• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hợp tác Mekong - Nhật Bản được nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược

Sáng 9-10, tại Tokyo (Nhật Bản) đã diễn ra Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10, với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Lào, Cố vấn Nhà nước Myanmar, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Nhật Bản, Thái Lan và Cố vấn Nhà nước Myanmar tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản

Tại hội nghị, các lãnh đạo đã rà soát tình hình hợp tác thời gian qua; thảo luận các phương hướng lớn của hợp tác giai đoạn mới cũng như trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực.

Nâng cấp hợp tác Mekong-Nhật Bản lên quan hệ Đối tác chiến lược

Các nhà lãnh đạo ghi nhận, sau 10 năm hình thành, hợp tác Mekong-Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu theo định hướng được đề ra là xây dựng một tiểu vùng hòa bình và ổn định lâu dài; phát triển kinh tế, đóng góp tích cực cho hội nhập ASEAN; phát triển bền vững thông qua cơ chế họp cấp cao định kỳ, trao đổi về hợp tác ở các cấp và thực hiện các dự án cụ thể trong các lĩnh vực chuyên ngành cho từng giai đoạn theo các chiến lược 3 năm.

Về chiến lược Tokyo 2015 cho giai đoạn 2016-2018, các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc triển khai hàng trăm dự án trong nhiều lĩnh vực, giúp cải thiện kết nối cơ sở hạ tầng, thúc đẩy gắn kết kinh tế-công nghiệp và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và khu vực Mekong.

Các lãnh đạo đã quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên quan hệ Đối tác chiến lược. Theo đó, phương hướng hợp tác trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính.

Thứ nhất là kết nối sống động và hiệu quả: Tiếp tục xây dựng hạ tầng, tích cực triển khai sáng kiến “Tầm nhìn công nghiệp Mekong 2.0” và “Quan hệ đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng”, trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, kinh tế số.

Hai là xã hội lấy người dân làm trung tâm, với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp, kinh doanh quốc tế, trí tuệ nhân tạo, tài chính, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm; hợp tác y tế, giáo dục, tư pháp. 

Ba là hiện thực hóa một Mekong xanh, với các nội dung chính gồm tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là Ủy hội sông Mekong về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong; ứng phó biến đổi khí hậu; hợp tác về cắt giảm, xử lý và tái chế chất thải; bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn lợi thủy sản.

Việt Nam đề xuất xây dựng Mạng lưới sáng tạo Mekong-Nhật Bản

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò và đóng góp của hợp tác Mekong-Nhật Bản đối với thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển khu vực. Các dự án hợp tác Mekong-Nhật Bản đã giúp đem lại sự thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường tại các nước Mekong. Thủ tướng cũng khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác thành công hơn nữa.

Về phương hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật một số ưu tiên bao gồm:  Thúc đẩy kết nối giao thông và năng lượng nội khối; Cải thiện kết nối hạ tầng mềm, ưu tiên xây dựng và thực hiện các hiệp định, cơ chế phối hợp về tạo thuận lợi cho giao thông, thương mại và kết nối số giữa các nước thành viên. Thúc đẩy kết nối công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất nghiên cứu và xây dựng Mạng lưới sáng tạo Mekong-Nhật Bản nhằm tăng cường liên kết, trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu, phát minh sáng chế, trung tâm khởi nghiệp của Nhật Bản và các nước Mekong. Các đề xuất của Thủ tướng đã được hội nghị đánh giá cao và phản ánh trong các văn kiện của hội nghị.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác giai đoạn 2019-2021 cùng 3 phụ lục danh sách các dự án phối hợp giữa hợp tác Mekong-Nhật Bản với các chương trình/khuôn khổ hợp tác phát triển toàn cầu và khu vực. 

Trưa 9-10, tại Nhà khách Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng các nước Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan và Cố vấn Nhà nước Myanmar đã có cuộc họp báo chung sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản. Phát biểu tại họp báo, các nhà lãnh đạo đều cho rằng, Hội nghị đạt kết quả tốt đẹp với việc thông qua Chiến lược Tokyo 2018 gồm 3 trụ cột là kết nối linh hoạt và hiệu quả; xã hội lấy người dân làm trung tâm; hiện thực hóa mục tiêu Mekong xanh. Lãnh đạo 6 nước (5 nước Mekong và Nhật Bản) đều khẳng định quyết tâm chung cùng nhau triển khai hiệu quả các chương trình dự án trên cả 3 trụ cột hợp tác.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...