Đọc và suy ngẫm về giáo dục
Giáo dục mở đã tạo ra những suy nghĩ khác: Người dạy không duy nhất là giáo viên, người học không nhất thiết phải cùng độ tuổi, học liệu không hẳn là sách giáo khoa, kết quả học không chỉ là điểm số, lớp học không đồng nhất là không gian, thời gian cụ thể…
Từ “con người phát triển toàn diện” đến “phát triển toàn diện con người”
Chúng ta đang thực hiện Luật Giáo dục (2005): “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện…” thì từ “đào tạo” thường dẫn đến cách hiểu giáo dục chỉ ở phạm vi trong nhà trường trong khi để hình thành nhân cách con người, giáo dục nhà trường chỉ là một con đường, không phải là duy nhất.
Còn nhiều con đường khác: Lao động, hoạt động và giao lưu của chủ thể tiếp ứng, chuyển hóa ảnh hưởng tác động của môi trường để trưởng thành...“việc học lấy tự học làm cốt” (Hồ Chí Minh).
Đồng thời, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội cần phải được xem là thành phần hữu cơ trong quan hệ với giáo dục nhà trường. Giáo dục nhà trường cũng không phải là nhân tố duy nhất quyết định trực tiếp đến chất lượng con người.
Giáo dục là chủ đạo ở việc sử dụng những ưu điểm của di truyền, những tích cực của môi trường và tính tích cực của cá nhân để thúc đẩy phát triển con người; đồng thời khắc phục khiếm khuyết của di truyền, ngăn chặn tác động xấu của môi trường và kiềm chế những nhu cầu tiêu cực của cá nhân để giáo dục, uốn nắn con người.
Do vậy giá trị cao nhất của giáo dục trong quan hệ này là ở chỗ chủ đạo. Hiểu đúng điều này để xác nhận sự đóng góp của giáo dục đối với phát triển con người là tạo cơ hội và điều kiện là chủ yếu, thúc đẩy các nhân tố tích cực để quá trình phát triển nhân cách phải do chính con người quyết định…Từ đây, gỡ bỏ cách hiểu không đúng về trách nhiệm nhà trường là duy nhất hoặc giáo dục là “vạn năng” đối với sự phát triển của trẻ.
Nếu thay đổi (dự thảo 7/2018): “Mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện con người…” sẽ được hiểu là định hướng rộng về phương thức, tạo điều kiện, xác định rõ mục tiêu “phát triển toàn diện con người”. Đây là tư tưởng khai phóng, tự do và dân chủ, khác với mục tiêu “con người Việt Nam phát triển toàn diện” chỉ thể hiện sự kì vọng không dễ thực hiện.
Từ mục tiêu này, đã có thể thể hiện đầy đủ hơn về ý tưởng giáo dục mới, logic với với vế sau: “...Phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân...”; đồng thời giáo dục ở đây được hiểu rộng hơn, hàm chứa tư tưởng tạo điều kiện (tự học) để con người phát triển hơn là phạm vi hẹp trong chương trình đào tạo của nhà trường. Trong Thư gửi cho học sinh (5/9/1945) Bác Hồ viết: “…Một nền GD làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Tư tưởng của Bác Hồ đã đặt nền tảng để chúng ta xây dựng nền giáo dục dân chủ, khai phóng, sáng tạo trên nền tảng giáo dục mở.
Giáo dục mở trước hết xuất phát từ con người, cho con người và vì con người (tư tưởng nhân văn); đảm bảo cho tư tưởng khai phóng (tự do cá nhân); mở là coi trọng thực tiễn (thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí); mở là tạo không gian và thời gian, điều kiện để chủ thể chủ động, tích cực tham gia.