Nghệ An: Nông dân Nam Đàn tăng thu nhập nhờ được mùa hồng
Vào thời điểm này, về xã Nam Anh (Nam Đàn, Nghệ An), những vườn hồng dưới chân núi Đại Huệ đã chín vàng óng, trĩu cành. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân xã Nam Anh đang tất bật thu hoạch hồng để đưa đi tiêu thụ với niềm vui được mùa, được giá.
Mùa hồng Nam Anh, sản vật nổi tiếng của vùng đất bán sơn địa |
Tận mắt chứng kiến vườn hồng của ông Nguyễn Văn Minh tại xóm 8, xã Nam Anh mới thấy được niềm vui, sự tất bật của người trồng hồng khi đang vào mùa vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Minh cho biết, gia đình ông trồng hơn 20 gốc hồng, năm nay thời tiết thuận lợi nên cây nào cũng sai trĩu quả. Với giá bán từ 16.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại, thu nhập của gia đình ông từ vụ hồng này khoảng 40 triệu đồng; trong khi chi phí bỏ ra rất thấp, chỉ khoảng 1 - 2 triệu đồng để mua phân lân bón gốc. Mùa hồng năm nay được mùa, được giá nên gia đình rất phấn khởi.
Cùng chung tâm trạng với ông Nguyễn Văn Minh, bà Bùi Thị Thơm, xóm 8, xã Nam Anh vui mừng chia sẻ, hồng Nam Anh nổi tiếng thơm ngon nên các thương lái tìm tới tận vườn thu mua để bán cho các huyện phụ cận và các tỉnh, thành phía Bắc. Năm nay, gia đình bà có hơn 15 gốc hồng lâu năm. Trừ chi phí, gia đình bà có thu nhập trên 30 triệu đồng.
Hồng không hạt tại xã Nam Anh gồm các loại như hồng trứng, hồng cậy và hồng gáo. Loại nào cũng vàng ươm, có vị ngọt dịu, giòn, thơm, giàu dinh dưỡng và đặc biệt không sử dụng hóa chất bảo quản, là đặc sản của xã Nam Anh từ nhiều năm nay. Hồng xã Nam Anh sau khi được các thương lái thu mua số lượng lớn, tùy từng loại rồi được ủ khô hoặc ngâm trong nước để làm chín. Hồng ủ thì chín mềm, chuyển màu đỏ thắm, còn hồng ngâm thì giòn và vẫn giữ màu vàng tươi.
Hồng giòn ở Nam Anh màu vàng tươi, vị ngọt dịu, giòn, thơm, nhiều đường cát, giàu dinh dưỡng được nhiều người tiêu dùng biết đến |
Hiện, xã Nam Anh có gần 1.000 hộ trồng hồng không hạt với diện tích gần 100ha, tập trung ở các xóm 5, xóm 6, xóm 7, xóm 8 và xóm 9. Đây là một trong những cây trồng chủ lực tại xã Nam Anh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của người dân từ nhiều năm nay. Trung bình mỗi cây hồng tốt sẽ cho sản lượng khoảng 1,5 - 2 tạ quả. Do đó, các gia đình trồng hồng thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng/mùa, những gia đình trồng nhiều có thu nhập trên 50 triệu đồng/mùa.
Theo nhiều người dân trồng hồng lâu năm tại xã Nam Anh, cây hồng được trồng ở vùng đồi núi Đại Huệ, tại xã Nam Anh từ hàng trăm năm trước, hiện có nhiều cây hồng cổ thụ cả trăm năm tuổi. Đây là loại cây bản địa, có nguồn gốc gen quý hiếm, phù hợp với đặc thù về địa lý, sinh thái và thổ nhưỡng dưới chân núi Đại Huệ nên thường cho sản lượng cao. So với một số loại cây trồng khác, cây hồng ít phải chăm sóc, một năm chỉ bón phân một lần, tuổi thọ cao, thân cành dẻo nên chống chọi được với mưa bão.
Ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh - cho biết, mùa hồng năm nay được đánh giá là được mùa, được giá nên xã Nam Anh cung cấp cho thị trường khoảng từ 300 - 500 tấn quả, đem lại thu nhập cho người dân từ 5 - 7 tỷ đồng. Đây là cây trồng đặc sản của địa phương, nức tiếng trong vùng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, có một thực tế, dù là cây ăn quả được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại thu nhập cao cho các hộ trồng, song việc quảng bá thương hiệu hồng Nam Anh vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, nhiều cây hồng có tuổi đời cả trăm năm tuổi là nguồn gen quý hiếm song đang có nguy cơ bị mai một. Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế từ việc trồng hồng không hạt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, xã Nam Anh đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa. Chính quyền địa phương cũng đang tăng cường quảng bá thương hiệu hồng Nam Anh đến người tiêu dùng khắp cả nước. Đặc biệt, đầu năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Nghệ An cũng đã có quyết định phục tráng giống hồng Nam Anh, nhằm bảo tồn nguồn gốc và giống gen quý hiếm.