Pháp đề xuất dự luật phòng trường hợp EU không đạt thỏa thuận với Anh
Bộ trưởng Châu Âu của Pháp, bà Nathalie Loiseau ngày 3/10 cho biết Chính phủ Pháp đã đề xuất một dự luật nhằm chuẩn bị cho trường hợp Brexit xảy ra mà Liên minh châu Âu (EU) vẫn không đạt thỏa thuận với Anh.
Bộ trưởng Châu Âu của Pháp, bà Nathalie Loiseau ngày 3/10 cho biết Chính phủ Pháp đã đề xuất một dự luật nhằm chuẩn bị cho trường hợp Brexit xảy ra mà Liên minh châu Âu (EU) vẫn không đạt thỏa thuận với Anh.
Bộ trưởng Châu Âu của Pháp, Nathalie Loiseau. Ảnh: albawaba.com
Dự luật trên đề cập đến những việc sẽ xảy ra với công dân Pháp đang sống tại Anh và ngược lại trong trường hợp Anh rời đi mà không đạt một thỏa thuận "ly hôn", cũng như các doanh nghiệp đang làm việc tại Eo biển Manche sẽ tiếp tục vận hành như thế nào.
Văn bản này cũng muốn bảo vệ quyền của người Pháp từ Anh trở về, bằng cách công nhận thời gian đã đóng bảo hiểm hưu trí ở Anh, hoặc công nhận các loại bằng cấp mà họ đã đạt được. Dự luật cũng sẽ bao gồm các biện pháp về di chuyển của người và hàng hóa giữa hai nước (vốn là một vấn đề đang rất bất đồng giữa London và Brussels), bao gồm các thỏa thuận thuế xuất và nhập khẩu.
Giải thích sự cần thiết của dự luật trên, Bộ trưởng Loiseau nêu rõ: "Chúng ta phải chắc chắn rằng nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào ngày 30/3/2019, người Anh sống tại Pháp sẽ không bỗng nhiên thấy mình trở thành người nhập cư trái phép". Nếu không có một đạo luật khẩn cấp, hệ thống đường sắt Eurostar cũng không thể vận hành bởi các lái tàu sẽ cần có giấy phép của châu Âu.
Theo bà Loiseau, Pháp cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận "có đi có lại", trong đó London và Paris cùng nhau xử lý vấn đề quy chế công dân của nhau một cách công bằng. Bà cho biết thêm dự luật trên vẫn có thể thay đổi vì hiện còn quá nhiều bất trắc trước thời điểm Anh chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019.
Bộ trưởng Loiseau tin tưởng rằng hai bên sẽ có thể đạt một thỏa thuận về Brexit, song nhấn mạnh "vẫn cần chuẩn bị cho mọi kịch bản, kể cả không đạt thỏa thuận". Bà nói thêm rằng không có thỏa thuận tốt hơn là đạt một thỏa thuận tồi.
Theo kế hoạch, các nghị sĩ Pháp sẽ bắt đầu thảo luận dự luật trên từ đầu tháng 11 tới. Hiện có khoảng 300.000 người Pháp đang sống tại Anh, trong khi ước tính 190.000 công dân Anh đang định cư tại Pháp.
Theo kế hoạch, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3 tới. Tuy nhiên cho đến nay, Anh và EU vẫn chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào do bất đồng quan điểm trong vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland - nước thành viên EU và vấn đề thương mại giữa hai bên.
Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức vừa diễn ra tại Áo, các nhà lãnh đạo EU đều tỏ rõ lập trường cứng rắn khi yêu cầu Anh điều chỉnh kế hoạch Brexit của mình. Đáp lại, Thủ tướng May cảnh báo bà sẽ không bao giờ chấp nhận chia tách Vương quốc Liên hiệp Anh, đồng thời cảnh báo nếu không thể đạt một thỏa thuận Brexit "chấp nhận được" đối với Anh, London sẵn sàng rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.
Lãnh đạo 27 nước EU và Anh đều thể hiện mong muốn đạt được một thỏa thuận vào tháng 11 tới, qua đó giúp quốc hội các nước thành viên có thời gian thông qua văn kiện kịp thời trước ngày Brexit chính thức./.