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán để đảm bảo quá trình chuyển giao sang một xã hội phi tiền mặt diễn ra thuận lợi và hiệu quả.” – Bà Ellen Richey nói.
Khi các thành phố gia tăng việc ứng dụng thanh toán điện tử, những ảnh hưởng tích cực không chỉ dừng lại ở lợi ích tài chính cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ mà còn vượt xa hơn thế. Đó có thể là chất xúc tác làm tăng hiệu quả cho nền kinh tế nói chung, bao gồm tăng GDP, số lượng việc làm, lương bổng và năng suất lao động.
Ông Lou Celi – Giám đốc của Roubini ThoughtLab chia sẻ: “Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số – từ smartphone, thiết bị đeo thông minh, trí tuệ nhân tạo đến xe tự lái – sẽ nhanh chóng thay đổi cách thức người dân mua sắm, đi lại và sinh hoạt. Theo phân tích của chúng tôi, nếu không có nền tảng vững chắc về thanh toán điện tử, các thành phố sẽ không thể nắm bắt được toàn bộ công nghệ kỹ thuật số của mình trong tương lai.”
“Thành phố không tiền mặt: Nhìn nhận lợi ích của Thanh toán điện tử” đề xuất 61 khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách với mục đích giúp thành phố của họ trở nên ưu việt hơn nhờ tăng cường ứng dụng thanh toán điện tử. Các khuyến nghị bao gồm thực hiện các chương trình giáo dục tài chính nhằm đưa những nguồn lực bên ngoài vào hệ thống ngân hàng; thực hiện các biện pháp khuyến khích đổi mới tập trung và nhân rộng các công nghệ thanh toán mới, triển khai các hệ thống thanh toán an toàn xuyên suốt toàn bộ mạng lưới giao thông…
Theo Lê Mỹ – Báo Diễn đàn Doanh nghiệp Điện tử