Cách mạng công nghiệp 4.0: Bắt đầu từ thay đổi nhận thức
|
Vẫn thiếu chủ động
Thẳng thắn, các diễn giả cho rằng, trong khi cuộc CMCN 4.0 đã và đang diễn ra sôi động trên toàn cầu với nhiều cơ hội mới thì dường như chúng ta vẫn đang “ngơ ngác”. Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khái quát: “Cuộc CMCN 4.0 hình thành trên sự cải tiến của cách mạng số với những công nghệ mới, như: In 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới…. Tốc độ phát triển của những đột phá trong CMCN 4.0 là không có tiền lệ trong lịch sử” và dẫn số liệu về sự chậm trễ của DN Việt Nam, rằng, trong 600 nghìn DN (năm 2015) thì có tới 90% là DN nhỏ và vừa, trong đó có đến 76% đang sử dụng máy móc, dây chuyền công nghệ thuộc thế hệ những năm 60-70 của thế kỷ trước; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang và chỉ có khoảng 20% là nhóm ngành công nghệ cao.
Ở tầm vì mô, dẫn Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2016-2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ông Dũng chỉ rõ, trình độ công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 92/138 quốc gia được khảo sát; chỉ số đánh giá về công nghệ chỉ đứng thứ 106; tiếp thu công nghệ đứng thứ 78… Đặc biệt, năng lực sáng tạo, đổi mới đứng thứ 73/138 quốc gia. Những điều này khiến các DN của chúng ta khó tham gia những dự án lớn, chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn để sản xuất và xuất khẩu.
Không chỉ có vậy, dù khẳng định lợi ích từ việc đầu tư cho KHCN là rất rõ, nhất là trong cuộc CMCN 4.0 nhưng hiện hàng năm chúng ta mới chỉ dành 2% ngân sách nhà nước đầu tư cho KHCN vậy mà có năm vẫn tiêu không hết.
“Tất cả là từ cơ chế và sự tôn trọng thực sự với KHCN, nhất là cơ chế tài chính đối với chi tiêu ngân sách nhà nước còn trói buộc hoạt động KHCN” – ông Dũng nhận định.
Cũng theo ông Dũng, nếu vẫn chưa coi đổi mới công nghệ, sáng tạo công nghệ là sự sống còn của DN thì việc cạnh tranh về năng suất, chất lượng sản phẩm của các DN Việt Nam sẽ gặp vô vàn khó khăn khi chúng ta đang bước vào cuộc chơi lớn, mới và biến đổi nhanh chóng trên nền tảng trí tuệ cao của nhân loại.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong cuộc CMCN 4.0, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là ưu thế, như: lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh mà thay vào đó là trình độ công nghệ, tay nghề cao, năng lực phát triển, sáng tạo khoa học công nghệ (KHCN). Từ báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai của WEF, ông Long cho biết, chúng ta vẫn đứng trong nhóm yếu kém với điểm bình quân là 4,9/10, trong đó, điểm số khung thể chế của Việt Nam chỉ đạt 5,0/10, xếp thứ 53/100 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát.
Bắt đầu từ thay đổi nhận thức
“Thay đổi nhận thức” – ông Phan Xuân Dũng nói và phân tích, hiện có người đang tầm thường hoá cuộc CMCN 4.0 với lập luận mọi nước đều bình đẳng, đều một vạch xuất phát và Việt Nam có thể đi đầu và dẫn dắt thế giới. Đây là nhận thức dẫn đến lạc quan tếu và những sai lầm trong chính sách phát triển. Theo ông Dũng, chúng ta cần thẳng thắn thấy mình còn lạc hậu, cần nỗ lực hơn để phát triển KHCN và sớm thống nhất nhận thức về thời cơ và thách thức đối với dân tộc khi thế giới đang chuyển mạnh sang thời đại CMCN 4.0, từ đó sẽ hình thành những chính sách KHCN, giáo dục phù hợp với xu hướng Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo hay người máy kết nối… trong thời đại CMCN 4.0.
Tán thành, ông Ngô Trí Long bổ sung, cùng với các quốc gia có chương trình về sản xuất dựa trên những tiến bộ KHCN, như: Mỹ có “Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến”; Pháp có “Bộ mặt mới của công nghiệp nước Pháp”; Hàn Quốc là “Chương trình tăng trưởng của Hàn Quốc trong tương lai”; thậm chí, Nhật Bản đã có “Xã hội thông minh 5.0”… thì Việt Nam cũng đã xây dựng các giải pháp đồng bộ từ đầu tư hiện đại hoá hạ tầng, kết nối Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đến đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những chương trình mang tính định hướng chung, do đó, việc cần làm, theo chuyên gia này, là nhanh chóng hiện thực hoá chính sách phát triển bằng các hành lang pháp lý, chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ phát triển KHCN và ứng dựng vào đời sống, sản xuất. Bên cạnh đó, nhà nước cần chuẩn bị để hỗ trợ chuyển đổi các ngành nghề truyền thống và nhanh chóng tiếp nhận thành quả công nghệ mới.
Nhà nước cũng cần có chính sách buộc các DN phải đầu tư phát triển KHCN tại DN mình, nhất là các DN nhà nước, đồng thời, khi DN đã dành một phần lợi nhuận đóng góp vào quỹ phát triển KHCN thì Nhà nước cần có quy định để sử dụng quỹ hiệu quả.
Với DN, ông Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Câu lạc bộ các Nhà Công Thương Việt Nam khuyến nghị, cần chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý mà cả công nghệ sinh học, các công nghệ mới khác.
“Kết hợp nhiều công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm khác biệt, có giá trị độc đáo thì DN mới cạnh tranh được trên thị trường” – ông Thanh nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị, các DN cũng cần xác định hoạt động kinh doanh cốt lõi để phát huy sức mạnh, tham gia vào chuỗi giá trị ngày càng mở rộng nhờ thành quả của CMCN 4.0. Các DN cần xây dựng mối liên kết với các đối tác trong và ngoài nước trong chuỗi sản phẩm để chủ động đổi mới, sáng tạo và ứng dụng KHCN mới vì giới hạn biên giới lãnh thổ sẽ mất dần trong CMCN 4.0.
Hoàng Châu – Phạm Tiệp