A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá xăng cao: Không phải nghịch lý, chỉ là thuế phí

Giá xăng dầu thế giới tụt đáy và thấp ngang với quý I và II/ 2009 nhưng giá bán lẻ trong nước lại cao hơn 35% so với năm này. Thuế phí gia tăng, chiếm hơn 50% trong giá thành khiến giá trong nước không thể giảm như người tiêu dùng mong đợi.

Sự phức tạp của giá xăng dầu

Cuối tháng 7, Bộ Công Thương đã báo cáo về thị trường xăng dầu nhận định: do thuế nhập khẩu cao nên giá xăng bán lẻ trong nước không giảm tương xứng giá thế giới. Nhận định đó vẫn đúng với thực tế thị trường mặt hàng quan trọng này ở tháng 8.

Tổng Cục Thống kê cho biết, 8 tháng qua, cả nước nhập 6.681 nghìn tấn xăng dầu, tăng 8,1% với kim ngạch là 3,778 tỷ USD, giảm tới 35,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, giá bán lẻ trong nước giữa hai thời kỳ trên lại chỉ giảm hơn 20%.

xăng dầu, thuế nhập khẩu, bảo vệ môi trường, giá xăng, giá dầu, Bộ Công Thương, giá cơ sở; xăng-dầu, thuế-nhập-khẩu, thuế-bảo-vệ-môi-trường, giá-xăng, giá-dầu, Bộ-Công-Thương, giá-cơ-sở

Cụ thể, bình quân 8 tháng đầu năm nay, giá bán lẻ xăng A92 là 18.922 đồng/lít, chỉ giảm 23,6%, tức 5.858 đồng/lít so với mức giá bán lẻ bình quân cùng kỳ năm 2014 là 24.780 đồng/lít. Tương tự, giá bán lẻ bình quân tháng 8 của xăng A92 cũng chỉ giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Mức giá xăng hiện nay thấp hơn nhiều kể từ năm 2011 trở lại đây nhưng lại cao hơn rất nhiều so với giai đoạn năm 2008-2010.

Giá bán lẻ bình quân xăng năm 2008 chỉ là 14.875 đồng/lít, năm 2009 là 14.000 đồng/lít và năm 2010 là 16.430 đồng/lít. Dữ liệu này cho thấy, giá xăng bán lẻ bình quân hiện cao hơn 27% so với năm 2008, đắt hơn 35% so với năm 2009 và vượt hơn 15% so với năm 2010 trong khi, giá nhập khẩu gần như tương đương.

Đơn cử như, tháng 4 và 5/2009, giá nhập khẩu xăng thành phẩm trên thị trường Singapore ở mức 58,27 USD/thùng và 65,48 USD/thùng ngang với giá hiện nay. Thuế nhập khẩu xăng giai đoạn này cũng bằng mức thuế hiện nay, là 20%. Nhưng, trong khi giá bán lẻ xăng A92 trong nước khi đó chỉ là 12.000 và 12.500 đồng/lít thì giá bán lẻ ngày hôm nay lại là 18.530 đồng/lít (giá từ ngày 19/8), đắt hơn tới 54%.

Ngày 21/7/2008, giá dầu thô tăng vọt kỷ lục nhất là 147 USD/thùng, gấp 3,5 lần so với giá dầu thô hiện nay thì giá xăng bán lẻ khi đó cũng chỉ ở mức 19.000 đồng/lít, nhỉnh hơn 470 đồng so với hiện nay.

Một nghịch lý khác cũng dễ nhận thấy, số lần giảm từ đầu năm đến nay nhiều hơn số lần tăng giá, nhưng tính trung bình, mức giảm mỗi lần đều thua xa so với mức tăng bình quân mỗi lần điều chỉnh.

Ví dụ, sau 6 lần giảm, giá xăng có mức giảm trung bình là 732 đồng/lít, trong khi chỉ sau 4 lần tăng, mức tăng trung bình đã là 1.260 đồng/lít.

Với dầu diezen, sau 8 lần giảm, mức giảm trung bình là 585 đồng/ lít, nhưng chỉ qua 2 lần tăng giá thì mức tăng trung bình là 605 đồng/lít.

Gánh nặng thuế phí

Thuế phí đã trở thành gánh nặng lớn trong giá xăng dầu. 5 loại thuế, phí đã "ăn"mất ít nhất là 12-13 điểm phần trăm cơ hội được giảm giá theo đà giảm của giá nhập khẩu thế giới.

xăng dầu, thuế nhập khẩu, bảo vệ môi trường, giá xăng, giá dầu, Bộ Công Thương, giá cơ sở; xăng-dầu, thuế-nhập-khẩu, thuế-bảo-vệ-môi-trường, giá-xăng, giá-dầu, Bộ-Công-Thương, giá-cơ-sở

Trao đổi với PV, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khẳng định: trong mỗi lít giá xăng hiện nay, 5 khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và phí trích lập Quỹ bình ổn đã có tổng giá trị hơn 7.780 đồng, chiếm tới 43% so với gía bán lẻ xăng dầu. Trong đó, chỉ riêng tiền thuế bảo vệ môi trường đã chiếm mất khoảng 16% giá bán xăng dầu.

Giá xăng dầu có thể đã giảm theo đà của lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN. Nhưng để bù cho sự hụt thu ngân sách, thuế bảo vệ môi trường đã tăng 3 lần. Động thái này đã khiến giá bán lẻ xăng dầu không thể hạ nhiệt theo tính toán của lộ trình giảm thuế cộng hưởng với xu hướng giá thế giới đang thấp.

Khi áp thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính vẫn viện đủ lý lẽ cho rằng, thuế bảo vệ môi trường không làm tăng giá bán lẻ xăng dầu. Một phép so sánh được Bộ này công bố cuối tháng 5 đã thể hiện quan điểm mức tăng thuế môi trường vẫn là con số nhỏ hơn so với mức giá trị người dân được hưởng khi giảm thuế nhập khẩu.

Khi đó, Bộ Tài chính so sánh tác động của việc giảm thuế nhập khẩu xăng từ 35% xuống 20% với tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, đồng thời cũng so sánh mức hưởng lợi từ việc thuế nhập khẩu dầu diezen từ 30% xuống 12% với tác động của việc tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít thuế môi trường.

Song, thay vì tính giá xăng dầu ở hai thời điểm phải trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường là mức cũ và mức mới để so sánh thì Bộ này quy tất cả các phép tính trên cơ sở mức thuế môi trường mới.

Một chuyên gia kỳ cựu nghiên cứu về ngành hàng này đã nhận định: "Với kiểu tính toán của Bộ Tài chính thì kết quả không phản ánh đúng thực chất tính tương tác của hai loại thuế trên".

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ: "Khi giá dầu giảm, không nên chỉ bàn đến chuyện ngân sách thiệt. Giữa một bên là thị trường, một bên là ngân sách thì phải cưa đôi lợi ích, ngân sách hưởng 3-4 thì bên thị trường hưởng 6-7".

"Điều quan trọng nhất là làm sao chuyển cơ hội từ việc giá dầu thấp thành động lực phát triển, giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhưng hiện, điều này vẫn chưa được làm tốt", ông Thiên nói.

Trong 3 năm qua, chi phí hoa hồng đã có ít nhất 2 lần tăng. Song, "mức chi phí hoa hồng hiện nay vẫn chưa đủ bù chi phí. Hiệp hội đang tính toán sẽ đề nghị tăng tiếp trong thời gian tới", ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho hay.

Theo Phạm Huyền - VEF


Tác giả: Phạm Huyền - VEF
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật