Những người bình dị, nhiệt huyết, trách nhiệm, vì dân phục vụ
Đã gần 20 năm kể từ khi xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội có khu công nghiệp nhỏ và vừa đầu tiên, giờ đây ở An Khánh là những chung cư hiện đại, biệt thự sang trọng. Trên đà đổi mới và “thay da đổi thịt” đó, lực lượng công an xã địa phương vẫn bám chặt địa bàn và không lúc nào vơi đi nhiệt huyết với công việc.
Lực lượng CAX An Khánh thường xuyên trao đổi nắm tình hình với lực lượng bảo vệ các khu đô thị
Từ quê nghèo thành phố thị
Xã An Khánh nằm ở phía Nam huyện Hoài Đức, 20 năm về trước là một làng quê thuần nông với nghề phụ đan mành tre. Như một giấc mơ đổi đời có thực của người nông dân, An Khánh được chọn triển khai nhiều dự án xây dựng và đã hình thành những khu đô thị mới. Đất nông nghiệp của nhân dân 4 thôn An Thọ, Phú Vinh, Vân Lũng, Yên Lũng đã được thu hồi, phục vụ cho các dự án. Đời sống người dân ngày càng khấm khá lên. Giờ đây, người An Khánh có quyền tự hào vì sau gần 20 năm thay da đổi thịt, An Khánh đã là xã có lợi thế nhất của huyện Hoài Đức khi nằm tại vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô, có trục đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long và tỉnh lộ 432 đi qua.
Xã An Khánh có diện tích tự nhiên là 8,3 ha, được chia thành 7 thôn. Nhờ yếu tố thuận lợi về địa lý, An Khánh đã có những bước chuyển đổi tích cực, nâng cao mức sống của người dân. Từ một xã thuần nông, cơ cấu kinh tế của xã đã chuyển dần sang công nghiệp và thương nghiệp. Ngoài nghề truyền thống là đan mành tre mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân thì trong vài năm gần đây, khu công nghiệp An Khánh đã tạo ra một nguồn thu nhập lớn cho người dân trong xã cũng như các địa phương lân cận.
Ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng CAX An Khánh chia sẻ, từ xã nghèo lên phố thị vui bao nhiêu thì lo bấy nhiêu. Hàng chục tòa nhà chung cư, các khu biệt thự mọc lên. Khu đô thị An Khánh gần bằng diện tích của quận Cầu Giấy. Dân số cơ học tăng lên một cách chóng mặt, người tứ xứ đến định cư tại An Khánh. Trường học không đáp ứng kịp nhu cầu của những cư dân mới. Kéo theo đó là sự phức tạp của tình hình ANTT. Không chỉ có mâu thuẫn giữa hàng xóm láng giềng như cái thời làng thuần nông mà giờ đây là phạm pháp hình sự với những vụ trộm cắp, cướp giật gia tăng. “Mới chỉ vài ngày trước đây thôi, do mâu thuẫn trong sử dụng hồ điều hòa trong khu đô thị, hàng trăm người dân đã gây áp lực bằng cách thả cần xuống... câu cá gây mất ANTT. Chúng tôi bằng hiểu biết pháp luật và trách nhiệm với công việc đã phân tích để người dân hiểu và không tập trung câu cá, chờ sự thỏa thuận của các bên” - ông Hùng kể.
Công an xã làm nhiệm vụ của Công an phường
Diện tích rộng, có những thôn bằng diện tích của 1 xã trong huyện nhưng lực lượng CAX của An Khánh chỉ vỏn vẹn có 23 người kể cả Trưởng, Phó CAX. Với một địa bàn rộng, phức tạp như ở An Khánh, CAX ở đây phải trực 24/24h tại trụ sở, kịp thời giải quyết ngay những vụ việc phức tạp.
Ngay từ khi chung cư đầu tiên đón người dân về ở trên địa bàn xã An Khánh, lực lượng CAX đã nhìn thấy được sự phức tạp trong quá trình quản lý về ANTT ở thì tương lai. Một sáng kiến đã được triển khai. Đó là biểu mẫu kê khai người dân lưu trú được phát tới từng khu chung cư. Bất cứ ai chuyển vào đều phải khai vào biểu mẫu, rồi sau đó khi ổn định cuộc sống có thể đến khai báo tạm trú tại trụ sở CAX theo quy định. Việc làm đơn giản ấy đã giúp lực lượng CAX An Khánh đánh giá được bước đầu quy mô dân số, ngăn chặn những đối tượng phạm pháp hình sự lọt vào địa bàn.
“Áp lực công việc càng ngày càng gia tăng, nhất là khi CAQ Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm được thành lập, lực lượng Công an chính quy được triển khai tại 2 địa bàn thì các đối tượng liền trốn tránh đến những địa bàn giáp ranh như An Khánh để lợi dụng ẩn nấp chờ thời cơ hành động” - Trưởng CAX Hoàng Văn Hùng phân tích. Vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm ở An Khánh xảy ra khoảng 50 vụ phạm pháp hình sự và chiếm 60% trong số này là trộm cắp tài sản. Vì thế, lực lượng CAX càng phải tăng cường lực lượng tuần tra, phối hợp với bảo vệ các khu đô thị để giảm phạm pháp hình sự.
“Cũng may mắn cho lực lượng CAX An Khánh nhiều năm qua đã có sự hỗ trợ của lực lượng Đồn Công an số 7, CAH Hoài Đức vì trụ sở Đồn nằm ngay trên địa bàn xã. Những ca tuần tra đêm, những chuyên đề phòng chống trộm cắp và các biện pháp nghiệp vụ trong khi thực hiện nhiệm vụ được các anh hướng dẫn tận tình. Vì thế chúng tôi cũng tự tin và trưởng thành hơn” - ông Hùng cho biết.
Cái khó nhất của CAX quản lý khu đô thị như ở An Khánh đó chính là con người. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, phải mất hàng năm mới nắm hết được số hộ, số người trong khu chung cư cao tầng thì đã thêm những tòa nhà mới mọc lên liên tiếp. Trong khi đó, ngoài số 23 người theo biên chế được phụ cấp 1,1 triệu đồng/tháng, một số công an viên cũng được xã tuyển thêm để hỗ trợ nhưng không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Cuộc sống khó khăn, đất ruộng không còn, làng nghề cũng mất, mỗi năm lại vài người xin thôi không làm công an xã.
Giữ nhiệt huyết để làm tròn nhiệm vụ
Ở thời điểm này, thông tin huyện Hoài Đức sẽ được điều chỉnh thành quận Hoài Đức đã râm ran khắp đầu làng cuối ngõ. Nếu như Hoài Đức thành quận thì xã An Khánh sẽ thành phường, rồi lực lượng công an chính quy sẽ được triển khai về đây như “người hàng xóm Nam Từ Liêm” và danh xưng CAX An Khánh cũng chỉ còn là trong hoài niệm.
“Gắn bó với nghề CAX cũng đã nhiều năm, chúng tôi cũng yêu nghề, yêu cái sự vất vả sớm khuya vì bình yên của nhân dân lắm chứ. Nên nếu bị giải tán, chúng tôi cũng có những tâm tư rất riêng. Nhưng trong mỗi cuộc giao ban hàng tuần, chỉ huy CAX đều nhắc các công an viên, dù cho đến phút cuối cùng mang danh xưng công an xã, hãy cố gắng giữ nhiệt huyết để làm tròn nhiệm vụ” - Trưởng CAX Hoàng Văn Hùng bày tỏ.
Với sự tham mưu, giúp sức đắc lực của lực lượng Đồn Công an số 7, những chuyên đề phòng chống tội phạm trộm cắp tài sản vẫn được triển khai thường xuyên. Trước tình hình trộm cắp xe máy gia tăng, ngoài việc tuyên truyền đến người dân, lực lượng CAX đã mua hàng nghìn tem chống trộm dán vào xe máy để người dân nâng cao ý thức cảnh giác. CAX An Khánh cũng có sáng kiến đột phá trong cải cách hành chính trong công tác quản lý cư trú như trực tại trụ sở từ 20h đến 22h để người dân đến đăng ký tạm trú, qua đó, giúp người dân mới chuyển đến cảm thấy yên tâm hơn khi tiếp xúc với lực lượng CAX. Cùng với đó, lực lượng CAX An Khánh đã tham mưu cho UBND xã đề nghị huyện cho thành lập tổ dân phố ở các khu chung cư, hình thành các tổ chức chính trị, xã hội như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ để hỗ trợ cùng chính quyền, nhất là lực lượng công an trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Bước ra từ ruộng lúa, những người CAX An Khánh hôm nay đang cố gắng trau dồi thêm kiến thức nghiệp vụ pháp luật. Dù cuộc sống còn nhiều bộn bề, khó khăn, nhưng họ đã gạt sang một bên, làm công việc “vác tù và hàng tổng” chỉ vì một mục tiêu đơn giản nhất nhưng khó thực hiện nhất - vì cuộc sống bình yên, an toàn của người dân.
Cái khó nhất của Công an xã quản lý khu đô thị như ở An Khánh đó chính là con người. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, phải mất hàng năm mới nắm hết được số hộ, số người trong khu chung cư cao tầng thì đã thêm những tòa nhà mới mọc lên liên tiếp. Trong khi đó, ngoài số 23 người theo biên chế được phụ cấp 1,1 triệu đồng/tháng, một số công an viên cũng được xã tuyển thêm để hỗ trợ nhưng không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Cuộc sống khó khăn, đất ruộng không còn, làng nghề cũng mất, mỗi năm lại vài người xin thôi không làm công an xã.