Doanh nghiệp bất động sản trước hiệu ứng TPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết ngày 5/10/2015 được dự báo sẽ mở ra động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam. Một trong những lĩnh vực được quan tâm và đánh giá lạc quan trước hiệu ứng TPP là bất động sản.
\n
TPP sẽ góp phần thu hút được dòng tiền đầu tư lớn vào bất động sản Việt Nam. Nguồn: internet
Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian đầu, hiệu ứng tích cực từ TPP sẽ đến chậm, không tác động nhanh chóng vào thị trường bất động sản Việt Nam trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những tác động mạnh mẽ của TPP đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong vòng 5 năm tới.
\n\nVới một lượng lớn các công ty nước ngoài sẽ thành lập nhà xưởng sản xuất mới, các khu công nghiệp ở Việt Nam, phân khúc bất động sản công nghiệp, nhà xưởng và kho vận, văn phòng cho thuê nhờ đó sẽ hưởng lợi rất nhiều. Ngoài ra, nhu cầu chi trả cho một sản phẩm bất động sản để sinh sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tăng lên, kéo theo đó là sự tăng trưởng của phân khúc thị trường căn hộ, nhà ở.
\n\nBên cạnh đó, phân khúc mặt bằng bán lẻ cũng sẽ trở nên nhộn nhịp hơn nhờ việc đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường tiêu dùng của các quốc gia tham gia trong Hiệp định, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định, dòng vốn đầu tư nhờ TPP sẽ liên tục đổ vào các ngành sản xuất và chế biến. Nhờ đó, nhu cầu đối với các loại hình bất động sản khác ngoài phân khúc bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ tăng lên.
\n\nTPP sẽ góp phần thu hút được dòng tiền đầu tư lớn vào bất động sản Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn bất động sản đang ở đà phục hồi như hiện nay và những tác động tích cực từ tăng trưởng kinh tế vĩ mô sẽ là môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư “gửi gắm” nguồn vốn của mình. Cùng với việc cho phép người nước ngoài mua nhà, sự tăng tốc về nhu cầu, mua bán nhà ở sẽ góp phần kích thích thị trường phát triển ngày một ổn định và vững chắc hơn.
\n\nThêm vào đó, TPP cũng mang lại cho các nhà đầu tư cơ hội giao lưu và liên kết với nhau. Các nhà đầu tư địa ốc, nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam cũng sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước học hỏi, cạnh tranh và tìm những hướng đi mới để đứng vững trên thị trường đầy triển vọng này.
\n\nNâng cao khả năng cạnh tranh
\n\nSong song với những cơ hội được mở ra, các doanh nghiệp bất động sản trong nước cũng phải đối mặt với không ít thách thức khi TPP được thực hiện đặc biệt là áp lực cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế những nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn vào bất động sản Việt Nam rất mạnh và khi thấy cơ hội sinh lời, họ sẽ tiếp tục đầu tư. Mặt khác, Bộ Luật kinh doanh Bất động sản sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi được áp dụng từ 1/7/2015 đã rất cởi mở, tạo nhiều cơ hội với khách hàng là người nước ngoài.
\n\nXa hơn, khi các hiệp định thương mại đa phương và song phương khác có hiệu lực thi hành thì dòng vốn nước ngoài sẽ đổ mạnh hơn vào thị trường, kèm theo đó là nhiều quy chuẩn quốc tế về kinh doanh từ Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) và các hiệp định kinh tế chung… Vì vậy, để khắc phục yếu thế về vốn trong sân chơi toàn cầu, các doanh nghiệp bất động sản trong nước không có sự lựa chọn nào khác là phải nỗ lực lớn mạnh để cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài từ lâu đã xem Việt Nam là một thị trường hấp dẫn.
\n\nĐánh giá về thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách liên quan tới TPP vẫn cần một thời gian để đi vào thực tiễn thực hiện. Vì vậy, những tác động tích cực từ hiệp định này tới thị trường bất động sản Việt Nam chưa thể có hiệu quả ngay. Nguồn cầu các phân khúc bất động sản từ khách nước ngoài vào thị trường trong thời gian tới cũng chưa nhiều. Bởi vậy, các doanh nghiệp bất động sản trong nước cũng nên cân nhắc khi đầu tư để tránh dư thừa nguồn cung.
\n\nTrang Trần - Theo tapchitaichinh.vn
\n\n