1. Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị – 10 năm hình thành và phát triển.
Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định số 24/2003/QĐ - TTg ngày 12/02/2003 của Thủ tướng Chính Phủ. Nhiệm vụ chính của Sở Ngoại vụ là tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác Đối ngoại, công tác Biên giới, là đầu mối nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, kế hoạch phương hướng và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ công tác Đối ngoại địa phương phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và các thông lệ quốc tế. Trải qua hơn 10 năm thành lập và phát triển, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành tốt vai trò tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh và phối hợp với các cơ quan đối ngoại TW, các Sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức và quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn, đặc biệt trong các lĩnh vực công tác biên giới - lãnh thổ, hợp tác hữu nghị địa phương, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Trị.
Hiện nay, cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Ngoại vụ được kiện toàn với tổng số 26 cán bộ công chức, người lao động; Lãnh đạo sở gồm: Giám đốc và 02 Phó Giám đốc, Sở Ngoại vụ có Văn phòng và 04 Phòng chuyên môn: Phòng Hợp tác quốc tế, Phòng Quản lý Biên giới, Phòng Lãnh sự và Người Việt Nam ở nước ngoài, phòng Thanh tra.
2. Một số kết quả nổi bật của công tác đối ngoại trong những năm qua.
Quán triệt nội dung chỉ đạo của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng là“…đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế…”. Có thể nói, trong thời gian qua Sở Ngoại vụ đã tích cực, chủ động tham mưu, phấn đấu đưa công tác đối ngoại của tỉnh nhà từng bước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, có những bước đi vững chắc và hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Quảng Trị với bạn bè quốc tế trong những năm qua đã được mở rộng. Quảng Trị đã thiết lập quan hệ hợp tác với Đại sứ quán các nước: Mỹ, Nga, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, Thái Lan, Italia…, tăng cường quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như: Cơ quan hợp tác quốc tế JICA/Nhật bản, KOICA/Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới/WB, Ngân hàng phát triển Châu Á/ADB… tính đến nay tỉnh Quảng Trị đã có quan hệ với trên 15 đơn vị hành chính đồng cấp của nước ngoài, trên 40 tổ chức quốc tế Phi Chính phủ và Liên Chính phủ. Hàng năm, tỉnh đón tiếp và làm việc với trung bình 300 đoàn với trên 3000 lượt khách quốc tế đến thăm và làm việc. Quảng Trị là cửa ngõ hướng ra phía Đông của các tỉnh trên trục hành lang kinh tế Đông Tây/EWEC, tỉnh Quảng Trị đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương địa phương, các Bộ, ngành Trung ương nhằm khai thác hiệu quả, phát triển toàn diện và hiệu quả hơn của tuyến hành lang kinh tế quan trọng này.
Quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt với các tỉnh Savannakhet, Salavan/Lào tiếp tục được củng cố và phát triển toàn diện khắp trên nhiều lĩnh vực: y tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, khoa học công nghệ, nông nghiệp, giao thông vận tải, biên giới cắm mốc...Hàng năm, hai bên tổ chức Hội đàm, ký văn bản thỏa thuận hợp tác với các nội dung phong phú, thiết thực hỗ trợ nhau cùng phát triển. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm tỉnh Quảng Trị vẫn trích ngân sách giúp đỡ hai tỉnh bạn Lào Savannakhet và Salavan trong nổ lực cùng nhau hướng đến sự phát triển và hợp tác.
Công tác biên giới, lãnh thổ được tiếp tục củng cố, phát triển, góp phần quan trọng vun đắp cho tình hữu nghị truyền thống Việt - Lào, giữ gìn đường biên giới Việt Nam - Lào đoạn qua Quảng Trị thực sự là đường biên giới hòa bình hữu nghị. Kế hoạch tôn tạo và tăng dày mốc quốc giới Việt – Lào, đoạn đi qua tỉnh Quảng Trị đã được hoàn thành vượt mức kế hoạch do Chính phủ hai nước phê duyệt, tính đến tháng 08/2013 toàn bộ 62 vị trí mốc với 68 cột mốc trên toàn tuyến biên giới giữa Quảng Trị và hai tỉnh bạn Lào Savannakhet và Salavan đã được xây dựng thành công. Hiện nay, các cơ quan chức năng hai tỉnh đã phối hợp hoàn thiện hồ sơ pháp lý, bản đồ và bàn giao hồ sơ hệ thống mốc cho các đơn vị liên quan để tiến hành quản lý theo quy định.
Hỗ trợ phát triển chính thức/ODA giai đoạn 2006-2013, tỉnh Quảng Trị đã vận động và thu hút được 63 chương trình, dự án ODA thực hiện mới với tổng mức đầu tư là 358,63 triệu USD. Những kết quả đó đã góp phần làm tăng nguồn vốn đầu tư phát triển (chiếm khoảng 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh Quảng Trị) đồng thời đã tạo ra đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác vận động, sử dụng, quản lý nguồn viện trợ Phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh tiếp tục được chú trọng. Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2013, tỉnh Quảng Trị đã vận động viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức Quốc tế, các đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân nước ngoài giúp đỡ các chương trình, dự án nhân đạo với tổng kinh phí Tổng giá trị các dự án viện trợ vận động đã được phê duyệt là 14.173.320 USD. Các dự án NGOs đã góp phần tích cực và hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả bom mìn, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, phát triển cộng đồng...
Công tác đối ngoại Đảng, hoạt động đối ngoại nhân dân, công tác thông tin đối ngoại và người Việt Nam ở Nước ngoài tiếp tục có những chuyển biến tích cực, thu được những kết quả bước đầu quan trọng, đã tô thắm thêm bó hoa tươi thắm về những kết quả công tác đôi ngoại của tỉnh nhà từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, góp phần nâng cao hình ảnh mảnh đất và con người Quảng Trị đến với bạn bè quốc tế.
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế. Với phương châm “tích cực – chủ động – sáng tạo và hiệu quả”, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới sẽ tập trung vào các giải pháp sau.
Một là, Tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế vào điều kiện cụ thể ở địa phương, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và sự tham mưu của cơ quan đối ngoại trong các hoạt động đối ngoại.
Hai là, Chủ trì, phối hợp thực hiện công tác quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại. Mở rộng và tăng cường hiệu quả thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế cấp địa phương; Hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để phát huy hơn nữa vai trò của công tác Ngoại vụ địa phương.
Ba là, Đổi mới, nâng cao nhận thức và hành động về vai trò hợp tác quốc tế. Xác định rõ hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế là nguồn lực quan trọng cần tranh thủ để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế xã hội địa phương trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế và khu vực.
Bốn là, Kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, giữa công tác đối ngoại với công tác an ninh - quốc phòng, giữa công tác đối ngoại Đảng với Ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân tạo thành một mặt trận đối ngoại thống nhất, hiệu quả.
Năm là, Tranh thủ các nguồn lực và cơ chế, chính sách phục vụ công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên sâu về ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ làm công tác đối ngoại.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay, công tác đối ngoại luôn đan xen những thời cơ và thách thức mới. Với kiến thức, kinh nghiệm và quan hệ hợp tác hơn 10 năm qua, tập thể cán bộ công chức Sở Ngoại vụ sẽ tiếp tục phấn đấu, đồng tâm hợp lực, phát huy những thành tựu đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức tiếp tục xây dựng cơ quan Ngoại vụ địa phương ngày càng lớn mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.