Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ từ những điều giản dị nhất
Thật vậy, những cống hiến của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta là vô bờ bến. Dù năm tháng có qua đi trên mảnh đất Việt Nam thân yêu, chúng ta vẫn không thể nào quên hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta.
“Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm đủ vì sao
Đố ai đếm được công lao Bác Hồ.”
Thật vậy, những cống hiến của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta là vô bờ bến. Dù năm tháng có qua đi trên mảnh đất Việt Nam thân yêu, chúng ta vẫn không thể nào quên hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta. Người đã để lại tài sản vô giá đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Có thể nói những phẩm chất đạo đức cơ bản của người Việt Nam trong thời đại mới theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, nhưng cũng là một tấm gương đạo đức hết sức giản dị, ai cũng có thể học và làm theo để trở thành một người cách mạng, người công dân tốt. Trong những đức tính cao cả đó, tấm gương đạo đức đời sống trong sáng, nếp sống giản dị và coi khinh sự xa hoa của Người rất đáng để chúng ta khâm phục.
Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn rèn luyện mình để trở thành người có đạo đức cách mạng. Theo đó, Người đã làm giàu truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam bằng sự kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông, những tinh hoa đạo đức nhân loại; tấm gương đạo đức của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin đã nêu cho Người một mẫu mực về sự giản dị vĩ đại và sự khiêm tốn cao độ. Người đã học tập và hành động bởi các tấm gương ấy, với nếp sống giản dị, coi khinh sự xa hoa; yêu lao động, đồng cảm sâu sắc với người cùng khổ. Bác Hồ còn thường căn dặn mọi người phải biết tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bữa bãi, phô trương hình thức. Cả cuộc đời Người thanh bạch từ cách ăn, cách sống mà còn đến cả phương tiện sử dụng công việc. Điều này được thể hiện qua việc vốn là nhà ở của Bác chỉ là một ngôi nhà sàn lợp ngói, trên gác có hai phòng mỗi phòng hơn mười méc hai, thế mà Bác vẫn đề nghị đồng chí Phạm Văn Đồng sử dụng một phòng, để khỏi lãng phí. Và ngôi nhà sàn đơn sơ làm lay động trái tim nhân loại bởi trong ấy chỉ có những thứ tối thiểu cần dùng cho một người lãnh đạo : bộ bàn ghế làm việc, chiếc giường con, cái đồng hồ,…
Một biểu hiện khác chắc hẳn khi nhắc đến mọi người không khỏi cảm động đó là trong những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám (1945), Bác Hồ đã từng kêu gọi “Đất nước ta còn nghèo, dân ta còn đói khổ, đồng bào ta không phải ai cũng có cơm ăn áo mặc”. Bên cạnh đó, Bác cũng đề nghị mỗi tháng nhịn ba bữa, để giành gạo cho đồng bào nghèo và chính Bác là người tiên phong thực hiện đầu tiên điều đó. Có lần Bác đi họp về, sợ Bác đói, nhà bếp vẫn để dành cơm cho Bác, song Bác đã kiên quyết từ chối không ăn dù Bác chưa ăn gì cả. Vì hôm đó đúng bữa nhịn của Bác để góp vào hũ gạo tiết kiệm. Không chỉ giản dị trong ăn uống Bác còn giản dị trong cả ăn mặc. Bác thường cho vá lại khăn mặc, vá áo lót, vá chiếu, bộ quần áo… bị rách, đôi dép lào mòn đi vì năm tháng, thậm chí đã rách nhiều lần.
Có một nhà văn đã viết: “Một con người vĩ đại, nhiều khi vĩ đại ngay cả trong những công việc bình thường”. Khi nhắc đến đức tính giản dị của Bác Hồ không ai không nghĩ đến câu nói đó, đức tính ấy được biểu hiện ở nhiều khía cạnh từ sinh hoạt, lối sống, quan hệ với đồng chí, đồng bào, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, trong cách viết,… Điều này đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề cập đến: “…điều rất quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Bác Hồ…”. (1) Còn ngài Salvador Allende, vị Tổng thống anh hùng của nước Cộng hòa Chile có nhận định: “Nếu như muốn tìm hiểu một sự tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là đức tính vô cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường”. (2)
Con người muốn thành người, bên cạnh học vô vàn đức tính như “cần, kiệm, liêm, chính”, trung thực, nhân ái,… còn phải học thêm sự giản dị ở đời. Tấm gương sáng của Bác Hồ khiến mỗi chúng ta bỗng lớn bên Người một chút. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng như Putstin tâm niệm : “Cái vĩ đại nằm trong giản dị”. Ngợi ca tấm gương đạo đức nếp sống giản dị, coi khinh sự xa hoa của Bác Hồ, để mỗi người đảng viên, đoàn viên, hội viên Khu phố 5 học lối sống giản dị. Vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để sống giản dị?
Để sống giản dị không hề đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Trong cuộc đời, hoa còn có muôn ngàn muôn vẻ, có hoa rực rỡ trên phù sa, cũng có hoa khiêm nhường trên đá núi, con người cũng có người nghèo, người có cuộc sống đầy đủ, người chưa có được cuộc sống ấm no. Vậy nên trong chi tiêu, phải sử dụng hợp lí phù hợp với điều kiện cá nhân làm sao không rơi vào tình cảnh “bóc ngắn cắn dài” để mang tiếng đua đòi lố lăng. Mặt khác, trong những điều kiện, bối cảnh cụ thể cũng chi phối đòi hỏi mỗi người phải có sự điều chỉnh phù hợp. Không phải lúc nào chưng diện lộng lẫy cũng là sa hoa và dễ dãi xuề xòa cũng là giản dị. Trong các buổi lễ, hội nghị, buổi tiếp khách, hoặc ở cơ quan nhà nước, … cần có sự chỉn chu, gọn gàng và trang trọng. Điều đó thể hiện ý thức thái độ nghiêm túc, lòng tôn trọng người khác của mỗi con người. Với mỗi đảng viên, đoàn viên và hội viên, việc luyện tập lối sống giản dị rất quan trọng bởi từ đó chúng sẽ trở thành lối sống suốt đời hình thành nhân cách con người.
Ngày nay, trong hệ thống chính trị của chúng ta, đa số cán bộ, đảng viên vẫn giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống trong sạch, giản dị và gắn bó với nhân dân. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ thoái hoá, biến chất về đạo đức, lối sống, lợi dung chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, lãng phí của công, quan liêu, ức hiếp dân, kèn cựa, cơ hội, … gây ra những tác hại nghiêm trọng, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Theo Bác Hồ, cán bộ, đảng viên muốn cho dân tin, dân phục thì không phải cứ “viết lên trán chữ “cộng sản” mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức”. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì ?”.
Đứng trước vấn nạn đó, việc học tập thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ là một việc làm hết sức cần thiết. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và hội viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, ra sức bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cách mạng, trước hết là lối sống giản dị… Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhận thức rằng đã là con người thì phải cùng chung sống, mỗi cá nhân làm nên một tế bào của xã hội có mối quan hệ khăng khít với nhau. Vì vậy, cần quan sát điều kiện cụ thể của đất nước, của xã hội để có lối sống phù hợp. Đối với những cán bộ, công chức trẻ đang sinh hoạt tại Chi bộ Khu phố 5 hoặc đang sinh hoạt tại Chi hội Thanh niên Khu phố, cần phải gắn những lời dạy của Bác với những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Mà hệ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm: trung thực; tận tụy; khiêm nhường; sáng tạo; vị tha, nhân ái, khoan dung. Hệ chuẩn mực này nếu ứng vào từng nghề nghiệp, từng cương vị công tác, từng người, chúng ta có thể thực hiện được, tự mình đánh giá chính mình, tập thể và cộng đồng sẽ cùng phối hợp, giúp cho mỗi người và mọi người cùng tiến bộ, cùng phát triển. Thực hiện chuẩn mực đó cũng là để xây dựng đạo đức, nhân cách, xây dựng môi trường làm việc, hoạt động thực sự là môi trường văn hóa đạo đức.
Dù Bác Hồ không còn nữa thế nhưng những tư tưởng đạo đức của Người vẫn mãi soi đường cho chúng ta đi, làm trong sáng thêm lương tâm của dân tộc Việt Nam và của cả nhân loại. Xin dùng những hình ảnh thơ rất hay viết về Bác của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Bác ơi”, thay cho phần kết và bày tỏ tình cảm đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc :
“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.”
* Chú thích :
(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại , NXB Chính Trị Quốc gia , Hà Nội, năm 1970.
(2) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, NXB Sự Thật, Hà Nội, năm 1976.
Châu Tiến Lộc
(Phó Ban Tuyên giáo Quận Đoàn 2)