A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Long An: Ưu tiên ngành hàng trọng tâm

Tập trung các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Giữ vai trò chủ đạo Theo lãnh đạo Sở Công Thương Long An, thời gian qua, nhờ nhữ[...]

Tập trung các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Giữ vai trò chủ đạo

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Long An, thời gian qua, nhờ những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN), sự phát triển ngành CNHT trên địa bàn đã có những kết quả nhất định khi thu hút được cả DN trong nước và ngoài nước đầu tư cho lĩnh vực CNHT dệt may, cơ khí, da giày…

Về dệt may, có thể kể tới Công ty CP Dệt Đông Quang, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực kéo sợi, có 3 nhà máy với công suất 80.000 tấn sợi/năm; Tập đoàn Dệt may Huafu (Hồng Kông- Trung Quốc) với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, công suất dự kiến mỗi năm kéo 30.000 tấn sợi. Sản phẩm của Huafu cung cấp cho các nhà máy dệt trong nước và ngoài nước. Tập đoàn Trillions (Mỹ) cũng quyết định đầu tư vào Khu công nghiệp Tân Đức giai đoạn 2 với vốn đầu tư dự kiến 120 triệu USD. Tập đoàn này cũng dự kiến thu hút các đối tác đến triển khai dự án trong lĩnh vực dệt nhuộm và CNHT cho ngành dệt may.

Ngoài ra, ngành cơ khí cũng đóng góp tích cực cho ngành CNHT. Nhiều DN của tỉnh đã sản xuất được máy móc, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp như: Máy xay xát lúa gạo, máy gặt, máy gieo hạt. Hiện các DN cơ khí trong tỉnh như: Lamico, Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ… không những phục vụ nền nông nghiệp của tỉnh mà còn cung cấp cho các vùng trong cả nước, kể cả xuất khẩu sang các nước khác.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương Long An, CNHT vẫn chưa đủ mạnh, nên nguyên liệu, phụ tùng máy móc phục vụ sản xuất công nghiệp vẫn phải nhập khẩu và có chiều hướng gia tăng. Đại diện Công ty TNHH MTV Nhựa Vô Song (Khu CN Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa) cho biết, hiện nay, hầu hết DN sản xuất ở ngành nhựa đều nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu. Riêng công ty, hàng tháng nhập khẩu lượng nguyên liệu từ nước ngoài bình quân từ 15-20 tỷ đồng.

Giải pháp dài hạn

Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở Công Thương Long An – cho rằng, tỉnh đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh ở các ngành CNHT. Trong quá trình sản xuất công nghiệp luôn có sự đan xen, tác động lẫn nhau, sản phẩm đầu ra của ngành này lại là sản phẩm hỗ trợ hay sản phẩm đầu vào của ngành khác, thậm chí để sản xuất ra sản phẩm hỗ trợ cũng cần đến CNHT cho bản thân ngành đó. “Vì vậy, Long An đang tập trung vào kết nối, hỗ trợ DN CNHT trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho nhau, cho khách hàng trong nước và ngoài nước; xúc tiến mời gọi DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT” – ông Lê Minh Đức nhấn mạnh.

Ngoài ra, các giải pháp về vốn và khoa học – công nghệ; phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo vùng nguyên liệu, tài chính… cũng được tỉnh tập trung triển khai.

Theo Quy hoạch phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Long An đặt mục tiêu phát triển CNHT nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chính phát triển bền vững, sử dụng các sản phẩm CNHT đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có khả năng xuất khẩu, hướng đến hình thành trung tâm nguyên, phụ liệu ngành dệt may cho cả vùng. Mục tiêu đến năm 2020, các ngành CNHT chiếm trên 21% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành, giá trị tăng thêm chiếm tỷ trọng gần 30%; đến năm 2030, giá trị sản xuất của các ngành, lĩnh vực CNHT chiếm tỷ trọng 30-35%, giá trị tăng thêm chiếm 35 – 40%.

CNHT là một trong các khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững công nghiệp tỉnh Long An theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, tính cạnh tranh và hiệu quả trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với xu thế hội nhập, liên kết phân công sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp và gắn liền với phân công của Chính phủ trong quy hoạch phát triển ngành.

 

Từ khóa:

Nguồn:gtimes.com.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết