A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo “Kiến trúc với môi trường sạch và ứng phó dịch bệnh” – Những thay đổi đáp ứng xã hội mới

Hưởng ứng Thông điệp ngày Kiến trúc thế giới 2021, nhìn nhận những tác động của kiến trúc ứng phó với những nguy cơ dịch bệnh, sáng ngày 2/10/2021, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Kiến trúc với môi trường sạch và ứng phó dịch bệnh” tại Trụ sở Hội KTS Việt Nam (40 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội) kết hợp trực tuyến với các diễn giả quốc tế và Việt Nam

Với góc nhìn đa dạng từ Kiến trúc sư, Nhà nghiên cứu đến các nhà phát triển công nghệ – vật liệu hoạt động trong lĩnh kiến trúc xây dựng trong và ngoài nước về mục tiêu hướng tới “Kiến trúc với môi trường sạch và ứng phó dịch bệnh”, Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 500 KTS trên nền tảng zoom và gần 500 lượt xem trực tuyến trên các kênh truyền thông của Hội KTS Việt Nam và Hội KTS địa phương. Đây cũng là hội thảo trực tuyến chuyên ngành kiến trúc đầu tiên trên cả nước tổ chức với quy mô lớn như vậy. Đặc biệt, nội dung chuyên môn tại hoạt động này được Hội KTS Việt Nam đưa vào chương trình phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD), nhằm cung cấp những kiến thức, tặng điểm CPD cho các KTS đáp ứng đủ các yêu cầu tham gia với số điểm tích lũy đạt 1.7 điểm CPD.

Tại hội thảo, các diễn giả ra đã đưa ra các vấn đề từ môi trường và biến đổi khí hậu, kiến trúc công cộng và cảnh quan sinh thái đến nhà ở, đặt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, những tác động đã khiến chúng ta thay đổi tư duy thiết kế và những tinh thần cốt lõi sẽ không thay đổi trong mọi bối cảnh.

Toàn cầu hoá – Tác nhân chính của biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề môi trường khác

Mở đầu chủ đề Hội thảo là góc nhìn về môi trường trước những tác động của toàn cầu hoá và dịch bệnh từ Giáo sư người Tây Ban Nha – GS. KTS Salvador Pérez Arroyo. Theo ông, môi trường được coi như một đơn vị tổng thể ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh, tuy nhiên môi trường ấy hiện nay lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi nhiều tác động của toàn cầu hoá như nhiễm độc không khí; nồng độ axit của nước biển tăng; sự hiện diện của nhiều thành phần hóa học trong khí quyển, thuốc diệt côn trùng… đang làm giảm tuổi thọ cuộc sống. Nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên với những tác động thứ cấp. Liên hệ với dịch bệnh, ông cũng cho biết, trong những năm qua, toàn cầu hóa đã xâm nhập đến bất kỳ nơi nào trên hành tinh, song song với nó là các loại dịch bệnh mà chúng ta phải chịu đựng chung. Có thể trong tương lai gần các loại dịch bệnh khác cũng sẽ lan rộng trên toàn thế giới. Tất nhiên, không có mối liên hệ nào giữa các vấn đề môi trường và đại dịch hiện nay và toàn cầu hóa chỉ là một hiệu ứng phụ của quá trình giao tiếp căng thẳng của chúng ta. Nhưng kiến trúc có thể giải quyết phần nào cả hai vấn đề này. Ông nhấn mạnh: “Dịch bệnh sẽ là thách thức mới đối với các kiến ​​trúc sư. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ quan tâm đến những thiết kế tốt mà còn cần quan tâm đến vai trò to lớn trong việc quy hoạch các vùng lãnh thổ, tạo ra lối sống mới, tích hợp với tri thức toàn khoa học. Chỉ khi hợp tác cùng nhau, các kiến trúc sư, nhà sinh vật học, kỹ sư… chúng ta mới có thể đóng góp vào việc bảo vệ hành tinh của mình.” 

Khách mời theo dõi trực tuyến chia sẻ của GS. KTS Salvador Pérez Arroyo

Đồng quan điểm với GS. KTS Salvador Pérez Arroyo, ThS. KTS Sơn Đặng, Nhà sáng lập Văn phòng thiết kế Sproject tại bài chia sẻ về “Covid 19 và các tác động đến đô thị toàn cầu” cũng cho rằng, sự phát triển của đô thị toàn cầu luôn song hành cùng dịch bệnh. Theo ông, Covid 19 đã đẩy các đô thị đến những chiều kích khác nhau. Covid 19 không phải là hiểm hoạ dịch bệnh đầu tiên và cũng sẽ không phải hiểm hoạ cuối cùng. Chúng ta cần phải chuẩn bị các phương án để đối diện với điều này, cùng nhiều các vấn đề khác về đô thị hoá. Đô thị luôn là chủ thể của các hiểm hoạ không lường, không phải chỉ riêng dịch bệnh.


Nhận bản tin