Đàm phán TPP chính thức hoàn tất
Sau 6 ngày đàm phán căng thẳng tại thành phố Atlanta (Mỹ), bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt thỏa thuận cuối cùng vào khoảng 18 giờ tối nay 5-10 (theo giờ Việt Nam) - theo báo New York Times.
Đại diện các nước tham gia đàm phán TPP tại hội nghị ở Atlanta, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Như vậy, sau 5 năm ròng rã đàm phán với vô số bất đồng và trở ngại, tiến trình đàm phán TPP đã hoàn tất, mở đường cho khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.
Những nút thắt cuối cùng đã được tháo gỡ sau khi bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia TPP đạt đồng thuận về 3 lĩnh vực gai góc nhất còn lại là ô tô, bơ sữa và thời hạn bản quyền sở hữu sinh dược.
Tuyên bố của bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP khẳng định:
"Các bộ trưởng thương mại của Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam hân hạnh thông báo chúng tôi đã hoàn tất thành công Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Sau hơn 5 năm đàm phán sâu rộng, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng cường phát triển hòa nhập và khuyến khích sáng tạo trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan trọng hơn, thỏa thuận này đạt được mục tiêu mà chúng tôi đã đề ra về một hiệp định tham vọng, toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, có lợi cho người dân các nước chúng ta." |
Lịch sử hình thành và sự lớn mạnh của TPP
Năm 2005, Singapore đưa ra ý tưởng xây dựng Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ 3 nước khác ủng hộ quan điểm của Singapore. Xét trên phương diện kinh tế và chính trị, 4 nước này quá nhỏ nên TPP không thu hút sự quan tâm của các nước khác.
Tháng 3-2008, Mỹ gia nhập TPP đã kéo theo nhiều nước ký kết hiệp định. Úc và Peru lập tức nối bước Mỹ. Tính đến cuối năm 2008, có 7 nước ký hiệp định, trong khi nhiều nước khác bắt đầu dành nhiều sự quan tâm. Năm 2010, Việt Nam và Malaysia trở thành nước thứ 8 và 9 gia nhập TPP. Tại thời điểm đó, quá trình đàm phán diễn ra rất nhanh vì chỉ cần tham vấn các nước thành viên.
Tính đến năm 2015, 12 nước bao gồm Mỹ, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã trở thành thành viên của hiệp định. Các nước này đang nỗ lực hướng đến việc ký kết thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013. Ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới, đúng như ý tưởng ban đầu của Singapore.
TPP sẽ hạ thuế quan và đặt ra tiêu chuẩn chung về thương mại cho 12 nền kinh tế tham gia, trong đó có Việt Nam. TPP cũng sẽ thiết lập các nguyên tắc đồng bộ trong các vấn đề sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, cởi mở thông tin trên Internet, ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã và các hoạt động phá hủy môi trường.
TPP còn thông qua "cửa ải" Quốc hội Mỹ
Tổng thống Mỹ Barack Obama nỗ lực thúc đẩy TPP, xem đây là cách để mở cánh cửa các thị trường cho hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm dịch vụ tài chính và dược phẩm. Giới chức Mỹ cũng xem TPP như một cách để tạo ra đối trọng với sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Á.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Obama đặt mục tiêu xây dựng nền tảng của “các quy định thương mại thế kỷ 21”, lập các tiêu chuẩn về thương mại, đầu tư, bản quyền sở hữu trí tuệ… Theo New York Times, TPP được xem là thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, hứa hẹn trở thành mô hình sẽ thiết lập tiền lệ cho hoạt động thương mại toàn cầu và các tiêu chuẩn liên quan tới người lao động.
Tổng thống Obama hy vọng đàm phán TPP sẽ kết thúc trong tuần này để kịp trình Quốc hội Mỹ thông qua trước khi nước này bước vào mùa bầu cử năm 2016. Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua vào đầu năm tới, TPP sẽ góp thêm thành tựu vào bảng thành tích trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Obama.
Tuy nhiên, sau khi 12 nước ký hiệp định TPP, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực. Đến nay, TPP vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ. Đây là cửa ải không dễ vượt qua khi nhiều nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang phản đối TPP do lo ngại khả năng thao túng tỷ giá của các nước tham gia TPP và nguy cơ đối với thị trường lao động nội địa do các công ty Mỹ sẽ tìm kiếm nguồn nhân công rẻ hơn tại nước ngoài.
Mới đây, 45 Hạ nghị sĩ đã gửi thư cho Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman, yêu cầu đảm bảo các nước thành viên khác trong TPP mở cửa thị trường cho nông sản Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Orrin Hatch cũng đề nghị chính phủ Mỹ không nên vội vàng kết thúc đàm phán nếu không đạt được các yêu cầu về mở cửa thị trường, quyền sở hữu trí tuệ và các ưu tiên khác, nếu không thỏa thuận đạt được sẽ khó được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Theo TPA, Quốc hội Mỹ sẽ có thời hạn 90 ngày để xem xét và sau đó bỏ phiếu thông qua hoặc bác bỏ hiệp định TPP chứ không có quyền sửa đổi. Như vậy, TPP chỉ có thể được Quốc hội Mỹ thông qua sớm nhất là vào tháng 1-2016.