Ngân sách Nhà nước có công khai nhưng khó tìm
Theo kết quả khảo sát Chỉ số công khai minh bạch ngân sách nhà nước (OBI) và Chỉ số công khai minh bạch ngân sách địa phương (POBI) do Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế OECD và Tổ chức Kiểm toán quốc tế INTOSAI thực hiện từ hơn 10 năm qua cho thấy, mức độ công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam còn thấp và đang tụt hạng. Chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam năm 2006 chỉ đạt 3/100 điểm, năm 2015 đạt 18/100 và năm 2017 đạt 15/100 điểm, giảm 3 điểm so với năm trước và thuộc vào nhóm thứ 5 - Nhóm ít công khai nhất.
Nguyên nhân khiến Việt Nam giảm điểm là do theo nguyên tắc tiêu chuẩn của OBI, Việt Nam chưa công bố cho công chúng Dự thảo dự toán ngân sách trình Quốc Hội, Báo cáo Kiểm toán và Báo cáo ngân sách dành cho công dân đúng thời gian, Báo cáo thực hiện ngân sách tháng/quý chưa đảm bảo đủ như các tiêu chí về nội dung của báo cáo thực hiện ngân sách.
Việt Nam ở top ít công khai ngân sách nhất. (Ảnh minh họa: KT) |
Kết quả thấp này còn do nguyên nhân khách quan là kỳ báo cáo số liệu về ngân sách cho Quốc hội Việt Nam được thực hiện vào 2 thời điểm họp Quốc hội vào tháng 5 và tháng 10, không phù hợp với yêu cầu báo cáo 6 tháng và cả năm của OBI. Bên cạnh đó, khảo sát OBI 2017 tiến hành từ trước khi Luật Ngân sách nhà nước 2015 được thực hiện. Do đó, việc thực thi luật về công khai ngân sách đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa được cập nhật vào báo cáo.
Kết quả xếp hạng công khai ngân sách tỉnh POBI 2017 cũng cho thấy một bức tranh chưa thực sự sáng về việc công khai ngân sách. Thông tin chủ yếu được tìm thấy trên cổng thông tin điện tử của Sở Tài chính. Một số website mặc dù được thiết kế có đầy đủ các mục công khai ngân sách như dự thảo, dự toán, quyết toán nhưng lại không có thông tin nào được đăng tải. Nhiều website không hiển thị nội dung thông tin ngày đăng tải nên không thể kiểm chứng được chính xác thời gian đăng tải có đúng so với quy định hay không.
Hiện hai loại tài liệu được công khai nhiều nhất đó là Dự toán ngân sách tỉnh năm 2018 đã được HĐND tỉnh phê duyệt (51/63 tỉnh) và Quyết toán ngân sách tỉnh năm 2016 (49/63 tỉnh). Báo cáo Tình hình thực hiện dự toán ngân sách tỉnh năm 2017 là loại tài liệu được các tỉnh công bố công khai ít nhất (25/63 tỉnh).
Số liệu công khai nhưng không giúp giám sát
Hiện Việt Nam đã đạt được xếp hạng trên chuẩn về giám sát ngân sách nhưng vẫn còn thấp trong xếp hạng về sự tham gia của người dân. Ông Joel Friedman, nghiên cứu viên cao cấp của tổ chức đối tác quốc tế Tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) cho rằng “Việt Nam có thể tốt hơn nữa khi có các cơ chế đối thoại, thảo luận về ngân sách trực tiếp hơn với người dân”.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, các số liệu ngân sách tuy có được công khai nhưng không chi tiết, không biết chi những gì, chi cụ thể bao nhiêu nên những số liệu công khai không giúp người dân phát hiện được ngân sách sử dụng đúng hay sai, ai làm sai, nơi nào vượt dự toán, ở đâu có lãng phí…
“Là một người dân, tôi thấy có lỗi vì không giám sát được gì cả, dù tôi có vào website của Bộ Tài chính, tôi thấy những thông tin vĩ mô rất lớn không chi tiết nên không giúp ích cho người dân giám sát gì cả. Với những số liệu được công khai như thế này thì có công khai nhưng chưa minh bạch”, TS. Lê Đăng Doanh cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS.Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cũng chỉ ra thực trạng “công khai kiểu để trong bụi rậm”, tức là, cơ quan có trách nhiệm công khai ngân sách có đăng trên website nhưng lại ở những thư mục khuất nên rất khó tìm, có nơi có đăng nhưng muốn đọc phải có quyền truy cập, đòi mật khẩu truy cập, có công khai nhưng không đầy đủ thông tin…
Soi lại 6 tiêu chí công khai theo chuẩn OBI bao gồm: tính sẵn có, tính đầy đủ, tính kịp thời, tính dễ hiểu, tính so sánh và tính chính xác, thì thấy nhiều địa phương không công khai ngân sách hoặc có công khai nhưng chậm công bố thông tin; công bố nhưng không cụ thể, kiểu như chi có số liệu chi đầu tư xây dựng cơ bản là bao nhiêu nhưng không rõ chi cho những gì? Hoặc có số liệu nhưng không thuyết minh khiến phần lớn người đọc không hiểu. Hơn nữa, cách đưa thông tin của một số nơi không có giá trị so sánh, ví dụ như có số liệu chi đầu tư xây dựng năm sau, không có số liệu cùng mục của năm trước nên không so sánh được…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công khai ngân sách địa phương, PGS.TS.Vũ Sỹ Cường cho biết chi tiêu ngân sách địa phương chiếm hơn 50% chi tiêu ngân sách cả nước. Công khai ngân sách địa phương sẽ thúc đẩy sự minh bạch, giải trình trong quản lý ngân sách công nhằm thực thi tốt hơn luật NSNN, góp phần gia tăng mức độ công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình ở cấp cao hơn (trung ương) và cấp thấp hơn (huyện, xã), tạo niềm tin của công chúng đối với việc quản lý NSNN tại địa phương và tạo động lực cạnh tranh giữa các tỉnh nhằm thu hút đầu tư.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường đưa thông điệp mỗi người dân hãy quan tâm tới ngân sách nhiều hơn. “Mỗi đồng ngân sách đều là tiền của người dân của chính mình”. Công khai minh bạch ngân sách và tham gia của công chúng trong quản lý NSNN gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền là những điều kiện tiên quyết giúp quản lý nhà nước hiệu quả, giảm lãng phí và tránh thất thoát, đảm bảo chất lượng dịch vụ công và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển chung của các quốc gia./.