Thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội: Cần mổ xẻ những vấn đề nhức nhối
Ngày 1-10, tại TPHCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã chủ trì phiên họp toàn thể xem xét, thẩm tra Báo cáo kinh tế - xã hội 2015 của Chính phủ, chuẩn bị báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới. Hầu hết các đại biểu cho rằng, báo cáo nêu những con số chung chung, chưa làm rõ những vấn đề nhức nhối hiện nay như thực trạng xử lý nợ xấu, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp còn cao… - See more at: http://www.sggp.org.vn/kinhte/2015/10/398011/#sthash.9oYZVrnW.dpuf
Chuyên gia Cao Sỹ Kiêm góp ý Báo cáo kinh tế - xã hội 2015 tại hội nghị
Băn khoăn trước những con số
Mở đầu cuộc họp, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là các con số chỉ tiêu kinh tế đạt được. Có đại biểu đã ngạc nhiên khi mới hôm trước nghe báo cáo về hoạt động thoái vốn từ đầu năm đến nay chỉ được 4.000 tỷ đồng, thế nhưng, thẩm tra trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch năm 2016 lại ghi đến 8.300 tỷ đồng! Một đại biểu khác đặt vấn đề về xử lý nợ xấu, trong thời gian qua chỉ xử lý được 6.000 tỷ đồng trong tổng số 158.000 tỷ đồng là quá nhỏ, nhưng quan trọng hơn là phải bóc tách ra nợ xấu trong từng lĩnh vực đầu tư, trái phiếu hay cái gì cho rõ ràng thì mới có giải pháp xử lý hiệu quả được. Nếu không làm rõ nợ xấu thì hoạt động của các ngân hàng sẽ yếu kém, nhùng nhằng. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề cập con số tăng trưởng tín dụng đạt 10,8% nhưng nguồn vốn đi vào đâu cần phải làm rõ, xem có vào sản xuất kinh doanh không. Trong báo cáo nợ xấu ở mức 3% nhưng ông Tiếp nghi ngờ về con số này. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt vấn đề, báo cáo số lượng doanh nghiệp thành lập mới thì nhiều, nhưng con số nộp bảo hiểm xã hội là bao nhiêu không được làm rõ, để con số trong báo cáo thuyết phục hơn.
Về các vấn đề xã hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, hiện nay lương cán bộ không đủ sống, các ngành phải chạy theo phụ cấp, sinh ra lương “mềm”, lương “cứng”. Theo ông, nếu không giải quyết vấn đề nâng lương thì không giải quyết bài toán thúc đẩy năng suất lao động - một vấn đề sống còn của sự phát triển kinh tế xã hội. Đồng ý với ý kiến này, một đại biểu khác cũng cho rằng, nếu chúng ta kỳ kèo lương thấp thì sẽ kiềm hãm năng suất lao động. Ngoài ra, các đại biểu góp ý không nên đặt nặng các chỉ số, tỷ lệ cao, mà cần quan tâm đến những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay như: Có 1,2 triệu người thiếu việc làm; gần 200.000 sinh viên các hệ cao đẳng, đại học, cao học ra trường không có việc làm. Điều đó phải được mổ xẻ để xem xét lại về vấn đề cung - cầu và chất lượng đào tạo, tức là phải đào tạo cái thị trường cần.
Kinh tế phục hồi, vẫn lo về chất lượng
Ông Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia kinh tế, cho rằng, năm 2015 nước ta đạt được nhiều thành tựu trong kinh tế là đã kiềm chế được lạm phát, tăng trưởng kinh tế toàn diện. Thế nhưng, theo ông, để kinh tế tăng trưởng mạnh về… chất, thì cần phải mổ xẻ các vấn đề, như cơ cấu lại nền kinh tế chưa có kết quả rõ nét, nếu nhìn vào thực tế thì còn nhiều tồn tại; năm nay chúng ta ký rất nhiều hiệp định thương mại, các cam kết thương mại nhưng hoạt động tổ chức thực hiện thì chưa đạt… và sẽ dẫn đến sự phát triển không bền vững. Lo lắng về chất lượng tăng trưởng, đại biểu Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đề nghị: “Chất lượng tăng trưởng cần được xem xét và đánh giá chính xác hơn. Ví dụ như vấn đề tái cơ cấu ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng ra sao, cần phân tích kỹ cho thuyết phục”.
Đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cũng cho rằng, kinh tế đã phục hồi nhưng chất lượng tăng trưởng là một vấn đề rất quan trọng. Về tình trạng bội chi, khi thu không đủ chi thường xuyên sẽ làm hết dư địa. Ngay cả chính sách tiền tệ cũng không còn dư địa vì 9 tháng đầu năm dư nợ tăng cao hơn huy động, lạm phát thấp thì lãi suất không giảm được nữa. Ông ví von, ngân hàng hết thời kỳ vàng son rồi! Nhìn lại cơ cấu tăng trưởng, đại biểu Trần Du Lịch lo ngại khi ngành công nghiệp tăng cao, trong khi ngành dịch vụ lại giảm. Ngành dịch vụ phải là ngành cần phát triển, trong đó có cả ngành du lịch, thế nhưng chúng ta lại làm du lịch nghiệp dư, chưa có chiến lược. Muốn phát triển đúng hướng, theo đại biểu Trần Du Lịch, phân tích làm rõ từng chỉ số, nguyên nhân để đề ra giải pháp, chứ không thể báo cáo chung chung được.
Theo Hàn Ni - SGGPO