Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Gắn liền với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, do những đặc điểm của vùng đất được chọn làm thủ đô của một đất nước với bề dầy hàng nghìn năm,văn hóa Thăng Long - Hà Nội hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc và không ngừng lan tỏa nét đặc sắc của vùng đất Thủ đô đến mọi miền đất nước
PHẦN MỞ ĐẦU
1. SỰ CẦN THIẾT CỦA QUY HOẠCH
Gắn liền với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, do những đặc điểm của vùng đất được chọn làm thủ đô của một đất nước với bề dầy hàng nghìn năm,văn hóa Thăng Long - Hà Nội hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc và không ngừng lan tỏa nét đặc sắc của vùng đất Thủ đô đến mọi miền đất nước. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội được hình thành, xây dựng, vun đắp của nhiều thế hệ, là một nguồn vốn văn hóa vô cùng quý báu và đặc sắc, đã đóng góp quan trọng vào việc làm giầu có thêm di sản văn hóa dân tộc, làm phong phú thêm truyền thống văn hiến của đất nước.
Là Thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, ngoại giao, trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước, đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội không chỉ tăng quy mô dân số và diện tích (một trong 17 thủ đô lớn trên thế giới) mà còn là Thành phố lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú của nhiều tiểu vùng văn hóa của cả nước. Đồng thời, văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng không ngừng tiếp nhận những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhân loại, làm giàu có thêm truyền thống văn hóa của mình. Đó là một nguồn lực vô cùng quý giá để phát triển bền vững kinh tế, văn hóa - xã hội Thủ đô.
Đánh giá cao vị thế, vai trò hết sức đặc biệt quan trọng của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa thủ đô, văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIII đã khẳng định: “Phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế và xây dựng thể chế chính trị thật sự là nền tảng của tinh thần xã hội; làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống mỗi người, mỗi gia đình, mỗi đơn vị và cộng đồng; tạo nên sức mạnh và độ bền vững của quá trình phát triển KT - XH Thủ đô”( ).
Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, sự nghiệp phát triển văn hóa của Thủ đô Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng vào việc định hướng xã hội, hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa, cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần của các tầng lớp xã hội, thúc đẩy phát triển KT - XH của Thủ đô. Tuy nhiên, phát triển văn hóa của Hà Nội cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế là thủ đô của cả nước. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, ngành văn hóa Hà Nội chưa xây dựng được quy hoạch phát triển văn hóa có tầm nhìn hệ thống và chiến lược dẫn đến các hoạt động văn hóa nhìn chung còn chắp vá, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa của toàn thành phố nói chung, của mỗi địa phương nói riêng, ảnh hưởng đến việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, hạn chế hiệu quả của các mục tiêu đặt ra trong quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của Thủ đô. Quy hoạch văn hóa là cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiến lược phát triển KT - XH của thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt trong lĩnh vực phát triển sự nghiệp văn hóa của Hà Nội.
Vì vậy, việc xây dựng “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” là cần thiết và cấp bách.
2. MỤC TIÊU QUY HOẠCH
2.1. Mục tiêu chung:
Xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế là thủ đô của đất nước, với truyền thống văn hiến, thành phố anh hùng, thành phố vì hòa bình, là trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước, trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại về nội dung, vừa phong phú, đa dạng về bản sắc dân tộc. Xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp với không gian văn hóa và các công trình văn hóa vừa hiện đại vừa mang tính truyền thống, tiêu biểu cho văn hóa cả nước trong quan hệ giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng văn hóa Hà Nội xứng đáng với truyền thống văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, xây dựng được những giá trị mới làm nền tảng tinh thần cho xã hội, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy quá trình hoàn thiện nhân cách của con người, thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống và hoạt động xã hội trong quá trình thực hiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội. Gắn kết giữa xây dựng các giá trị văn hóa ở mỗi cá nhân, gia đình với xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách của công dân Thủ đô trong giai đoạn mới, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho con người phát triển hài hòa, toàn diện. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng động sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng và trách nhiệm công dân cao, đáp ứng được những yêu cầu của một xã hội văn minh, hiện đại.
- Đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa Thăng Long, phát huy sự đa dạng, bản sắc độc đáo của các tiểu vùng văn hóa trong mối quan hệ thống nhất trong đa dạng, tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa Thăng Long, biến những tiềm lực văn hóa thành sức mạnh nội sinh góp phần phát triển toàn diện thủ đô.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm phát huy và khai thác năng lực và tiềm năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, tính sáng tạo của tri thức, văn nghệ sỹ, đào tạo tài năng văn hóa - nghệ thuật, đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa từ thành phố đến cơ sở, tạo cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất để có nhiều sản phẩm văn hóa - nghệ thuật chất lượng cao, phản ánh được cuộc sống chân thực và sôi động của Thủ đô, xứng tầm với vị thế của trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước, của quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của Thủ đô.
- Tạo điều kiện nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân, phấn đấu từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt các xã miền núi (huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ….), phấn đấu xây dựng các câu lạc bộ, các điểm sinh hoạt văn hóa tại các khu đô thị mới, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
- Tăng cường đầu tư kinh phí ngân sách thành phố kết hợp với mở rộng xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho sự phát triển bền vững, tăng cường mở rộng và đa dạng hóa công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, hình thành các doanh nghiệp văn hóa, xây dựng ngành công nghiệp giải trí, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, gắn kết du lịch, dịch vụ với văn hóa, tạo điều kiện để Hà Nội trở thành một trong những địa bàn phát triển các ngành dịch vụ văn hóa.
- Phục vụ cho việc hoạch định cơ chế, chính sách trong việc định hướng đầu tư cho sự phát triển toàn diện, đồng bộ và bền vững của sự nghiệp văn hóa thành phố Hà Nội hàng năm.
3. PHẠM VI XÂY DỰNG QUY HOẠCH
3.1. Phạm vi:
- Trực tiếp: Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được nghiên cứu, triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính (1/8/2008) với tổng diện tích 3.344,70 km2, tổng dân số (năm 2010) là 6.561.837 triệu người, bao gồm 29 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã (10 quận, 18 huyện, 01 thị xã), 577 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn.
- Gián tiếp:Vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng ảnh hưởng khác ở Bắc Bộ và cả nước.
3.2. Đối tượng:
- Đối tượng nội dung quy hoạch bao gồm 5 lĩnh vực văn hóa chủ yếu được xác định trong “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm:
+ Tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa.
+ Di sản văn hóa.
+ Văn học, nghệ thuật và một số chuyên ngành văn hóa.
+ Thể chế, thiết chế văn hóa.
+ Giao lưu, hợp tác quốc tế.
- Đối tượng nghiên cứu qui hoạch bao gồm 5 lĩnh vực trên thuộc UBND thành phố Hà Nội quản lý và do các bộ, ngành Trung ương, các đoàn thể, tổ chức xã hội đóng trên địa bàn Hà Nội.
3.3. Giai đoạn quy hoạch
- Giai đoạn 2010 - 2020
- Định hướng đến năm 2030
4. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG QUY HOẠCH
4.1. Phương pháp tiếp cận:
- Nghiên cứu chức năng của văn hóa (tạo ra lối sống, nhân cách; duy trì các hệ thống xã hội; bản sắc vãn hóa).
- Khảo sát các mô hình lý thuyết nghiên cứu văn hóa (cấu trúc chức năng; mâu thuẫn xã hội; sinh thái học văn hóa; địa chính trị văn hóa; tâm lý - xã hội học văn hóa).
- Khảo sát, hệ thống hóa, lựa chọn các tài liệu, số liệu liên quan đến phát triển văn hóa trong nước và Hà Nội.
- Phân biệt rõ lĩnh vực nào chỉ có thể xây dựng quy hoạch theo những định hướng lớn (tư tưởng, đạo đức, lối sống...), lĩnh vực nào quy hoạch theo những quy chuẩn kết hợp giữa định hướng với những tiêu chí, định lượng cụ thể (hệ thống thiết chế văn hóa, di sản, xây dựng các đơn vị văn hóa v. v...) để dễ thực hiện, xác định rõ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 còn thiếu những gì, cần làm thêm những gì để đạt quy hoạch.
- Đây là Quy hoạch của Hà Nội nhưng khi xây dựng, quy hoạch phân tích và đánh giá những vấn đề của văn hóa Hà Nội trong mối liên hệ chặt chẽ với những vấn đề của đất nước, hệ thống thiết chế văn hóa của quốc gia hoặc các ngành khác trên địa bàn Hà Nội để nhìn thấy sự tương tác giữa các yếu tố ấy mà đề xuất quy hoạch.
4.2. Phương pháp kỹ thuật:
- Phương pháp tiếp cận và xây dựng dự án quy hoạch.
- Phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử.
- Phương pháp tra cứu, hệ thống hóa tài liệu.
- Phương pháp hội thảo, hội nghị, xin ý kiến đóng góp của chuyên gia và các nhà quản lý, tư vấn về lĩnh vực văn hóa.
- Phương pháp điều tra xã hội học.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu, đồng quy, thống kê.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp.
- Phương pháp kết hợp giữa lý luận và các phương pháp cụ thể.
5. CĂN CỨ CHỦ YẾU XÂY DỰNG QUY HOẠCH
- Pháp lệnh Thủ đô (Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 28/12/2000);
- Nghị quyết 15/NQ - QH ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan;
- Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
- Nghị quyết 11/NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ mới;
- Nghị định 92/2006/NĐ - CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định 04/2008/NĐ - CP sửa đổi một số điều của nghị định 92/2006/NĐ – CP;
- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước thời kỳ 2011 - 2020 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua;
- Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 (Kèm theo Quyết định số 581/QĐ - TTg ngày 6/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020);
- Luật Điện ảnh (Số 62/2006/QH 11 ngày 29/6/2006) của Quốc hội;
- Luật Di sản văn hóa (Số 28/2001/QH 10) của Quốc hội và Luật Di sản văn hóa bổ sung, sửa đổi của Quốc hội năm 2009; Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật di sản văn hóa;
- Pháp lệnh thư viện (Số 31/2000/PL - UBTVQH 10, ngày 28/12/2000) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định số 10/2007/BVHTTDL ngày 04/5/2007 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về phê duyệt Quy hoạch phát triển Thư viện Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;
- Quyết định số 45/2008/QĐ - TTg ngày 28/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2010”;
- Quyết định số 271/2005/QĐ - TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đến năm 2010;
- Nghị định số 02/2009/NĐ - CP ngày 06/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng;
- Quyết định số 1081/QD - TTg ngày 6/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030;
- Quyết định số 1259/QD - TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;
- Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
- Quyết định số 222/QD - TTg ngày 22/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050;
- Thông tư 03/2009/TT - BVHTTDL ngày 28/08/2009 của Bộ VH - TT - DL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thông tư 11/2010/TT - BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ VH - TT - DL quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;
- Thông tư số 12/2010/TT - BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ VH - TT - DL quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã;
- Thông tư số 06/2011/TT - BVHTTDL ngày 08/03/2011 của Bộ VH - TT - DL quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn;
- Chương trình số 04 - Ctr/TU ngày 18/10/2011 của Thành ủy Hà Nội về phát triển VH - XH nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 – 2015;
- Các văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XI, XII, XIII, XIV, XV; Các nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển và bảo tồn văn hóa Hà Nội; chương trình 05 của Thành ủy khóa 13, chương trình 08 của Thành ủy khóa 14, chương trình 04 của Thành ủy khóa 15; nghị quyết của Hội đồng nhân dân khóa 13, 14;
- Quyết định số 5504/QĐ - UBND ngày 26/10/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ lập dự toán Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 6845/QĐ - UBND ngày 30/12/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
- Các tài liệu và số liệu sử dụng tham khảo: Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH vùng trọng điểm Bắc bộ; Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (2007); Quy hoạch vùng Thủ đô đã được phê duyệt (2008); Quy hoạch phát triển văn hóa - thông tin Hà Nội (2003); Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Tây (2007); Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam của Bộ Xây dựng; Pháp lệnh Thư viện; Một số văn bản, báo cáo tổng kết hàng năm của UBND thành phố Hà Nội, Sở VH - TT - DL Hà Nội qua các năm và các số liệu niên giám thống kê qua các năm của Cục Thống kê Hà Nội, các số liệu của các phòng chuyên môn thuộc Sở VH - TT - DL Hà Nội;
6. KẾT CẤU CỦA QUY HOẠCH
- Phần mở đầu
- Phần thứ nhất: Các yếu tố tác động đến phát triển văn hóa Hà Nội
- Phần thứ hai: Thực trạng văn hóa Hà Nội hiện nay
- Phần thứ ba: Nội dung Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- Phần thứ tư: Giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- Phần thứ năm: Kết luận và kiến nghị
- Phần phụ lục tham khảo.