A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EVN phải loại chi phí xây biệt thự, sân tennis khỏi giá điện

Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực không được tính khấu hao tài sản các công trình như nhà liền kề, sân tennis vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

 

Bộ Công Thương vừa báo cáo tình hình thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2013 về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, bộ chủ quản yêu cầu tập đoàn này không được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh điện của các doanh nghiệp thành viên phần tiền tính khấu hao của nhà đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng và công trình nhà ở khác mà EVN cho các hộ gia đình cán bộ công nhân viên làm việc tại nhà máy điện thuê sử dụng. Tập đoàn phải xác định đơn giá cho thuê nhà đúng quy định theo nguyên tắc đảm bảo đủ bù đắp chi phí khấu hao để thu hồi vốn đầu tư.

Các chi phí dịch vụ quản lý, bảo dưỡng các công trình này cũng cần được hạch toán riêng.

Tương tự, Bộ Công Thương cho biết các khoản đầu tư công trình phục vụ cho mục đích phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis thì phải được lấy từ quỹ phúc lợi hay nguồn các tài trợ bên ngoài.

tien-dien-5491-1381242297-7185-144185348

Câu chuyện kinh phí xây sân tennis, biệt thự được tính vào giá điện từng gây bức xức dư luận

Đối với công trình là nhà khách của chuyên gia, nhà quản lý vận hành và sửa chữa điện, nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện thì EVN được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Nhưng trong trường hợp cho thuê có thu tiền thì số tiền này phải được hạch toán để giảm chi phí sản xuất điện.

Trước đó, tại kết luận công bố năm 2013, Thanh tra Chính phủ cho biết 6 dự án nhiệt điện gồm Ô Môn 1, Phú Mỹ 1 và 4, Nghi Sơn 1, Hải Phòng 1 và Quảng Ninh 1 đều có hạng mục khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis cho cán bộ công nhân ngành điện sử dụng… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.

Toàn bộ chi phí này đều nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện. Cơ quan thanh tra kiến nghị các chi phí này phải được đưa ra khỏi giá thành sản xuất, qua đó sẽ giúp giảm giá bán điện.

Phản ứng lại kết luận Thanh tra tại thời điểm ấy, EVN cho rằng việc xây các công trình này là cần thiết, song họ không hạch toán vào giá điện mà được trích từ khấu hao, lợi nhuận sau thuế hoặc vay ngân hàng và hạch toán riêng.

Theo Tập đoàn, do các nhà máy điện có công suất lớn hầu hết được xây dựng ở cách xa khu dân cư và thành phố nên cần có khu Quản lý vận hành sửa chữa, trong đó có hạ tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân nhằm huy động kịp thời công nhân khi xảy ra sự cố. Đây là những nhà ở công vụ, do vậy khi công nhân không làm việc ở nhà máy sẽ phải trả lại nhà, còn biệt thự đơn lập, song lập cho các chuyên gia sinh sống khi không dùng nữa sẽ chuyển thành nhà khách.

Lý do xây dựng một số công trình thể thao, EVN cho rằng việc này giúp giảm độ căng thẳng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho nhân viên để duy trì ca trực tiếp theo.

Tập đoàn cũng cho hay tại thời điểm đó, trong các Nghị định về Quản lý đầu tư của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành không nêu cụ thể có danh mục khu quản lý vận hành sửa chữa, nhà công vụ, nhưng vì những lý do trên nên việc xây dựng khu quản lý vận hành, sửa chữa, nhà công vụ cho cán bộ công nhân của các nhà máy điện là rất cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế. 

 

Theo T. Đức - vnexpress


Tác giả: T. Đức - vnexpress
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật