A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất 5 năm qua

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2015 của Việt Nam đạt 6,28% và cho rằng đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 5 năm qua.

 

Sáng nay 20/7, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã Công bố báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển Kinh tế Việt Nam” 6 tháng đầu năm 2015.  Theo báo cáo, WB khẳng định tăng trưởng của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 6 - 6,5% trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động khó lường.

WB khẳng định: GDP 6 tháng đầu năm 2015 của Việt Nam tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua

WB khẳng định: GDP 6 tháng đầu năm 2015 của Việt Nam tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua

“Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 đạt  6,28%, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây”, báo cáo của WB nhận xét.

Trong khi đó, WB cho biết, lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dần nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đồng thời điều chỉnh tỷ giá linh hoạt để đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế.  Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế tiếp tục cải thiện, tổng cầu tăng do chi tiêu và đầu tư ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, ccác vấn đề về rủi ro nợ công, thâm hụt ngân sách và cải cách DNNN của Việt Nam lại khiến WB lo ngại. Theo thống kê của WB, thâm hụt ngân sách trung bình 5 năm qua đã trên mức 5% GDP (so với mức 1,1% giai đoạn 2003 - 2008). Các khoản chi ngoài ngân sách cũng gia tăng nhanh chóng.

Theo WB, nợ công hiện được đánh giá ở mức thấp nhưng các biện pháp tài khóa tình thế miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, hỗ trợ, kích cầu… đã làm giảm dư địa tài khóa. WB đánh giá: Nợ công tăng nhanh trong những năm gần đây, và chi phí trả nợ có thể là gánh nặng ngày càng tăng cho ngân sách. Tuy nhiên, nợ nước ngoài của Việt Nam ở mức ổn định và tỷ lệ đảo nợ cao.

Về cán cân thương mại và hoạt động xuất khẩu, các phân tích của WB khẳng định, xuất khẩu của Việt Nam đang suy giảm và nhập khẩu tăng nhanh khiến Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại trong quý I/2015.

Về tiến độ cải cách Doanh nghiệp Nhà nước, WB cho hay, tốc độ cơ cấu lại DNNN dường như đang chậm lại.  “Đến hết quý I mới cổ phần hóa được 29 DNNN so với mục tiêu 289 doanh nghiệp đề ra trong cả năm 2015. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định pháp lý và pháp quy về quản lý và quản trị DNNN ban hành năm ngoái, và tăng tỉ lệ sở hữu của khu vực tư nhân với DNNN cổ phẩn hóa cần tiếp tục được coi là một ưu tiên chính”.

“Cải tổ hệ thống ngân hàng đã có nhiều tiến triển, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập. Nhiều vụ sáp nhập và mua lại các ngân hàng nhỏ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại có quy mô lớn. Tuy nhiên, việc thiếu một khung pháp lý đầy đủ và phù hợp cho việc xử lý nợ xấu, VAMC có vốn nhỏ và năng lực hạn chế đang tiếp tục là trở ngại cho việc xử lý nợ xấu”, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết.

Đánh giá về triển vọng những tháng cuối năm, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam có thể đạt mức 6 - 6,5%; lạm phát khoảng 2,5%, tài khoản vãng lai là 0,5% GDP, thâm hụt ngân sách 5% và nợ công (tính theo cách của Bộ Tài chính) sẽ chiếm 64% GDP.

Theo Nguyễn Tuyền - Dantri


Tác giả: Nguyễn Tuyền - Dantri
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật