Lao động đón Tết bằng tiền trợ cấp thất nghiệp


Không những không có thưởng Tết, nhiều lao động đang thấp thỏm đón Tết bằng tiền trợ cấp thất nghiệp.

Vừa bước ra từ Trung tâm dịch vụ việc làm (215 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội), anh Trần Anh Tiến (29 tuổi) cho biết, đây là lần thứ 3 trong năm, anh đi nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp.

Là hướng dẫn viên du lịch, công việc của anh Tiến luôn bận rộn với những chuyến đi. Vào tháng 2/2020, sau lần đi tour từ Quảng Bình trở về, công ty anh thông báo tạm dừng hoạt động do tháng mới không có một chuyến nào.

"Gần 2 tháng sau đó, tôi chỉ ngồi chơi và hy vọng bệnh dịch sẽ chấm dứt.  Nhưng mọi thứ không như mình nghĩ. Dịch được khống chế nhưng mình chưa cho khách quốc tế vào nên cuối cùng công ty buộc đóng cửa. Hôm lên công ty dọn đồ, mấy anh, em chỉ biết nhìn nhau cười trừ, rồi động viên cố gắng qua mùa dịch", anh Tiến kể lại.

Lao động đón Tết bằng tiền trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 1.

Ông Chính thấp thỏng chờ việc trong nhiều tháng qua.

Những ngày sau đó, anh Tiến chuyển sang làm telesale (bán hàng qua điện thoại) cho một công ty bất động sản. Làm được hơn 1 tháng, anh xin nghỉ vì mức lương thấp chưa đầy 4 triệu đồng/tháng, không đủ nuôi vợ, con.

"Suốt hơn nửa năm nay, tôi đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Thu nhập có ổn hơn nhưng công việc vất vả. Lắm lúc đêm hôm còn lọ mọ chạy xe kiếm từng đồng. Về nhà lúc vợ con đã đi ngủ mà lòng không nói lên lời", anh Tiến tâm sự.

Tháng cuối năm, anh cầm cuốn sổ bảo hiểm thất nghiệp đi rút tiền trợ cấp, cả thảy được hơn 6 triệu đồng. "Từ giờ đến Tết, tôi nghĩ chắc cũng không xin được việc nữa nên sau khi nhận trợ cấp xong, tôi và gia đình sẽ bắt xe về Hòa Bình. Năm nay là một năm chẳng thể nào nói hết nỗi khó khăn, chỉ mong mọi thứ sang năm ổn hơn", anh Tiến nói.

Ông Phạm Văn Chính (55 tuổi, Hà Nam) cũng đã hơn 8 tháng thất nghiệp. Hơn 5 năm làm bảo vệ cho một khách sạn, đây là lần đầu tiên ông nghỉ việc lâu như vậy. Sau đợt khách sạn cắt giảm lao động hàng loạt từ hồi tháng 5/2020, quản lý hứa sẽ gọi ông quay trở lại làm việc.

"Từ ngày đó, tháng nào tôi cũng nhắn tin hỏi về tình hình công việc, nhưng quản lý chỉ bảo "bác cừ chờ", bao giờ có sẽ gọi. Tôi chờ mãi vẫn không thấy gì. Vợ tôi bị hen suyễn nên hàng tháng đều mất tiền thuốc thang. Quanh quẩn gần cả năm ở nhà nên tôi rất suốt ruột", ông Chính nói.

Lao động đón Tết bằng tiền trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 2.

Vừa mới sinh con, chị Hương đối diện với cảnh mất việc.

Như mọi năm vào tầm này, ông đã bắt đầu được nhận tiền thưởng Tết gửi về cho vợ để sắm Tết. Nhưng năm nay, tiền lương ông còn không có, chứ chưa màng đến thưởng. Nghe bạn bè tư vấn, hợp đồng lao động của ông được đóng chế độ bảo hiểm đầy đủ, có thể nhận tiền trợ cấp. Vào cuối tháng 12/2020, ông phóng xe lên công ty xin ký kết thúc hợp đồng và rút sổ bảo hiểm.

Từ sáng sớm, phải chạy đi, chạy lại mấy lần, ông mới hoàn thành đủ giấy tờ phía Trung tâm dịch vụ việc làm yêu cầu. "Tết này, hai vợ chồng chỉ biết trông chờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp 3 triệu đồng. Gia đình được đứa con gái, nhưng lấy chồng xa nên cũng không trông mong gì", ông Chính rầu rĩ nói và cho biết: Lo nhất sang năm mới không biết mình có được gọi đi làm lại?

14h30 phút chiều ngày 29/1, màn hình hiện số 1035, chị Lê Thị Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhanh tay bế con đi vội về phía ô cửa làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp. Một tay bế con, một tay khác chị ghì vào tờ giấy A4, khai thông tin.

Vừa mới đi làm lại sau khi sinh đứa thứ hai, thì dịch COVID-19 ập xuống. "Ban đầu, công ty chỉ cắt giảm giờ làm, nhưng sau đó nguyên liệu nhập không đủ sản xuất, công ty giảm hàng loạt nhân sự. Số đen là mình cũng trong diện đó. Bao nhiêu khoản chi tiêu mới phát sinh, có việc làm còn không lo đủ, mất việc hai vợ chồng không biết nhìn vào đâu", chị nói.

Những ngày sau đó, chị Hương thấp thỏm không yên phải ra chợ nhập ít rau bán, kiếm đồng ra, đồng vào. Đầu tháng trước, con chị ốm phải đi khám tốn hết gần 2 triệu đồng tiền thuốc. Suốt quãng đường về, chị càu nhàu với chồng vì không mang đủ tiền, phải nhờ em họ đến hỗ trợ.

"Năm nay thất nghiệp, gia đình xác định không ăn Tết gì nữa rồi. Biết lúc khó khăn, anh em cũng hứa người cho cân thịt, người cho lạng giò…Có gì mình ăn từng ấy", giọng chị nghẹn ngào nói. Chị khoe số tiền 3,8 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp vừa nhận được và bảo "từ giờ đến ra Giêng, cả 4 miệng ăn chỉ có từng này thôi".

Dù ngày làm việc cuối cùng trong tuần nhưng theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, số người đến các trung tâm dịch vụ việc làm để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp khá đông.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến hết năm 2020, số người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp ước đạt khoảng 1,03 triệu, tăng 24% so cùng kỳ năm 2019; số tiền chi trả ước khoảng 16.000 tỉ đồng, tăng khoảng 33% so cùng kỳ; trong khi đó hỗ trợ học nghề giảm 50% so cùng kỳ năm 2019, chỉ khoảng 21.000 người.

Bài liên quan

CPI tháng 1 tăng thấp nhất trong 5 năm

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2021 là tháng giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, do vậy nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình tăng; Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là ...

Danisa mang Tết tri ân đến với mọi nhà

Tết là dịp ý nghĩa nhất để bày tỏ lòng biết ơn với người đã đồng hành cùng ta trong suốt một năm qua. Để lan toả vẻ đẹp của lòng tri ân, năm nay Danisa tiếp tục mang Tết tri ân đến với mọi người bằng nhiều cách thức khác nhau.

Miền Bắc rét đậm, nhiều nơi có mưa

Không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh thành tại miền Bắc, trời chuyển rét đậm với nền nhiệt trong khoảng từ 11-15 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ C. Thủ đô Hà Nội được dự báo ở mức 12-15 độ C.
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội