A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tăng trưởng ngành du lịch cần sự nỗ lực lớn của doanh nghiệp lữ hành

Hội nghị doanh nghiệp lữ hành diễn ra tại Hà Nội Báo cáo thống kê của Tổng cục Du lịch, 9 tháng 2017, tốc độ tăng trưởng lượng khách d[...]

Hội nghị doanh nghiệp lữ hành diễn ra tại Hà Nội

Báo cáo thống kê của Tổng cục Du lịch, 9 tháng 2017, tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so với cùng kỳ 2016. Theo đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã liên tục tăng trưởng, ước đạt 9,45 triệu lượt, tăng 28,4% so với cùng kỳ 2016.  Hầu hết các thị trường du lịch trọng điểm đều có lượng khách tăng, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Hồng Kông, Tây Ban Nha, Philipin, Đài Loan… Riêng khách du lịch nội địa đạt 57,9 triệu lượt khách, trong đó có 27,8 triệu lượt khách lưu trú, tổng thu từ khách du lịch đạt 376 nghìn tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Góp phần cho sự tăng trưởng khách toàn ngành thời gian qua, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đó là nhờ sự đóng góp và nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp lữ hành trong vai trò kết nối, đưa khách du lịch đến với Việt Nam. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu lữ hành mạnh, có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường thế giới.

Thống kê mới nhất, đến tháng 9/2017, cả nước có 1.780 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước, 560 doanh nghiệp cổ phần, 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1.192 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, hiện cả nước có hơn 19 nghìn hướng dẫn viên du  lịch đã được cấp thẻ, trong đó có gần 8.000 hướng dẫn viên quốc tế .

Tuy nhiên, hoạt động lữ hành còn tồn tại khá nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến môi trường, sức hấp dẫn và thương hiệu của du lịch Việt Nam, như: hiện tượng thao túng thị trường của một số công ty lữ hành nước ngoài; cạnh tranh không lành mạnh; tính liên kết yếu; tình trạng thiếu hướng dẫn viên tại các điểm đến; vấn đề ứng xử với thị trường khách du lịch lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc…

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đã thổi luồng sinh khí mới có tính đột phá, mang lại niềm tin, kỳ vọng cho ngành du lịch. Cùng với đó là Luật Du lịch được Quốc hội thông qua đã tạo tiền đề cho ngành du lịch phát triển, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của kinh tế đất nước.

Đặc biệt, theo ông Tuấn, thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ liên tục biểu dương sự tăng trưởng của ngành du lịch, và khuyến khích ngành du lịch đạt mục tiêu tăng trưởng 30% năm nay cho thấy sự quan tâm rất lớn đối với ngành.  “Năm 2017, chỉ tiêu tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là 6,7%, nếu du lịch tăng 13% sẽ đóng góp 1% trong tỷ lệ tăng trưởng đó. Vì vậy, trong bối cảnh áp lực hiện nay, với thời gian còn rất ít của năm 2017 để đạt chỉ tiêu đề ra là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi sự bứt phá rất lớn của ngành, đặc biệt là cần sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp lữ hành”- ông Tuấn nhấn mạnh.

Để duy trì tốc độ phát triển của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, đạt mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đã giao cho ngành du lịch, đồng thời tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Theo đó, ngành du lịch đã đưa ra những giải pháp: nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên; đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý điểm đến, phát triển sản phẩm; phối hợp liên ngành trong quản lý kinh doanh lữ hành…

Ngoài ra, ngành du lịch đã có kiến nghị và đề xuất với Chính phủ, đó là: chỉ đạo các hãng hàng không, các cảng hàng không tạo điều kiện tăng cường kết nối cho các chuyến bay thẳng đưa khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường; tiếp tục xem xét mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực đơn phương và mở rộng cấp thị thực điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam…

 

Hoa Quỳnh – Theo Báo Công Thương Điện Tử

Từ khóa:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết