Tái cơ cấu doanh nghiệp ngổn ngang trước giờ G
Quá trình cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước hay thoái vốn ngoài ngành đang gặp nhiều trở ngại dù chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ phải về đích.
Theo mục tiêu Chính phủ đề ra, 2015 là năm cuối để thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2011 - 2015. Sau hơn 3 năm thực hiện, tình hình sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu khu vực quốc doanh đã đạt được một số kết quả.
Báo cáo trước Quốc hội ngày 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước năm 2015 tăng 26% so với năm 2010, vốn chủ sở hữu tăng 57%, lợi nhuận trước thuế tăng 16%. Sau một năm cổ phần hóa, vốn điều lệ bình quân của 2.400 doanh nghiệp cũng tăng 68%, lợi nhuận sau thuế tăng 100%, nộp ngân sách tăng 47%.
Chính phủ cũng đã hoàn thiện danh mục những ngành, lĩnh vực Nhà nước sẽ nắm giữ trên 75%, từ 67-75%, dưới 65% vốn điều lệ hoặc không giữ vốn sau khi cổ phần hóa, tạo cơ sở cho quá trình thoái vốn Nhà nước diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước 2011-2015 khó về đích. Ảnh: ĐTCK
Nhưng bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu hiện nay vẫn còn nhiều điều “ngổn ngang”, dù giai đoạn nước rút đã cận kề. Dễ dàng nhận thấy, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp chậm so với kế hoạch đề ra. Theo mục tiêu của Chính phủ, trong năm nay, cả nước phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp, nhưng 8 tháng đầu năm, mới có 95 doanh nghiệp thực hiện. Tổng chung đến tháng 9/2015, 340 doanh nghiệp được cổ phần hóa, hoàn thành 64% kế hoạch 2011 - 2015.
Trong tổng số hơn 1.300 doanh nghiệp Nhà nước tại thời điểm 1/1/2011, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay tới cuối năm nay dự kiến còn hơn 600 đơn vị Nhà nước vẫn nắm 100% vốn.
Với 70 doanh nghiệp đã bán cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng từ đầu năm, lượng cổ phiếu “trao tay” mới đạt 36% tổng số lượng cổ phần chào bán, đồng nghĩa có nhiều phiên đã không thu hút được người mua.
Thoái vốn Nhà nước đến nay chỉ đạt 8.390 tỷ đồng, so với hơn 23.700 tỷ đồng “đọng” lại trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng cuối năm 2011.
Ông Đặng Quyết Tiến lý giải quá trình cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp có giai đoạn ỳ ạch là do Việt Nam bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khiến thị trường chứng khoán diễn biến bất lợi, tác động lên các phiên IPO. Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách theo thời gian đã trở nên lạc hậu, những người đứng đầu bộ, ngành, doanh nghiệp lại e dè, chưa quyết liệt thực hiện khiến quá trình cổ phần hóa bị chậm lại.
“Nhiều ý kiến cho rằng quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính quá chậm so với kế hoạch nhưng các nguyên nhân gây nên sự chậm trễ chưa thuyết phục, nhất là chưa đề xuất điều chỉnh chính sách thích hợp và tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, quy trách nhiệm cá nhân. Một số doanh nghiệp đã cố phần hóa nhưng chưa có chuyển biến về chất đối với quản trị, điều hành doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu.
Nhưng dù gian nan, công cuộc tái cơ cấu vẫn được các nhà điều hành, chuyên gia khẳng định phải đi tới cùng. "Nhiều chuyên gia nước ngoài và tổ chức quốc tế nói với tôi thôi đừng bàn tới cải cách doanh nghiệp Nhà nước, bởi không làm được đâu mà nên tập trung phát triển khu vực tư nhân. Song, tôi phản biện là chỉ có cải cách doanh nghiệp Nhà nước mới phát triển được khu vực tư nhân, nếu không khi nó lớn lên thì sẽ lại như doanh nghiệp Nhà nước tìm kiếm các mối quan hệ khác", tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ.
Đặc biệt, cột mốc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, có thể vào giữa năm 2017 sẽ là động lực mới cho quá trình cải cách, bởi một trong những yêu cầu của hiệp định là khu vực tư nhân phải được bình đẳng hơn với doanh nghiệp nhà nước và dần hạn chế những ưu đãi đối với ông lớn độc quyền. “Những doanh nghiệp Nhà nước làm ăn dựa vào quan hệ sẽ khó hơn. Gia nhập TPP sẽ tạo sức ép để cải cách để môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi” bà Phùng Thị Lan Phương - Trưởng phòng FTA thuộc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét.
Gần đây, Chính phủ quyết định thoái hết vốn Nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp, tổng trị giá khoảng 3 tỷ USD, bao gồm cả những ông lớn như Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty FPT, Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom)... Việc thoái vốn khỏi các công ty, vốn từng mang lại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tư nhân hóa hoàn toàn các lĩnh vực không phải nắm cổ phần cốt lõi.
“Nhiệm vụ thoái vốn ở 10 doanh nghiệp Nhà nước lớn là bài toán khó nhưng đảm bảo cam kết là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước và thoái vốn khỏi những doanh nghiệp không cần nắm giữ”, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.
Yêu cầu các doanh nghiệp công khai minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động cũng là giải pháp để khu vực này mạnh lên trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước phải minh bạch thông tin như các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, đồng thời một lần nữa thể hiện quan điểm doanh nghiệp nhà nước phải đoạn tuyệt với bất động sản, tài chính, thị trường chứng khoán và có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đã đầu tư. Nếu sai phạm, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Nêu nhiệm vụ cho giai đoạn từ 2016 trở đi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định phải tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán hết phần vốn trong các doanh nghiệp không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; bố trí đúng cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động.
Theo Phương Linh - vnexpress