A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuốn truyện tranh đặc biệt “Gạc Ma và những người anh hùng”

Nét vẽ chưa thật đẹp, những mảng màu chưa thực sự hoàn thiện nhưng cuốn truyện đã truyền tải một cách chân thực, sinh động về cuộc chiến giữ đảo của những người lính biển 30 năm về trước. Đó là cách mà hai nữ sinh Quảng Trị giúp các bạn trẻ hiểu, yêu và có trách nhiệm hơn với biển đảo quê hương.

Việc làm sao để tất cả các bạn trẻ đều biết và hiểu cặn kẽ về sự kiện hải chiến Gạc Ma (14/3/1988) được Nguyễn Diệu Huyền (học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Đông Hà, Quảng Trị) trăn trở trong một thời gian dài.

“Trong trận chiến cách đây tròn 30 năm, 64 người con ưu tú của lực lượng Hải quân Việt Nam, những người con ưu tú, quả cảm của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ đảo. Một sự kiện lịch sử bi hùng trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta không thể để lãng quên, nhất là đối với các bạn trẻ.

gac-ma-tac-gia-1520924049103375424868.jpg

Nguyễn Diệu Huyền và Mai Ngọc Như (Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Đông Hà, Quảng Trị) tại gian trưng bày dự án của mình trong Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Bắc.

Lịch sử không hẳn là chỉ những dòng chữ, những con số khô khan. Lịch sử sẽ đọng mãi trong tâm trí mỗi người nếu được thể hiện bằng một cách sinh động hơn. Sau nhiều thời gian suy nghĩ, em quyết định chuyển thể câu chuyện bi tráng giữ đảo của những chiến sĩ Gạc Ma năm xưa thành truyện tranh”, Diệu Huyền tâm sự.

gac-ma-sach-1520924049083771694853.jpg

Sau gần 7 tháng, cuốn truyện tranh "Gạc Ma và những người anh hùng" của hai nữ sinh Quảng Trị được hoàn thành. Đây được kì vọng sẽ là tư liệu lịch sự trực quan, sinh động và hấp dẫn các bạn nhỏ, qua đó giáo dục, bồi đắp tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc cho thế hệ trẻ.

 

Ý tưởng này của Huyền nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cô bạn cùng trường Mai Ngọc Như và cô giáo Trần Thị Thanh Ước.

Ngoài việc thu thập tư liệu trong sách, khai thác trên Internet, Huyền và Như tìm đến tận nhà cựu chiến binh Trần Thiên Phụng - một nhân chứng lịch sử của sự kiện hải chiến Gạc Ma năm xưa để trực tiếp nghe bác kể về thời khắc bi tráng đó. Khi tư liệu đã được sưu tầm, thẩm định chính xác nhất, hai nữ sinh bắt tay vào chuyển thể thành truyện tranh.

Nếu như Huyền có thế mạnh về việc lên ý tưởng, sắp đặt kết cấu của câu chuyện lịch sử thì Mai Ngọc Như lại có năng khiếu về hội họa dù chưa học qua bất kỳ trường lớp nào.

“Cái khó nhất trong việc thể hiện một sự kiện lịch sử bằng truyện tranh là bối cảnh. Em chưa từng ra đến Trường Sa, chưa từng đặt chân đến đảo Gạc Ma nên phải tìm các tư liệu hình ảnh về sự kiện này và tưởng tượng ra bối cảnh để vẽ. Em lựa chọn phong cách truyện tranh Manga - một thể loại truyện tranh khá quen thuộc với các bạn học sinh để thể hiện”, Ngọc Như chia sẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Tháng trước : 16