Quảng Ninh quyết làm cao tốc Vân Đồn- Móng Cái hơn 11.000 tỷ đồng bằng vốn "nội"
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa chính thức công khai Hợp đồng dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Cụ thể, Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Dự án này do liên danh 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân; Công ty CP Mặt trời Vân Đồn; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành góp vốn đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án mang tên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn có tổng vốn đầu tư 11.119,6 tỷ đồng.
Quảng Ninh đã huy động được 11.000 tỷ đồng làm cao tốc Vân Đồn- Móng Cái
Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được triển khai trên diện tích hơn 450ha đi qua các địa bàn như Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái. Tổng chiều dài xây dựng tuyến là 80,2km, đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.
Cũng theo hợp đồng, thời gian kinh doanh, khai thác theo phương án tài chính tại thời điểm đàm phán là 18,56 năm. Thời gian thực tế sẽ được xác định từ thời điểm dự án hoàn thành, được quyết toán vốn đầu tư theo quy định của pháp luật và điều chỉnh theo quy định của hợp đồng dự án.
Giá phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc được đưa ra từ 1.500-6.000 đồng/km tùy loại phương tiện. Mức tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo (sau 3 năm đầu) là 18%/3 năm. Mức tăng này là tạm tính và sẽ được điều chỉnh theo quy định của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT và các văn bản khác có liên quan.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, để khởi công dự án này trong năm 2018, hiện liên danh nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh cũng vừa khánh thành thông xe cao tốc Hạ Long- Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Hạ Long, nối liền với cao tốc Hà Nội- Hải Phòng. Bên cạnh đó, sân bay Vân Đồn cũng đã được hoàn thiện.
Trước đó, năm 2016, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đưa ra tổng mức đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái giai đoạn 1 dự kiến là 382 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc 304,6 triệu USD (tương đương 6.860 tỷ đồng), vốn đối ứng của phía Việt Nam là 77,33 triệu USD, tương đương hơn 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, đề xuất này không được đáp ứng.